Theo hãng tin Channel News Asia, ngày 18/8, Malaysia đã ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày là 22.242 trường hợp, nâng tổng số ca bệnh được ghi nhận đến nay lên thành 1.466.512 ca. Trong đó, bang Selangor báo cáo số ca mắc mới cao nhất trên cả nước, với 6.858 ca nhiễm. Thủ đô Kuala Lumpur cũng có thêm 1.587 ca.
Tổng cộng, số ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận tại khu vực Thung lũng Klang của Malaysia trong ngày 18/8 là 8.445 ca. 7 bang khác của Malaysia cũng ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc mới COVID-19 mỗi bang. Kỷ lục trước đó về số ca mắc mới COVID-19 trong ngày ở Malaysia là 21.668 ca được báo cáo vào ngày 12/8.
Tại Israel, các hạn chế mới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 ngày 18/8 cũng đã có hiệu lực. Bộ Y tế Israel cho biết, các biện pháp hạn chế yêu cầu mọi người phải có giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được vào một loạt các không gian công cộng, bao gồm nhà hàng và quán bar, địa điểm văn hóa và thể thao, khách sạn và phòng tập thể dục, giáo đường Do Thái, nhà thờ Hồi giáo…
Trước đó một ngày, ngày 17/8, Israel - quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thuộc diện cao – đã ghi nhận hơn 8.700 ca mắc mới COVID-19, là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ tháng 1.
Khu vực Đông Nam Á cũng đang chứng kiến số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 ở mức kỷ lục, đẩy các hệ thống chăm sóc sức khỏe vào nguy cơ quá tải và việc triển khai tiêm chủng còn chậm. Trong khi các nước như Canada, Tây Ban Nha và Anh đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 60% người dân của họ còn Mỹ cũng đã tiêm được cho hơn 50% người dân, tỉ lệ này ở các nước Đông Nam Á thấp hơn nhiều.
Theo thống kê của Reuters, Indonesia và Philippines - những quốc gia đông dân nhất ở Đông Nam Á - mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 10-11% người dân. Trong bối cảnh đó, ông Alexander Matheou - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế - đã lên tiếng kêu gọi các nước giàu hơn chia sẻ khẩn cấp hàng triệu liều vaccine dư thừa của họ cho các nước ở Đông Nam Á.
Cùng với đó, ông này cho rằng, các công ty sản xuất vaccine và Chính phủ các nước cũng cần chia sẻ công nghệ và tăng cường sản xuất vaccine để hỗ trợ các nước ở Đông Nam Á. “Những tuần sắp tới là rất quan trọng để mở rộng quy mô điều trị, xét nghiệm và tiêm chủng ở tất cả các khu vực của tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á”, ông Matheuo nói, nhấn mạnh sự cần thiết phải hướng tới mục tiêu tỉ lệ tiêm chủng 70-80%.