Thời gian qua, dù kinh tế thế giới nhiều khó khăn, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được sự tăng trưởng; Việt Nam được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính tiền tệ và xếp hạng quốc tế đưa vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu.
Những thành quả đó là hội tụ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết và ủng hộ của người dân, bám sát các nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, nổi bật là xây dựng nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), nền kinh tế thị trường định hướng XHCN... Và còn có nguyên nhân đến từ việc chúng ta đã quyết liệt cải cách hành chính (CCHC).
Qua gần 30 năm CCHC, đất nước đã thu được những dấu ấn nổi bật; trước hết là thể chế hành chính nhà nước được xây dựng triển khai thực hiện có hiệu quả; thứ hai là thủ tục hành chính đã chuyển biến căn bản theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện; thứ ba là hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước không ngừng được nâng cao; thứ tư là đổi mới mạnh mẽ chế độ công vụ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thứ năm là nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công; thứ sáu là thúc đẩy chuyển đổi số trong nền hành chính nhà nước.
Chúng ta đã, đang và tiếp tục xóa bỏ nhiều rào cản hành chính. Trong quý II năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý một số bộ, ngành. Với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã chỉ đạo: “Phải coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, là một tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức”.
Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xem vướng mắc ở đâu, nội dung gì, ai giải quyết, làm trong bao lâu; rà soát lại các thủ tục hành chính ở các cấp, tạo điều kiện cho đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng, thực sự lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để tập trung giải quyết các vấn đề vướng mắc hiện nay; rà soát đội ngũ cán bộ, ai làm tốt cần phải biểu dương, khen thưởng kịp thời, ai chưa làm được, ai né tránh, ai đùn đẩy thì phải xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước. Một lần nữa cần phải nhớ rằng đó là những lĩnh vực ưu tiên trong CCHC hiện nay.