Người bước ra, ta bước vào
Mới đây, công văn của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc đưa ra khiến dư luận Hàn Quốc xôn xao: các đài truyền hình nên hạn chế phát sóng các ca sĩ thần tượng na ná giống nhau trong cùng chương trình.
Lý do Bộ này đưa ra là các ca sĩ thần tượng trẻ hiện nay rất giống nhau từ gương mặt đến cách trang điểm, phong cách ăn mặc và phong cách âm nhạc. Điều này có thể gây nhàm chán, đồng thời khiến tư duy thẩm mỹ trong giới trẻ bị rập khuôn, cứng nhắc, thiếu sự phong phú và đa dạng.
Công văn này chính là sự thừa nhận một vấn đề đã được dư luận xứ Hàn tranh cãi trong thời gian qua, đó là sự bùng nổ của thần tượng Hàn Quốc với hàng trăm nghệ sĩ thần tượng “ra lò” mỗi năm, tuy nhiên, cá tính đặc sắc thì chẳng bao nhiêu.
“Phong cách kiểu Hàn” được sao chép thì lứa này đến lứa khác, cho ra những thần tượng như các “bản sao” của nhau. Nếu như trước kia, sự hâm mộ lên đến đỉnh điểm bất chấp sự thiếu đa dạng về cá tính nghệ thuật, nhưng giờ đây, khán giả Hàn Quốc bắt đầu cảm thấy nhàm chán và mong muốn tìm kiếm những điều mới mẻ, phá cách hơn thay vì những nghệ sĩ “sinh đôi, sinh ba” như hiện nay. Làng giải trí Hàn Quốc đồng thời cũng đứng trước một thách thức về sự thay đổi.
Lại nói về thị trường giải trí Việt. Trong những năm qua, phong cách Hàn Quốc chính là một làn sóng ngầm, đặc biệt là trong âm nhạc. Người ta thấy những nghệ sĩ trẻ Việt ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ sĩ Hàn, từ cách trang điểm, ăn mặc đến cách sáng tác hay giọng hát.
Nhiều MV Việt làm ra, nếu không hát bằng tiếng Việt, khán giả còn ngỡ như mình đang xem MV ca sĩ xứ Hàn. Sơn Tùng MTP, nam ca sĩ thần tượng đứng top đầu giới trẻ hiện nay, cũng là một “phiên bản” nghệ sĩ nam thần tượng kiểu Hàn chính hiệu. Những MV anh cho ra mắt cũng liên tục bị tố đạo ý tưởng, đạo nhạc Hàn Quốc.
Cạnh đó, không ít nhạc sĩ trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi nhạc Hàn đến mức khi bị các công ty âm nhạc Hàn Quốc dọa kiện, họ giải thích là do “tình cờ trùng hợp khi nghe quá nhiều nhạc Hàn” (!).
Hành trình đi tìm chính mình
Sự ảnh hưởng của âm nhạc và giải trí Hàn Quốc không phải không có lý do. Từ những thập niên trước, những người làm nghệ thuật xứ kim chi đã xác định cho mình con đường chuyên nghiệp. Các công ty giải trí được lập ra không đi theo con đường “ăn mảnh” mà họ đưa nghệ sĩ đi đào tạo tại các quốc gia có âm nhạc phát triển như Mỹ, châu Âu.
Tuy nhiên, cái hay của giải trí xứ Hàn là mặc dù học hỏi từ những nơi hơn mình, nhưng khi áp dụng vào trong nước, Hàn Quốc lại có bản sắc văn hóa cũng như tâm thế gìn giữ văn hóa đủ mạnh để biến những điều đã học thành “của riêng”. Không chỉ thế, với sự phát triển vũ bão của ngành giải trí, Hàn Quốc còn gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền giải trí các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Thái Lan…
Nhưng một vài năm gần đây, Thái Lan đã bắt đầu khẳng định được cá tính nghệ thuật của mình. Có thể thấy rõ điều này trong âm nhạc cũng như các lĩnh vực giải trí khác như điện ảnh… Thái Lan bắt đầu có những nhóm nhạc vươn ra tầm châu lục.
Đồng thời, khi Việt Nam đang loay hoay với các sản phẩm điện ảnh, truyền hình remake bản Hàn, Thái Lan cũng đã có những phim điện ảnh, truyền hình xuất khẩu và được các nước trong khu vực đón nhận. Cạnh đó, âm nhạc, điện ảnh Trung Quốc sau một thời gian bị mờ nhạt trước Hàn Quốc, nay cũng đã trỗi dậy, kéo về mình một lượng fan quốc tế đáng kể với các bộ phim, các ban nhạc đình đám…
Có thể thấy, chuyện ảnh hưởng lẫn nhau trong nghệ thuật, giải trí giữa các nước trong khu vực là chuyện khá thông thường, dễ hiểu, đặc biệt là khi có những nền giải trí vượt trội mạnh mẽ hơn hẳn. Tuy nhiên, chuyện ảnh hưởng, sao chép chỉ nên là nhất thời, trào lưu. Một nền giải trí muốn phát triển chắc chắn cần cho mình cá tính, bản sắc riêng.
Để làm được điều đó, ngành giải trí ấy phải có một nền tảng vững, ít ra ở mức căn bản. Làng giải trí Việt không thiếu những tài năng trẻ, có cá tính đặc sắc, có khả năng thu hút khán giả. Nhưng cái thiếu của showbiz Việt đó là sự chuyên nghiệp.
Tinh thần nghiêm túc trong âm nhạc, nghệ thuật đến từ những nhà sản xuất, những bầu show, công ty giải trí cho đến nhạc sĩ, ca sĩ Việt là có, nhưng còn khá thất thường. Sự đào tạo cũng hầu hết ở mức tay ngang chứ chưa thực sự có nền tảng.
Trong giai đoạn nền giải trí Hàn Quốc đang mong muốn “bước ra” sự một màu, rập khuôn, thì cũng chính là thời điểm cần để nền giải trí Việt nhìn nhận lại và có thể “thoát” được những ảnh hưởng từ xứ sở kim chi, tìm cho mình một con đường riêng, phát triển mạnh mẽ.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu