Theo tiến độ đề ra của Bộ GTVT, cuối năm 2022, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 sẽ khởi công. Để hoàn thành tiến độ này, Bộ và các doanh nghiệp (DN) đang còn ngổn ngang khối lượng công việc lớn phải hoàn thành.
Ở giai đoạn này, thay vì lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước như giai đoạn 1, thì Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ định thầu các gói xây lắp.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Dự án gồm 12 dự án thành phần, dài khoảng 729km, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Hiện việc thi công tại nhiều gói thầu thuộc các dự án giai đoạn 1 đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, đơn giá. Chính vì vậy, đại diện một số DN cho rằng để tránh tình trạng gặp khó như giai đoạn 1, giai đoạn 2 này cần có những cơ chế đặc thù, tạo thuận lợi cho DN thực hiện dự án.
Trao đổi với PLVN, ông Lê Đức Thọ - Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO 4 cho biết, DN đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để thực hiện các dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông và hiện nay đơn vị sẵn sàng thực hiện các thủ tục để tham gia dự án.
Với tư cách là một nhà thầu, CIENCO 4 mong muốn có những cơ chế đột phá để tạo điều kiện cho các DN thi công các dự án này được thuận lợi hơn. Theo đó, để đảm bảo tiến độ các dự án, liên quan đến nguồn vật liệu xây dựng (VLXD), cần có cơ chế giao các mỏ cho nhà thầu khai thác.
Liên quan đến công tác khảo sát, thiết kế dự án cũng phải chuẩn xác ngay từ khâu ban đầu, tránh thay đổi trong quá trình thực hiện. Việc chọn nhà thầu, cần có những tiêu chí cụ thể để chọn được những nhà thầu có năng lực tốt cả về kinh nghiệm lẫn tài chính. Các gói thầu nên chia thành các gói lớn, tránh tình trạng chia nhỏ phân tán. Ngoài ra, công tác bàn giao mặt bằng cũng cần được các địa phương quan tâm đúng mức, giao đúng thời gian cho nhà thầu.
Vật liệu tăng giá, càng làm càng lỗ
Ông Phạm Văn Khôi – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - cho biết, công tác khảo sát, thiết kế từ địa hình, địa chất cho đến các mỏ vật tư, VLXD cần phải tổ chức khảo sát một cách thật sự kỹ lưỡng, đánh giá sát với thực tế ngay từ ban đầu.
Sau đó, các mỏ này cần đưa vào gói thầu, giao cho Ban quản lý dự án và nhà thầu được quản lý, khai thác. “Thuế, phí tài nguyên môi trường thì sử dụng đến đâu DN thực hiện nghĩa vụ đến đó, dưới sự giám sát của cơ quan chức năng, địa phương”, ông Khôi đề xuất.
Cũng theo lãnh đạo Phương Thành, ba yếu tố là hồ sơ thiết kế thi công, mặt bằng và mỏ VLXD cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, có sẵn thì thi công sẽ rất nhanh. “Hiện nay, có tình trạng vào thi công thì ba cái này không đồng bộ, thiết kế thì sơ sài, mặt bằng thì xôi đỗ, mỏ vật tư thì khảo sát ra nhưng không lấy được, gây rất nhiều khó khăn cho nhà thầu thi công dẫn đến chậm tiến độ dự án”, đại diện Phương Thành đánh giá thực trạng hiện nay ở một số gói thầu cao tốc Bắc - Nam.
Còn theo lãnh đạo một tập đoàn xây dựng giao thông khác ở Hà Nội, hiện đơn giá định mức thuộc lĩnh vực cầu đường do Bộ Xây dựng ban hành đang thấp và có nhiều bất cập. “Có tình trạng thi công ở một số hạng mục, càng làm nhiều thì DN càng lỗ. Riêng hạng mục đắp đất, DN có thể lỗ đến 20 - 30%”, vị này nói và cho biết, nếu tình trạng đơn giá định mức thấp trong khi VLXD từ đất đắp, cát sỏi, sắt thép, xi măng, nhựa đường, xăng dầu đều tăng giá rất nhanh thì các nhà thầu sẽ không đủ sức “chiến đấu”.
“Thời gian vừa rồi, các nhà thầu giao thông, mặc dù có việc cũng mừng nhưng làm trong nỗi lo. Không làm thì không có việc mà làm thì nguy cơ lỗ”, dại diện doanh nghiệp trên chia sẻ thêm.