Nhiều bài học giá trị trong xây dựng Nhà nước pháp quyền

“Quốc triều hình luật” là một trong những bộ luật quan trọng nhất của Việt Nam thời kỳ phong kiến.
“Quốc triều hình luật” là một trong những bộ luật quan trọng nhất của Việt Nam thời kỳ phong kiến.
(PLO) - Được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nhân dịp kỷ niệm 520 năm ngày mất của Vua Lê Thánh Tông (1497 - 2017), ngày 4/3/2017 tại Thanh Hóa, Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại”.

Trước thềm Hội thảo, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia và nhà khoa học về pháp luật và lịch sử.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao: “Quốc triều hình luật chứa đựng nhiều tư tưởng lập pháp rất tiến bộ”

Quốc triều hình luật là thành tựu lập pháp tiêu biểu của lịch sử lập pháp Việt Nam, những giá trị to lớn của nó vượt ra ngoài phạm vi của một bộ luật thông thường, nó còn chứa đựng đầy đủ sắc thái của xã hội lúc bấy giờ. Việc tiếp cận, nghiên cứu về Bộ luật này không chỉ có ý nghĩa về mặt lập pháp, mà còn có ý nghĩa cả về mặt lịch sử.

Ông Nguyễn Sơn.
Ông Nguyễn Sơn.
Bên cạnh những hạn chế mang tính lịch sử thì Quốc triều hình luật còn chứa đựng nhiều tư tưởng lập pháp rất tiến bộ, trong luật hình sự đương đại có nhiều điểm kế thừa. Quốc triều hình luật được xây dựng với kỹ thuật lập pháp khá cao, về cơ cấu có các điều, các chương và giữa chúng đã có sự hài hòa, thống nhất nhất định. Các điều luật trong Bộ luật này được xây dựng bằng cách mô tả các hành vi cụ thể và tương ứng với nó là các hình phạt, ngoài ra, trong vấn đề phân loại tội phạm đã có sự cụ thể hóa trách nhiệm hình sự của cá nhân người phạm tội. Quốc triều hình sự đã bao gồm khá đầy đủ các nhóm tội phạm có tính chất truyền thống.

Có thể Quốc triều hình luật là công trình pháp điển hóa đồ sộ trong lịch sử lập pháp Việt Nam, các quy phạm pháp luật trong bộ luật được thể hiện rõ ràng, cụ thể, không cần phải hướng dẫn khi áp dụng. Một đặc trưng nữa của bộ luật này là “tuy ra đời cách đây hơn 500 năm nhưng gần như tất cả các tội danh được coi là cơ bản theo luật hình sự hiện đại đều được quy định trong Quốc triều hình luật”. Ngoài ra, có những vấn đề mà đến tận ngày nay chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu như: chịu hình phạt thay; nguyên tắc chuộc tội bằng tiền…

Ông Nguyễn Văn Cương, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp: “Trọng dụng nhân tài dưới thời Vua Lê Thánh Tông có giá trị rất thời sự ở nước ta trong giai đoạn hiện nay”

Có thể nói, càng nghiên cứu sâu các di sản mà Vua Lê Thánh Tông để lại, chúng ta càng thấy tầm vóc đặc biệt của vị vua anh minh này trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với tư cách là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật và quản trị, tôi đặc biệt tâm đắc với tư tưởng trọng pháp, kinh nghiệm thiết kế bộ máy nhà nước, kinh nghiệm sử dụng, đãi ngộ, kiểm soát quan lại và chính sách trọng dụng hiền tài của Vua Lê Thánh Tông. Đọc Bộ Quốc triều hình luật hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về tính hiện đại trong nhiều nội dung và kỹ thuật lập pháp mặc dù Bộ luật đã ra đời cách ta hơn 5 thế kỷ. 

Ông Nguyễn Văn Cương
Ông Nguyễn Văn Cương
Điểm rất đặc sắc nữa khi nghiên cứu về triều Vua Lê Thánh Tông chính là di sản kinh nghiệm thiết kế bộ máy quản trị quốc gia cả ở trung ương và địa phương. Theo đó, Lê Thánh Tông đã thiết kế được bộ máy nhà nước bảo đảm phân định rành mạch chức năng, nhiệm vụ, vị trí công việc trong từng cơ quan, đồng thời đặt các cơ quan, các vị trí trong thế kiểm tra, giám sát lẫn nhau để “uy quyền khó lạm”, “thế nước khó lay”. Đi kèm với đó là việc thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ hành vi của đội ngũ quan lại, loại trừ các cơ hội nhũng lạm thông qua các quy định về hồi tỵ và các quy định khác có liên quan. 

Một điểm xuyên suốt trong tư tưởng của Lê Thánh Tông cần đặc biệt đề cao là sự hiểu thấu của ngài về tầm quan trọng của hiền tài đối với sự phát triển của đất nước và sự vững mạnh của vương triều. Ông xem “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” và lấy việc “bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí” là ưu tiên số một. Ngay từ khi mới lên ngôi, ông đã có lời thề gần kẻ hiền thần, xa lánh tiểu nhân và suốt 38 năm trị vì ông đã giữ trọn lời thề ấy. Tôi cho rằng những bài học kinh nghiệm về trọng pháp, thiết kế bộ máy nhà nước tinh gọn với chức năng, nhiệm vụ rành mạch, rõ ràng đặt trong thế kiểm tra, giám sát lẫn nhau để phòng ngừa quy cơ lạm quyền, trọng dụng nhân tài dưới thời Vua Lê Thánh Tông có giá trị rất thời sự ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức: “Phải coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu”

Bài học đầu tiên từ kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng hiền tài của Lê Thánh Tông là phải thực sự coi giáo dục, khoa học là “quốc sách hàng đầu”, xây dựng thành công một xã hội học tập. Đây là chìa khóa đưa đất nước vươn tới giàu mạnh. 

Thứ hai, phải thực sự coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, có cơ chế, chính sách đồng bộ trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiền tài. Việc đào tạo, bồi dưỡng hiền tài (hiểu theo nghĩa rộng) là một trong những chức năng và mục tiêu quan trọng của giáo dục đại học. Tuy nhiên, con số hơn 200.000 cử nhân đại học thất nghiệp hiện nay quả là quá lãng phí, nhức nhối.

Ông Nguyễn Mạnh An
Ông Nguyễn Mạnh An

Thứ ba, phải nâng cao chất lượng, khắc phục những hạn chế của giáo dục, đào tạo. Thứ tư, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, gìn giữ, phát huy nền văn hóa dân tộc. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bài học này cần được quán triệt sâu sắc hơn trong xây dựng mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục các cấp học.

Kỷ niệm 520 năm ngày mất của Vua Lê Thánh Tông (1497-2017) cũng là dịp Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học đầu tiên của xứ Thanh tròn 20 tuổi (1997-2017). Xứng danh với tên hiệu của Lê Thánh Tông, mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên của nhà trường đang kế thừa, phát huy “đạo học” thời Hồng Đức, những kinh nghiệm, bài học quý báu trong việc đào tạo, bồi dưỡng hiền tài của Lê Thánh Tông, thực hiện sứ mạng của nhà trường: “Đào tạo nguồn nhân lực đa lĩnh vực, thích ứng với những thay đổi của kinh tế thị trường; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa và cả nước”.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp: “Xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật rất được Vua Lê Thánh Tông chú trọng”

Trong rất nhiều lĩnh vực về cải cách mà Vua Lê Thánh Tông tiến hành, tôi chỉ đề cập sâu tới lĩnh vực cải cách về pháp luật mà Bộ luật Hồng Đức là một điển hình nổi tiếng đến thời nay. Với 13 chương, 722 điều, Bộ luật Hồng Đức mang dáng dấp của một tổng thể các bộ luật, không chỉ là bộ luật hoàn chỉnh nhất mà còn là bộ luật tiến bộ nhất của xã hội Việt Nam dưới thời phong kiến.

Từ góc nhìn như vậy thì Vua Lê Thánh Tông là người rất chú trọng đến xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, được thể hiện qua nhiều khía cạnh. Điển hình là thời trị vì đất nước, Vua Lê Thánh Tông đề cao vai trò của pháp luật, coi pháp luật là công cụ quản lý xã hội, là điều kiện không thể thiếu trong quản lý bộ máy nhà nước. Vua Lê Thánh Tông cho rằng: “Trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Đặt ra pháp luật là trên để răn dạy quan lại, dưới là để dân chúng trăm họ biết mà thực hiện. Mọi rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn về kỷ cương”. (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, kỷ nhà Lê, NXB Khoa học xã hội, H.1985).

Ông Nguyễn Hồng Tuyến
Ông Nguyễn Hồng Tuyến
Nhiều quy định tiến bộ khác của pháp luật mà Vua Lê Thánh Tông đặt ra trong thời kỳ phong kiến ngài trị vì đều thể hiện rõ nét trong Bộ luật Hồng Đức. Chúng ta có thể nhận thấy pháp luật thời kỳ này đã quy định tương đối đầy đủ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, nhất là trong lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính theo nguyên tắc “quyền uy – phục tùng”. Không những thế, pháp luật thời Vua Lê Thánh Tông là cụ thể, chi tiết, dễ áp dụng, dường như không thấy những quy định mang tính nguyên tắc, chung chung; vừa bảo đảm tính nghiêm minh vừa thể hiện tính độ lượng, khoan dung đúng mực.

