Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh ngành thuỷ lợi vừa được bảo vệ năm 2012 cho thấy, để chỉnh trị sông Hồng thì ngoài các công trình của ngành thuỷ lợi, các công trình của ngành giao thông vận tải thuỷ chiếm một vị trí nổi bật. Nhưng thông tin từ luận án này thế hiện, một số dự án thật sự chưa phát huy hiệu quả, hiện tại đã bị xuống cấp, ít tác dụng…
Mỏ hàn Trung Hà 2, công trình đã bị bồi lắng, xuống cấp và theo đánh giá là “ít còn tác dụng” (ảnh chụp từ công trình khoa học). |
Trên địa bàn Hà Nội, đã có 6 dự án bờ kè bảo vệ bờ sông thuộc các công trình gia cố bờ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND TP Hà Nội thực hiện, như kè bờ Thuỵ Phương, Phú Gia, Tứ Liên, Phúc Xá, Bát Tràng…
Để bảo vệ sự an toàn của sông Hồng, theo đánh giá, chủng loại công trình trên dòng sông này cũng đa dạng, từ đê bê tông, đê đất, cây xanh chống sóng, gia cố bờ, mỏ hàn đất đá, mỏ hàn cọc bê tông cốt thép, đập dọc hướng dòng, công trình hoàn lưu bảo vệ cầu. Đó là chưa kể các hoạt động giải phóng lòng sông đầu những năm 1970, nạo vét lòng sông, trục vớt chướng ngại.
Riêng đối với hệ thống công trình ổn định luồng lạch giao thông vận tải thuỷ, đơn vị chức năng đã thực hiện xây dựng các công trình tại các khu vực như bãi Tầm Xá, khu vực Phú Gia - Tứ Liên, khu vực bãi giữa Trung Hà, khu vực Thạch Cầu…
Tại khu vực Phú Gia – Tứ Liên, với mục tiêu tăng cường lưu lượng cho lạch chính Gia Lâm, tránh xói sâu luồng lạch giao thông vận tải thủy, củng cố sự ổn định của thế sông, theo thiết kế, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã xây dựng hệ thống công trình hướng dòng K1, K2, K3, K4. Hệ thống này được xây dựng gần như đồng thời với hệ thống 15 mỏ hàn ở bờ Tầm Xá.
Ở khu vực bãi giữa Trung Hà, từ năm 1986 đến năm 1987, trong dự án chống bồi lấp cảng Hà Nội, ngành giao thông cũng đã cho xây dựng 5 mỏ hàn cứng nhằm ép dòng chảy sát vào bờ Gia Lâm tạo cơ sở thuận lợi để hướng sang bờ hữu vào cảng Hà Nội.
“Trong đoạn sông Hồng qua Hà Nội, có thể nút công trình chỉnh trị đã được xây dựng từ lâu, hàng trăm, hàng ngàn năm, nhưng được tập trung nhất vào các năm 1985 đến nay. Ngoài các công trình của ngành thủy lợi ra, các công trình của ngành giao thông vận tải thủy chiếm một vị trí nổi bật”, luận án tiến sĩ nhận xét.
Thế nhưng, đánh giá về hiệu quả từ các công trình được thống kê nói trên, tác giả đã đưa ra nhiều “thông số” đáng lưu ý. Ví dụ như sau trận lũ 1996, mỏ hàn K3 và K4 bị phá hoại cục bộ đã được tăng cường cả chiều cao, chiều dài và một số công trình hỗ trợ khác đầu bãi giữa Tứ Liên.
Trong khi đó, hệ thống mỏ hàn được xây dựng tại Tứ Liên – Trung Hà, như công trình Tứ Liên 1, Tứ Liên 2 đã bị bồi lắng. Riêng các công trình như Tứ Liên 3, Trung Hà 1, Trung Hà 2 được nhận xét là “hoặc bị xuống cấp, cọc đổ nghiêng ngả” và “ít còn tác dụng”.
Như Pháp luật Việt Nam có bài phản ánh, Cục Đường thuỷ nội địa (Bộ GTVT) đang thực hiện hạng mục nắn dòng chảy sông Hồng đoạn qua Hà Nội, khi dự án này hoàn công, sông Hồng sau khi chảy qua cầu Thăng Long sẽ được nắn dòng chảy chính qua phía huyện Đông Anh, dòng chảy phía quận Tây Hồ sẽ trở thành dòng phụ.
Kinh phí “nắn” sông Hồng nói trên được biết sẽ tiêu tốn 25 triệu USD. Đây là hạng mục nằm trong tổng thể Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ với tổng mức đầu tư 201 triệu USD do Cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư.
Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ được xem là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào lĩnh vực hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc với tổng mức đầu tư lên tới 200 triệu USD, trong đó phần tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) là 170 triệu USD. Trả lời báo chí mới đây, lãnh đạo Ban quản lý dự án đường thủy phía Bắc thừa nhận dự án này đã chậm tiến độ so với yêu cầu hơn 1 năm. Những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này được xác định là do cấu trúc dự án khá phức tạp với 14 chủ đầu tư/chủ quản đầu tư. Dự án trải rộng trên địa bàn nhiều tỉnh với điều kiện địa hình sông ngòi phức tạp nên thiết kế kỹ thuật và phải điều chỉnh/thay đổi vị trí, mặt bằng và kết cấu so với nghiên cứu tiền khả thi, thời gian tiến hành thủ tục kéo dài... |
Việt Hưng