Cách chức, cảnh cáo nhiều cán bộ địa phương, khởi tố và bỏ tù nhiều đối tượng…, những biện pháp xử lý này xem ra vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để nạn xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp ở TP HCM, vì số trường hợp vi phạm năm sau cao hơn năm trước. Đâu là nguyên nhân?.
Những ngôi nhà kiểu này mọc lên nhan nhản trên địa bàn huyện Bình Chánh |
“Công nghệ” xây nhà siêu tốc, siêu rẻ!
Những mảng xanh của vùng nông nghiệp trước đây giờ đã mọc lên hàng vạn ngôi nhà nham nhở. Hầu như trong mọi ngóc ngách ngõ hẻm của các ấp đều xảy ra tình trạng xây nhà trái phép. Trên những mảnh ruộng, người ta chia ra thành những ô nhỏ chừng dăm bảy chục mét vuông, thậm chí vài ba chục mét vuông, với những hàng gạch không theo một quy hoạch nào.
Được xem là điểm nóng về xây nhà không phép của TP, mỗi năm huyện Bình Chánh phát hiện, xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm xây nhà trái phép, tuy nhiên, theo nhận định thì con số chưa bị phát hiện còn lớn hơn nhiều. Tại các xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng, Tân Kiên…dễ dàng bắt gặp cảnh từng đống gạch được chuẩn bị sẵn bên bờ ruộng chờ khi cơ quan quản lý lỏng tay là những căn nhà lại mọc lên vèo vèo.
Để hình thành được ngôi nhà trái phép, người ta có trăm phương nghìn kế: Ban đầu, họ lượm lặt vài tấm tôn nát, dựng vài ba cọc tre, lợp lên ít tranh lá dừa hoặc tôn rách... để xem động tĩnh của cơ quan chức năng; nếu thấy ổn thì tiếp tục cơi nới dần. Phía ngoài là tranh, tôn nhưng phía trong họ âm thầm xây bằng gạch, khi tranh và tôn mục nát thì căn lều “lột xác” thành ngôi nhà bằng gạch đỏ chót, chình ình giữa ruộng lúa.
Cứ như vậy, họ chịu chấp nhận xử phạt rồi xin số nhà, xin được kéo điện vào… cuối cùng có căn nhà… hợp pháp. Thậm chí, vào mùa cao điểm việc xây nhà trái phép được tiến hành công khai. “Họ xây rất nhanh, có khi chỉ cần vài ba ngày, thậm chí một đêm là xong một ngôi nhà. Sở dĩ có sự “siêu tốc” đó là do xây không phép nên họ xây rất tạm bợ, không cần cầu kỳ về móng, mà chỉ cần cuốc một lớp đất lên là có thể xây ngay. Khi cơ quan phát hiện thì sự việc đã rồi…”- nhiều người dân bức xúc.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh - Đoàn Nhật cho biết: Bình Chánh là huyện giáp ranh với các quận, nơi có số dân nhập cư chiếm trên 40%. Họ hầu hết từ các địa phương khác tới nên rất có nhu cầu về nhà ở. Với số tiền ít ỏi nên khi vào TP lập nghiệp thì đất Bình Chánh là nơi họ nhắm tới. Họ mua miếng đất dăm bảy chục mét vuông bằng giấy tay, vì áp lực nơi ăn chốn ở họ đành làm liều xây bừa. Khi cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản kiên quyết cưỡng chế thì bản thân mình cũng thấy tội vì không biết họ sẽ đi về đâu…
Dù vô số nhà xây trái phép bị cưỡng thế tháo dỡ nhưng xem ra không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. |
Càng xử càng vi phạm?
Để chấn chỉnh, UBND huyện Bình Chánh ra Chỉ thị số 03 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện với rất nhiều nhóm giải pháp, giao trách nhiệm cho từng cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên tới nay, số trường hợp vi phạm năm sau không những không giảm, mà còn ngày một tăng.
Giải thích về việc tăng này, ông Đoàn Nhật cho rằng: Mỗi năm huyện Bình Chánh phát sinh thêm khoảng ba đến bốn ngàn hộ tương đương sẽ có thêm từng đó ngôi nhà. Tuy nhiên trong số nhà đó tỷ lệ trái phép luôn chiếm từ 1/3 trở lên. Hơn nữa, hiện nay lực lượng thanh tra xây dựng trình độ còn non yếu, mỏng, ở các xã chỉ có cộng tác viên thanh tra với mức thù lao thấp nên nhiều khi họ chưa nhiệt tình.
“Nếu chúng ta không giải quyết được cái gốc về nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp thì chắc chắn tình trạng xây nhà trái phép trên địa bàn sẽ tiếp tục tái diễn. Có nhiều trường hợp phạt đi phạt lại nhiều lần nhưng vẫn cố tình tái phạm.” Ý kiến này cũng được ông Huỳnh Văn Hải- Chánh Thanh tra xây dựng huyện Bình Chánh - xem là mấu chốt của tình trạng xây nhà trái phép hiện nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các xã trọng điểm, mỗi xã có khoảng trên 20 cộng tác viên thanh tra cộng với một số lực lượng khác như chủ tịch UBND các xã, công an xã, trưởng ấp, tổ trưởng, các đoàn thể… Có thể nói với lực lượng đông đảo như vậy, nhưng không hiểu tại sao tình trạng xây nhà trái phép vẫn diễn ra ngày càng phức tạp trên địa bàn? Phải chăng do còn các nguyên nhân khác?
Còn tồn trên 1.200 trường hợp vi phạm xây nhà trái phép chưa được tiến hành cưỡng chế tháo dỡ theo quyết định, hiện huyện Bình Chánh đã lên kế hoạch cưỡng chế toàn bộ trong năm 2012. Dư luận mong rằng, chính quyền địa phương sẽ làm rốt ráo, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “nâng cao ném khẽ” một cách khó hiểu như các cơ quan báo chí và người dân đã phản ánh…
Hai năm qua cơ quan chức năng huyện Bình Chánh đã khởi tố 16 đối tượng liên quan tới xây dựng, đất đai, trong đó có 4 trường hợp bị phạt tù. Huyện Bình Chánh cũng đã cách chức một chủ tịch, một phó chủ tịch và cảnh cáo một chủ tịch ở xã Vĩnh Lộc A và xã Tân Kiên. Cũng với đó là hàng ngàn quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành… Tuy nhiên, tình trạng xây nhà trái phép vẫn không giảm. Một số người cho rằng việc xử phạt mà không cưỡng chế tháo dỡ đã tạo tiền lệ xấu cho nhiều người dân liều mạng xây nhà vì họ nghĩ “cứ xây, cứ chịu phạt rồi cuối cùng Nhà nước cũng… cho hợp thức hóa!”. |
Ngọc Quý