Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII, khai mạc ngày 21/7 sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung "tối quan trọng" của đất nước, như: bầu nhân sự cấp cao, thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2012, lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992, nghe báo cáo về tình hình biển Đông...
Trước băn khoăn của báo giới về chất lượng các quyết định của QH kỳ họp lần này, khi "tân đại biểu" chiếm đa số, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn chiều nay cho biết, đây là những đại biểu có kiến thức, kinh nghiệm, trúng cử qua nhiều lần hiệp thương. Cơ quan giúp việc cho QH đã tổ chức 3 đợt tập huấn cho trên 300 đại biểu mới cả Bắc - Trung - Nam về hoạt động của Quốc hội, HĐND..., kỹ năng xây dựng luật, tham gia vào vai trò quyết định của QH, kỹ năng giám sát...
"Như vậy, với đầu vào tốt và được cơ quan giúp việc của QH hỗ trợ những kỹ năng vào nghị trường QH, các đại biểu dù mới vẫn đủ điều kiện để thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp và giám sát... Cả về thực tiễn và lý luận, tôi tin họ sẽ đảm đương tốt nhiệm vụ của mình, là đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân là chọn đúng người người có đức, có tài tham gia lãnh đạo đất nước", ông Đàn khẳng định.
Cũng theo Chủ nhiệm văn phòng QH, kỳ họp lần này làm nhiều mảng nội dung nhưng quan trọng nhất vẫn là quyết định bộ máy nhà nước.
QH sẽ xem xét quyết định về tổ chức, nhân sự, bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao: Chủ tịch và các Phó chủ tịch Quốc hội...; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; bầu Tổng kiểm toán nhà nước (nhiệm kỳ Tổng kiểm toán là 7 năm); Quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
"Các ứng viên được giới thiệu vào vị trí nhân sự cấp cao đều được rèn luyện nhiều trong thực tiễn. Những người đứng đầu qua nhiều chức vụ, sàng lọc kỹ mới được giới thiệu", ông Trần Đình Đàn nói.
QH cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2012; thông qua nghị quyết về chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Xem xét và thông qua Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. QH sẽ nghe báo cáo tình hình biển Đông thời gian gần đây.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết thêm, quyết định cụ thể của từng nội dung, như: cơ cấu bộ máy nhà nước, số dư ứng viên bầu các chức danh lãnh đạo, việc có ra nghị quyết về vấn đề biển Đông hay không... sẽ tùy thuộc vào thực tế kỳ họp, ý kiến của từng ĐBQH. Các đại biểu có quyền giới thiệu thêm ứng viên vào các cơ quan lãnh đạo của nhà nước, chính phủ...
Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 14,5 ngày, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội.
Diệu Thúy