Sandy Powell (sinh năm 1960) là nhà thiết kế thời trang người Anh. Bà từng thiết kế trang phục cho nhiều phim điện ảnh nổi tiếng như Interview with the Vampire, Gangs of New York, The Other Boleyn Girl, The Wolf of Wall Street... và ba lần giành tượng vàng Oscar với các phim Shakespeare in Love (1998), The Aviator (2004) và The Young Victoria (2009).
Nhà thiết kế Sandy Powell. Ảnh: Getty |
Tại lễ trao giải Oscar năm nay, Powell là gương mặt nổi bật với hai đề cử ở hạng mục Thiết kế trang phục xuất sắc, dành cho Cinderella và Carol. Liệu màu sắc cổ tích và cổ điển có giúp bà một lần nữa giành tượng vàng danh giá?
Câu chuyện về đôi giày thủy tinh
Sandy Powell chia sẻ khi nhận lời làm trang phục cho bất cứ bộ phim nào, bà cần phải đọc kịch bản, nghiên cứu về nhân vật, sau đó tìm hiểu về văn hóa thời kỳ đó. Cinderella là một trong những bộ phim khiến bà áp lực nhất. Bà luôn nghĩ trong đầu phải làm thế nào để thể hiện chính xác nhất hình ảnh đôi giày thủy tinh và bộ đầm "ball gown" màu xanh da trời.
Suốt thời gian dài, Powell nghĩ về các dạng khác nhau của thủy tinh - từ thủy tinh sắc màu đến thủy tinh chạm khắc hoa văn. Bà đến thăm nhiều bảo tàng và chỉ chăm chú vào khu vực trưng bày những món đồ liên quan đến thủy tinh. Rồi bà bị thu hút bởi vẻ đẹp lấp lánh của đá Swarovski.
Đôi giày thủy tinh của nàng Lọ Lem. Ảnh: Disney |
Bên cạnh đó, bà cũng muốn tạo ra đôi giày độc đáo, chưa từng nhìn thấy trước đây. Vì thế, Powell tìm đến bảo tàng giày ở Northampton (Anh), nơi tập hợp nhiều mẫu giày qua từng thời kỳ.
"Tôi tìm thấy một đôi giày cao gót từ thập niên 1890, kiểu dáng rất lạ kỳ. Thật may tôi được mượn nó về để vẽ bản phác thảo và sản xuất một mẫu 3D. Đó chính là câu chuyện về đôi giày thủy tinh" - nhà thiết kế tài năng chia sẻ.
Tất nhiên nàng Lọ Lem (do diễn viên Lily James đóng) không thể bước đi trên đôi giày ấy. Nó chỉ là đạo cụ sân khấu để hoàng tử cầm trên tay và rơi xuống bậc thềm khi Cinderella bỏ chạy. Thực tế, Sandy Powell phải thiết kế đôi giày da với chiều cao, hình dáng, kích thước tương tự. Khi lên phim, hiệu ứng hình ảnh sẽ biến đôi giày da thành giày đá quý long lanh.
Bộ đầm "ball gown" cũng là một tuyệt tác của Powell. Ảnh: Disney |
Mối duyên với minh tinh Cate Blanchett
Sandy Powell bắt đầu hợp tác với Cate Blanchett từ bộ phim The Aviator (2004). Rồi lần lượt đến Cinderella và Carol.
Với mỗi phim, họ đều ngồi lại cùng nhau để xem hình ảnh tham khảo và bàn bạc. Ở buổi thử đồ đầu tiên cho Carol, nhà thiết kế đưa ra cho Cate rất nhiều mẫu trang phục khác nhau - váy liền, chân váy, áo len, áo choàng - nhưng đều đậm chất cổ điển. Có những món đồ mua, có những món đồ thuê...
Nhân vật Carol ghi dấu ấn với phong cách thời trang cổ điển đẹp mắt. Ảnh: Getty |
"Những món nào đẹp và vừa vặn, chúng tôi sẽ sử dụng, từ đó thiết kế thêm trang phục kết hợp. Cate khá cao, vì thế rất khó để mặc vừa những trang phục cũ của thập niên 1950. Khoảng 80% tủ đồ của Cate trong phim do tôi thiết kế" - Powell chia sẻ trên tạp chí Harper Bazzar.
Nhân vật Carol là phụ nữ giàu có, do đó trang phục phải toát lên vẻ sang trọng, thanh lịch.Ngoài ra, một "bài toán khó" Powell phải giải là làm sao để bật lên nét quyến rũ, sexy từ những bộ đồ kín cổng cao tường.
"Trang phục Carol mặc không khoe da thịt nhưng vẫn có những điểm nhấn nhất định, chẳng hạn như cổ tay áo chỉ có độ dài đến nửa cẳng tay. Phần cổ và tai cũng là những điểm gây chú ý. Khi cô ấy đưa tay chạm vào khuyên tai, ánh mắt của bạn sẽ ngay lập tức chuyển xuống khu vực phía dưới. Mọi thứ đều được tính toán trước" - Powell nói về việc tạo hình cho Cate.
Powell vẽ phác thảo trang phục cho Carol. Ảnh: CNN |
Toàn bộ găng tay nhân vật Carol sử dụng trong phim cũng do Powell may vì "rất khó tìm được đôi găng tay ngày xưa phù hợp với phụ nữ hiện đại".
Nhà thiết kế người Anh quan niệm: "Với tôi, đây chính là sự cộng tác. Tôi tạo ra quần áo, rồi sau đó làm việc trực tiếp với các diễn viên. Tôi không quan trọng trang phục nhìn có đẹp hay không, mà là người ta mặc nó ra sao. Quần áo chỉ là công cụ để họ thể hiện rõ nét nhân vật của mình".