Nhập cư - nước Mỹ vào “cuộc chiến” mới

Thẩm phán Derrick Kahala Watson – người ra phán quyết tạm đình chỉ thực thi sắc lệnh nhập cư mới chỉ vài giờ trước khi sắc lệnh có hiệu lực vào lúc 0h01’ ngày 16/3
Thẩm phán Derrick Kahala Watson – người ra phán quyết tạm đình chỉ thực thi sắc lệnh nhập cư mới chỉ vài giờ trước khi sắc lệnh có hiệu lực vào lúc 0h01’ ngày 16/3
(PLO) - Sáng 16/3 (theo giờ Việt Nam) Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ chống lại quyết định chặn sắc lệnh hạn chế nhập cảnh sửa đổi của Chính quyền Washington của một thẩm phán liên bang tại Hawaii, đồng thời mô tả quyết định này là “vượt quá thẩm quyền”. 

Động thái này, cùng với những tranh cãi xung quanh sắc lệnh nhập cư mới, khiến dư luận Mỹ cho rằng sự chia rẽ vốn tồn tại như một mối lo sau cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2016 vừa qua sẽ bị khoét sâu thêm.

Sắc lệnh sửa đổi ... bị phản đối

Đề cập đến sắc lệnh cấm nhập cảnh mới tại một cuộc mít tinh ở thành phố Nashville, bang Tennessee, Tổng thống Trump nêu rõ: “Hiến pháp Mỹ trao quyền cho tổng thống ngăn chặn hoạt động nhập cư khi xét thấy điều này phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Ông nhấn mạnh việc thẩm phán tại Hawaii chặn sắc lệnh nhập cư mới đã khiến hình ảnh nước Mỹ trở nên “yếu đuối”, đồng thời khẳng định chính quyền Washington sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng, kể cả đưa ra Tòa án Tối cao. Vị chủ nhân Nhà Trắng đồng thời để ngỏ khả năng sẽ khôi phục sắc lệnh hành pháp cũ về vấn đề nhập cư và tuyên bố sẽ “đi đến cùng” với văn kiện này tại tòa.

Trước đó cùng ngày, thẩm phán liên bang Mỹ tại bang Hawaii Derrick Watson đã ra phán quyết ngăn chặn sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump, chỉ vài giờ trước khi sắc lệnh này có hiệu lực vào ngày 16/3 (theo giờ Mỹ).

Trong phán quyết, Thẩm phán Watson nêu rõ trong đơn kiện sắc lệnh mới này, bang Hawaii đã đưa ra được những lập luận rất thực tế để chứng minh rằng lệnh cấm có thể gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa. Phán quyết tại tòa cho phép tất cả các bang tại nước Mỹ không cần thực thi điều khoản thứ 2 trong sắc lệnh trên, liên quan đến việc cấm công dân 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày.

Điều khoản thứ 6 của sắc lệnh về việc đình chỉ chương trình nhập cư cho người tị nạn trong 120 ngày cũng bị đình chỉ theo phán quyết của tòa. Tòa án cũng tuyên bố phán quyết này sẽ không thể đình chỉ trừ trường hợp đơn kháng cáo được nộp.

Sự việc trên đánh dấu một thất bại lớn thứ 2 của Tổng thống Trump trong nỗ lực theo đuổi chính sách nhập cư mà ông cho là thiết yếu để bảo an ninh quốc gia. Trước đó, tòa án liên bang ở Seattle cũng đã quyết định tạm dừng thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên do ông Trump ký ban hành sau khi chính thức nắm quyền hồi tháng 1 vừa qua.

“Cuộc đấu” chưa hồi kết

Ngày 27/1/2017, Tổng thống Trump ký ban hành sắc lệnh hành pháp về nhập cư. Sắc lệnh này đã làm dấy lên làn sóng phản đối cả trong và ngoài nước Mỹ cũng như “khơi mào” cho một “cuộc chiến pháp lý” giữa chính quyền Tổng thống Trump và ngành tư pháp Mỹ. 

Để khắc phục tình trạng này, ngày 6/3, Tổng thống Trump đã công bố sắc lệnh nhập cảnh mới với nhiều điều chỉnh so với sắc lệnh cũ. Tuy nhiên, cùng ngày Bộ trưởng Tư pháp bang California Xavier Becerra và Bộ trưởng Tư pháp bang New York Eric Schneiderman cho rằng dù phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh mới đã thu hẹp lại, nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo nhất định.

Bộ trưởng Tư pháp bang Washington Bob Ferguson cũng chỉ trích Chính phủ Mỹ đã cố tình “lách” phán quyết của tòa khi tiếp tục giữ lại trong sắc lệnh mới một số chính sách mà tòa đã ra lệnh cấm thi hành ở văn bản cũ.

Ngày 11/3, 134 chuyên gia về chính sách ngoại giao và cựu quan chức chính phủ Mỹ đã gửi một bức thư đến các quan chức hàng đầu trong nội các bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ sắc lệnh cấm nhập cảnh mới của Tổng thống Trump, cho rằng sắc lệnh này sẽ làm suy yếu nền an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ tương tự như sắc lệnh nhập cư mà vị tân chủ nhân Nhà Trắng trước đó đã ban hành. Trong khi đó, Nhà Trắng đã bảo vệ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới và lập luận rằng nỗ lực hạn chế đi lại này là biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ.

Ngày 13/3, chính quyền bang Washington, với sự ủng hộ của các bang California, Maryland, Massachusetts, New York và Oregon đã đề nghị Thẩm phán liên bang James Robart của thành phố Seattle đình chỉ sắc lệnh mới. Ông Robart chính là vị thẩm phán đã ra phán quyết chặn sắc lệnh nhập cảnh cũ của Tổng thống Trump.

Chính quyền bang Hawaii cũng đã đệ đơn kiện sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới của Tổng thống Trump lên một thẩm phán tại bang Maryland. Ngay lập tức, Chính phủ Mỹ đã đệ đơn phản đối đơn kiện của chính quyền bang Hawaii, khẳng định sắc lệnh cấm nhập cảnh là “quyền lực hợp pháp của tổng thống” trong việc ngăn chặn các phần tử nước ngoài vào lãnh thổ Mỹ.

Ngày 15/3, một thẩm phán liên bang tại Hawaii đã quyết định chặn sắc lệnh hạn chế nhập cảnh sửa đổi của Tổng thống Mỹ Trump, chỉ vài giờ trước khi sắc lệnh này chính thức có hiệu lực vào ngày 16/3.

Khoét sâu chia rẽ

Mặc dù Tổng thống Trump khẳng định chính sách nhập cư ban hành là để bảo an ninh quốc gia nhưng những người phản đối lại hoàn toàn phủ nhận. Thêm vào đó, các nhà phân tích cho rằng những tác động về kinh tế cũng là nguyên nhân khiến giới chức Mỹ phản đối sắc lệnh nhập cư sửa đổi của Tổng thống Trump.

Thực tế cho thấy kể từ khi Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh nhập cư đã khiến nhiều du khách quốc tế không còn mặn mà với xứ Cờ hoa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của Mỹ. Theo con số thống kê gần đây nhất, lượng tìm kiếm các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ đã giảm 23%. Trong khi đó, các chuyến du lịch đến Mỹ đã giảm 6,5%.

Nhiều hãng lữ hành có tên tuổi cho rằng, sắc lệnh nhập cư vừa ban bố chưa đủ để trấn an những nghi ngại du khách nước ngoài. Hãng NYC & Company dự báo với quan điểm nhập cư khắt khe, lượng khách quốc tế đến New York có thể giảm tới 300.000 lượt người và đây sẽ là lần sụt giảm đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chưa dừng lại, mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Gianni Infantino cho rằng, lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi của Tổng thống Trump có thể dẫn đến khả năng Mỹ không thể tham gia bỏ thầu đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2026. Lý do là trong số các nước bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ có Iran, nước đứng ở vị trí thứ 33 trên bảng xếp hạng của FIFA và đủ năng lực tham gia thi đấu các vòng loại World Cup.

Với việc Thẩm phán Mỹ chặn sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Trump, dư luận Mỹ cho rằng sự chia rẽ vốn tồn tại như một mối lo sau cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2016 vừa qua sẽ bị khoét sâu thêm.

Đọc thêm

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.