Ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã nghe báo cáo về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban DTSĐHP năm 1992, Trưởng ban biên tập DTSĐHP năm 1992 Phan Trung Lý trình bày.
Ông Phan Trung Lý |
Không đặt vấn đề trưng mua đất đai
Quá trình lấy ý kiến về DTSĐHP năm 1992 có nhiều ý kiến góp ý về quy định thu hồi đất trong Dự thảo, song Ủy ban DTSĐHP cho rằng, “thu hồi đất là vấn đề quan trọng, vừa liên quan đến quyền sở hữu toàn dân về đất đai, vừa liên quan đến quyền của người sử dụng đất”.
Theo ý kiến của Ủy ban DTSĐHP, quyền sử dụng đất là quyền tài sản Hiến định được trao cho công dân và gắn với một mảnh đất, thửa đất cụ thể, là quyền có điều kiện và gắn với một đối tượng cụ thể là đất đai. Trong khi đó, đối tượng của quyền sử dụng đất – đất đai – lại thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.
Do đó, Nhà nước có quyền thu hồi lại mảnh đất mà Nhà nước đã giao cho một người đang sử dụng, không có nghĩa là Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất (quyền tài sản) của người sử dụng đất mà Nhà nước thu hồi đất - đối tượng của quyền sử dụng đất.
Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội “quy định cơ chế thu hồi đất vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu”.
Tuy nhiên, để bảo đảm việc thu hồi đất không bị lạm dụng, Ủy ban DTSĐHP đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc của việc thu hồi, bồi thường là “công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật” với nội dung cụ thể về điều kiện và thể thức được xác định trong luật.
Ủy ban DTSĐHP cũng nhận thấy, đất đai là nguồn lực quan trọng cần được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm mục đích phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy, việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết.
Dự thảo quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các trường hợp thu hồi đất do luật định. Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật” để tránh việc thu hồi đất tràn lan.
Dự thảo cũng xác định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là “tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Vì vậy, Ủy ban đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai…
Không trình Quốc hội phương án đổi tên nước
Bản dự thảo vừa được trình Quốc hội đã bỏ phương án lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông Phan Trung Lý cho biết, qua tổng hợp, có nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề tên nước, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh cả nước vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, khẳng định con đường mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, nhà nước và nhân dân.
Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và năm 1992. Việc thay đổi tên nước trong thời điểm này sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí bị xuyên tạc là đang xa rời mục tiêu, con đường lên CNXH và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.
Về Điều 4 Hiến pháp, trên cơ sở phân tích những nguyên nhân chủ quan và khách quan, Ủy ban DTSĐHP đề nghị không đưa vấn đề ban hành luật về Đảng vào dự thảo Hiến pháp.
Báo cáo của Ủy ban DTSĐHP cũng làm rõ những nội dung của DTSĐHP năm 1992 đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến nhân dân về lời nói đầu, chế độ chính trị; quyền con người và quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội, Chủ tịch nước; Chính phủ; TAND và VKSND; chính quyền địa phương; Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước; việc sửa đổi Hiến pháp.
Huy Anh