Theo Reuters, cô Matsuri Takahashi, một nhân sự đầy triển vọng, tốt nghiệp một trong những trường đại học hàng đầu của Nhật Bản đã nhảy lầu tự tử hồi tháng 12/2015. Kết quả kiểm tra cho thấy cô gái này đã phải làm thêm đến 105 giờ chỉ trong tháng 10/2015. Việc phải làm việc quá căng thẳng đã khiến nạn nhân rơi vào trạng thái trầm cảm, với đỉnh điểm là cái chết đáng tiếc của cô.
Một cuộc điều tra đã được mở ra sau cái chết của nữ nhân viên trẻ này đồng thời vụ việc cũng đã dấy lên những chỉ trích về tình trạng những cái chết do làm việc quá sức ở nước này. Giới chức Nhật sau đó đã lần đầu tiên tổ chức nghiên cứu, đánh giá và ra sách trắng đầu tiên về tình trạng karoshi – hay mất mạng do làm việc quá sức, bao gồm các trường hợp tử vong do bệnh lý liên quan đến việc làm việc quá sức và các trường hợp tử vong do bị căng thẳng tâm lý liên quan đến công việc.
Theo kết quả trong sách trắng được công bố mới đây, 22,7% công ty được khảo sát trong thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 1/2016 cho biết có nhân viên phải làm thêm hơn 80 tiếng trong 1 tháng. 80 tiếng là ngưỡng được công nhận khiến nguy cơ tử vong do làm việc của người lao động trở nên thực sự nghiêm trọng.
Cũng theo kết quả báo cáo, khoảng 21,3% người lao động Nhật Bản làm việc từ 49 giờ trở lên mỗi tuần, cao hơn nhiều so với trung bình của các nước như Mỹ, Anh hay Pháp. Giới chức Nhật trong báo cáo cũng kêu gọi các công ty cải thiện điều kiện làm việc khi có nhiều người lao động ở nước này cho biết họ cảm thấy rất áp lực do công việc.
Tròn 1 năm sau cái chết của Takahashi, Chủ tịch Dentsu Tadashi Ishii ngày 29/12 đã tuyên bố từ chức. “Thật vô cùng đáng tiếc vì chúng tôi đã không thể ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức của một nhân viên mới được tuyển dụng. Để chịu trách nhiệm hoàn toàn về vụ việc, tôi sẽ từ chức chủ tịch công ty tại cuộc họp của ban giám đốc sẽ diễn ra vào tháng 1 tới” – ông Ishii cho biết tại một cuộc họp báo. Ông này cũng cho biết thêm rằng Bộ Lao động Nhật Bản cũng đã đề nghị các công tố viên điều tra Dentsu và một nhân viên của công ty về nghi vấn vi phạm luật về tiêu chuẩn lao động.
Việc từ chức của ông Ishii diễn ra trong lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đẩy nhanh chiến dịch sửa đổi luật việc làm của Nhật, trong đó có quy định nhằm thắt chặt quy định về việc làm việc quá giờ. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc làm việc chăm chỉ và cống hiến từ lâu đã trở thành những yếu tố cần thiết của người lao động Nhật Bản cũng như những kỳ vọng lớn của xã hội đã khiến người lao động và các công đoàn của người lao động ở nước này khó có thể mạnh mẽ thúc đẩy những cải cách.
Bởi, những người lao động thường cảm thấy mang nợ vì đã được tuyển dụng và lưỡng lự khi bỏ việc dù điều kiện làm việc không tốt. Còn với những người trẻ, họ thường có xu hướng làm việc nhiều giờ hơn các đồng nghiệp để được thăng tiến. “Vấn đề không chỉ có ở Dentsu” – tờ Asahi Shimbun trong một bài xã luận ngày 29/12 nói.