Bên cạnh đó, Vua Lê Thánh Tông quan niệm sử dụng lệ tục như một công cụ hỗ trợ cho pháp luật trong cai trị đất nước và quản lý xã hội, lệ làng được phát triển mạnh về cả hình thức và nội dung; đề cao trách nhiệm của các cơ quan tổ chức thi hành pháp luật; chú trọng xây dựng những quy định giữ tính công minh của pháp luật; tập trung tổ chức việc thực hiện pháp luật và chú trọng xây dựng đội ngũ quan lại bảo vệ pháp luật… Chẳng hạn, tại Sắc dụ gửi các quan lại trong cả nước (tháng 9/1474), ông nói: “Đặt luật là để trừ kẻ gian, sao dung được bọn coi thường pháp luật” (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, kỷ nhà Lê, NXB Khoa học xã hội, H.1985). 

Nhận thức sâu sắc về cải cách pháp luật của Vua Lê Thánh Tông, chúng ta cần phải nghiên cứu, kế thừa những kinh nghiệm quý báu của Vua Lê Thánh Tông để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Ông Nguyễn Quang Thái, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp: “Gợi mở nhiều điều trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch”

Quốc triều hình luật được biên soạn dưới triều Lê Thánh Tông (năm 1483), niên hiệu Hồng Đức, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và là cơ sở pháp lý chủ yếu của xã hội Việt Nam thời phong kiến trong nhiều thế kỷ. Trải qua bao thăng trầm, đến nay nhiều nội dung của bộ luật vẫn còn nguyên giá trị lịch sử với những tư tưởng tham khảo cho ngày hôm nay. Một trong những vấn đề chúng tôi cho rằng có giá trị trường tồn đó là quan điểm “dân là gốc nước”, được thể hiện trong Bộ luật Hồng Đức.

Ông Nguyễn Quang Thái
Ông Nguyễn Quang Thái

Nghiên cứu về vấn đề này, tôi xin đề cập đến hai vấn đề rất lớn đó là tư tưởng trọng hiền tài và lấy dân làm gốc. Về tư tưởng trọng hiền tài, Vua Lê Thánh Tông đề ra chủ trương không có chuyện đã bổ nhiệm làm quan thì mãi mãi vẫn là quan. Để thực thi vấn đề này, Vua đặt ra lệ khảo thí và khảo khóa để buộc các quan đều phải thường xuyên lo trau dồi, rèn luyện đạo đức và năng lực, theo đó, lệ 3 năm khảo thí một lần cho các quan lại đương chức để kiểm tra trình độ học vấn (không trừ một ai, kể cả trạng nguyên). Quan lại được đánh giá theo tiêu chí có “xứng chức” hay không (với các tiêu chí cụ thể hơn như: có làm cho dân nhiều lên không, có làm cho dân giàu lên không, có làm cho dân biết lễ nghĩa hơn không). Vua đặt ra 5 điều cấm đối với quan lại. 

Bên cạnh đó, với tư tưởng dân làm gốc, Vua Lê Thánh Tông đưa vào luật những hình phạt để răn đe, giáo dục. Chẳng hạn, người ra làm quan phải công tâm, khách quan trong xử phạt, không o ép, bức cung người khác, ví dụ như tại Điều 683 quy định: “Quan xử án, trong bản bán, chỗ luận tội phải dẫn đủ chánh văn và cách thức của luật định. Làm trái thì xử phạt. Xét xử theo riêng ý mình thì bị biếm một tư. Nếu có thêm bớt thì xử phạt theo luật thêm bớt tội cho người”… Những giá trị và kinh nghiệm này gợi mở cho chúng ta rất nhiều điều trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, có đức, có tài trên nền tảng “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.

Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp: “Vua Lê Thánh Tông - một tư tưởng tiến bộ về pháp quyền” 

Vua Lê Thánh Tông là một vị vua anh minh đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta với việc ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ XV. Với Bộ luật này, có ý kiến cho rằng nước ta, khi đó là Đại Việt, đã hình thành một nhà nước pháp quyền sơ khởi và thuộc loại sớm trên thế giới. Nhà vua có một câu nói nổi tiếng: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Ông Nguyễn Đức Kiên
Ông Nguyễn Đức Kiên  
Ngoài ý nghĩa về tư tưởng pháp quyền và quản lý xã hội bằng pháp luật của Vua Lê Thánh Tông, chúng tôi nhận thấy câu nói của vua còn hàm chứa một nguyên tắc vô cùng cơ bản của hệ thống pháp luật quốc gia và cũng là nguyên tắc của pháp luật quốc tế, đó là nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Pháp luật, với tư cách là “phép tắc chung của Nhà nước”, do vậy, dù là bậc cao nhất thời bấy giờ là  vua (“ta”) hay quan lại và người dân (“các ngươi”) đều phải tuân theo. Nguyên tắc này vẫn còn nguyên vẹn giá trị cốt lõi và tối thượng trong hệ thống pháp luật chúng ta ngày nay.

Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Trên bình diện quốc tế, Điều 26 Công ước về Các quyền dân sự, chính trị năm 1966 của Liên Hợp quốc (Việt Nam gia nhập năm 1982) cũng quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào...”.

Vua Lê Thánh Tông, một vị vua phong kiến từ thế kỷ XV mà đã có được một tư tưởng tiến bộ về pháp quyền như vậy thật sự đáng khâm phục và là bài học vô cùng giá trị cho chúng ta trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Ông Nguyễn Bá Tải, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa: “Cần coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát”

Gần 600 năm đã trôi qua, kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương trực thuộc trung ương của Vua Lê Thánh Tông vẫn còn nguyên giá trị. Tham khảo kinh nghiệm của triều Vua Lê Thánh Tông về quan chế, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đạo đức và có trách nhiệm. Cần sớm xây dựng, ban hành Luật về đạo đức công vụ và phải có các chuẩn mực đạo đức để thông qua đó đội ngũ công chức tự rèn luyện và khép mình vào khuôn khổ bởi đây là một trong những công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa tham nhũng một cách căn bản nhất. 

Cần thực hiện việc kiểm tra, đánh giá cán bộ thi hành pháp luật trên cơ sở đạo đức công vụ, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về hoạt động của họ, đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, doanh nghiệp đối với hoạt động thi hành pháp luật của các cán bộ, công chức nhà nước cũng như về các nội dung chủ yếu của cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Ông Nguyễn Bá Tải
Ông Nguyễn Bá Tải

Thiết nghĩ, việc tuyển dụng chủ yếu theo ngành, ngạch hiện nay phải được thay bằng việc tuyển chọn công chức theo yêu cầu của từng vị trí công việc đã được mô tả cụ thể. Trong công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chúng ta nên coi trọng năng lực, phẩm chất và hiệu quả thực thi công vụ của bản thân cán bộ công chức đó hơn là chỉ xét về bằng cấp.

Ngày nay, cơ cấu tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở không ngừng được hoàn thiện. Thanh Hóa thường xuyên tập trung, rà soát về tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về phân cấp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Vì vậy, bên cạnh sự giám sát của HĐND và các tổ chức khác đối với chính quyền các cấp, cần hết sức coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra công vụ trong từng cơ quan hành chính các cấp nhằm phát hiện ra các vụ việc tiêu cực trong bộ máy, trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Đặc biệt, cần tập trung hơn nữa việc kiểm tra, giám sát thực hiện sau phân cấp, nhằm khắc phục những tình trạng sai phạm của cấp dưới như công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, chuyển ngạch. Bên cạnh đó, cần phải có biện pháp nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, tránh tình trạng song trùng quản lý, bỏ sót nhiệm vụ...

Bà Hoàng Thị Minh Sơn, Nguyên trưởng Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội: “Bộ luật Hồng Đức – thành tựu nổi bật về cải cách pháp luật”

 Bộ luật Hồng Đức không chỉ là bộ luật chính thức của Việt Nam dưới thời Lê sơ mà còn được các triều đại khác sau này sử dụng cho đến hết thế kỷ thứ XVIII, đây được coi là văn bản pháp lý bậc nhất, là đỉnh cao nhất của thành tựu pháp luật Việt Nam so với các triều đại trước đó và cả về sau. Nổi bật nhất là về cải cách pháp luật để nâng cao pháp trị thời Lê Thánh Tông được thể hiện nhiều nội dung trong quy định của Bộ luật Hồng Đức, tư tưởng cải cách này là nhân tố quyết định tạo nên triều đại phong kiến nhà Lê huy hoàng, thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam và đã để lại cho ngày nay nhiều bài học quý giá. 

Bà Hoàng Thị Minh Sơn
Bà Hoàng Thị Minh Sơn

Trong quá trình soạn thảo Bộ luật Hồng Đức, nhà Lê đã kế thừa pháp luật Trung Hoa, kế thừa hình thư đời Lý, đời Trần một cách sáng tạo cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam thời kỳ đó. Tuy những quy định về tố tụng hình sự trong Bộ luật Hồng Đức chưa đầy đủ và hoàn chỉnh nhưng ngày nay vẫn còn giá trị cần được nghiên cứu. So với những quy định trước đây, những quy định về pháp luật tố tụng hình sự trong Bộ luật Hồng Đức được thể hiện chặt chẽ và tiến bộ hơn, giúp ngăn chặn việc áp dụng pháp luật một cách tuỳ tiện, lộng hành, vô pháp, thiếu công bằng trong quá trình giải quyết vụ án, đồng thời đề cao hơn trách nhiệm của các quan toà trong việc xử án.

Có thể nói, Bộ luật Hồng Đức đã khẳng định được giá trị và vị thế của mình trong lịch sử hệ thống pháp luật của dân tộc và trên thế giới bởi những giá trị tiến bộ của nó vượt trước thời đại bấy giờ và mang tính nhân đạo nhân văn sâu sắc. Việc nghiên cứu nội dung của Bộ luật Hồng Đức không những giúp ta lý giải một cách sâu sắc nhiều lĩnh vực pháp luật, chế định pháp luật, qui phạm pháp luật mà còn góp phần quan trọng để bổ sung những cơ sở lý luận cần thiết đối với quá trình xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay.

Luật sư Lê Đức Tiết: “Nhiều bài học bổ ích trong cách tân bộ máy trị vì” 

Lược lại sử liệu đã được ghi chép cho thấy kế hoạch của Vua Lê Thánh Tông được triển khai bằng những chủ trương lớn như khuyến khích, mở mang việc học ươm mầm nhân tài; tuyển chọn nhân tài qua thi cử; bồi dưỡng, khích lệ quan lại qua khảo thí, khảo khóa; định rõ biên chế, hệ thống chức danh, phẩm hàm chế độ tiền lương; thiết lập chế độ giám sát, thanh tra rộng khắp, nhạy bén; thực hành chế độ thưởng phạt nghiêm minh. Mỗi chủ trương trên đây lại được thực thi bằng nhiều biện pháp rất cụ thể, mang tính nhất quán và kiên trì thực hiện trong nhiều năm trời. 

Luật sư Lê Đức Tiết
 Luật sư Lê Đức Tiết

Từ đó có thể rút ra nhiều bài học bổ ích cho công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay mà một trong những bài học ấy là quan điểm, chủ trương, biện pháp thực thi là một thể thống nhất, gắn liền với nhau một cách hữu cơ như gốc, thân, cành, lá vậy. Trong cải cách hành chính, quan điểm, chủ trương và những biện pháp thi hành chủ trương của Vua Lê Thánh Tông gắn liền với nhau rất khăng khít. Các chủ trương thể hiện rất xuyên suốt quan điểm chủ đạo, đồng thời hỗ trợ cho nhau rất đắc lực. Mỗi chủ trương lại được thực thi bằng nhiều biện pháp mang tính cách tân, sáng tạo nên đã thâm nhập sâu và phát huy cao tác dụng của chủ trương, quan điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Quyết tâm một thì chủ trương phải 10 và biện pháp thì phải nhiều hơn”. Thật đúng vậy, nếu chỉ dừng lại ở quan điểm thì trở thành kẻ nói suông, nếu chỉ dừng lại ở chủ trương thì trở thành nói không đi đôi với làm, nếu đề ra biện pháp mà không hướng theo những chủ trương, quan điểm nhất định thì trở thành kẻ cầu may.

Tin cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao quyết định công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao quyết định công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre

(PLVN) - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre; 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi; Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1; Tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự”, tỉnh Bến Tre lần thứ tư - năm 2025.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ.

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống
(PLVN) -  Để đất nước có thể vươn mình như kỳ vọng, nhiều vấn đề lớn đang được đặt ra cần giải quyết, trong đó có khoa học công nghệ (KHCN). Chính vì thế, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị có Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm
Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc
Trong không khí cả nước chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), sáng 14/1, Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn công tác Trung ương đã tới thăm và chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm nguyên tắc không bỏ chức năng, nhiệm vụ của các ngành

Quang cảnh Phiên họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Chiều 13/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18-NQ/TW) của Chính phủ chủ trì Phiên họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

Hoàn thiện phương án sắp xếp của Bộ, ngành, địa phương

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: VOV)
(PLVN) -  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ, ngành.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với tỉnh Bắc Ninh

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với tỉnh Bắc Ninh
Chiều 13/1, tại Bắc Ninh, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX; kết quả thực hiện Nghị quyết 18 về việc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy tinh gọn đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.