Công trường thủy điện Sông Bung 4 (xã Pà Lứa, huyện Nam Giang, Quảng Nam) được nhà thầu Sinohydro Corporation Limited (Trung Quốc) tiếp nhận thi công từ năm 2011. Nhà thầu này đã đưa 243 công nhân người Trung Quốc sang làm việc, mà phần lớn trong số đó chưa được đăng ký ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
Lán trại của công nhân Trung Quốc tại công trình thủy điện sông Bung 4 |
Từ Trung tâm huyện Nam Giang, khách phải mất hơn 40km để ngược lên cửa khẩu biên giới Nam Giang, rồi từ đây đi thêm 10km nữa mới có thể đến được Nhà máy thủy điện sông Bung 4. Dù đã hơn hai năm thi công, song các hạng mục vẫn còn dang dở, công trường giữa trưa nắng gắt vẫn tấp nập người làm việc.
Trước khi đến lán trại công nhân, chúng tôi cũng đã được người tại Ban quản lý dự án cảnh báo, phải tìm người phiên dịch để họ dẫn vào, vừa nói chuyện được lại vừa có người “bảo lãnh”, chứ ở trong đó, toàn người Trung Quốc.
Ở đây, công nhân Trung Quốc ăn nghỉ và sinh hoạt theo từng tổ, mỗi căn hộ bốn giường tầng với tám người ở. Việc nấu ăn cũng do người Trung Quốc với 5 phụ nữ đảm trách, trong đó có cả vợ của một số công nhân được đưa sang phục vụ.
Phía Việt Nam ít người hơn, được bố trí ở tầng 2. Anh Vũ Tiến Nam, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Sao Phương Đông (trụ sở tại Sài Gòn), nhà thầu phụ duy nhất nhận thi công một số hạng mục cho biết, đơn vị anh được nhà thầu chính ký hợp đồng. Anh đưa đến đây khoảng hơn 20 công nhân người Việt.
Khoảng thời gian ở đây đã lâu nên các anh không ít lần “tay đôi” với công nhân Trung Quốc, hầu hết là công nhân lái xe người Trung. “Họ chạy ra chạy vào trên tuyến đường mà công ty tôi xây lán trại, rồi cãi nhau toàn chuyện chẳng đâu vào đâu như: công nhân Việt Nam nhìn đểu họ, hay nước đổ ra ngoài đường xe chạy, tối lại không chịu đi chơi mà tụ tập coi vô tuyến… Nhiều lần công ty tôi phải nhờ đến Ban quản lý mới xong chuyện”, anh Nam nói.
Chính vì vậy công ty anh "cấm tiệt" công nhân của mình lai vãng đến những nơi có công nhân Trung Quốc làm việc hay vui chơi…
Theo ông Alăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, đến nay huyện cũng chỉ mới nắm “sơ sơ” được số ít người Trung Quốc trên địa bàn mình. Riêng số lượng công nhân Trung Quốc đang làm việc “bao nhiêu thì không biết”.
Khoảng thời gian 2 năm qua, ghi nhận từ công an báo lại, đã có không ít thanh niên, dân tộc người Cơ tu có mâu thuẫn với phía công nhân Trung Quốc khi họ lạc vào công trường hay lên đây lấy củi, xem thi công…. Đến khoảng cuối năm 2011, rộ nhất năm 2012, lại xuất hiện nhiều trường hợp chị em phụ nữ, nhất là các cô gái trẻ bỗng dưng “mất tích”.
Nguồn tin từ huyện nắm, các cô bị đưa bán sang Trung Quốc mà một số “mẹ mìn” là công nhân nằm trong những lao động “chui” trên? .
Báo cáo từ Phòng lao động - Việc làm (thuộc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam), đến giữa năm 2013 có 243 lao động Trung Quốc đang làm việc tại thủy điện sông Bung 4, phần lớn là công nhân lao động phổ thông, 23 lái xe và 5 nấu ăn, số còn lại làm quản lý, thợ hàn...
Ngoài số người quản lý, lãnh đạo có đăng ký với Sở, còn lại các công nhân đều hoạt động “chui”. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, công nhân Trung Quốc ở đây làm những việc như phá đá, lái xe chuyển vật liệu kiêm luôn cả sửa chữa máy móc đơn giản…
Còn tại công trình đê đập dâng, các công nhân Trung Quốc làm những công việc đơn giản như hàn ốc vít, lắp lan can, kéo dây điện, dọn vệ sinh, phu hồ… Liên quan đến việc nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc trên địa bàn, nhưng lại làm “chui”, trong khi đó, thanh niên, người lao động địa phương từ lao động phổ thông đến người có tay nghề đang rất nhiều nhưng không có cơ hội làm việc tại công trình thủy điện, bà Hương cho biết, do chủ đầu tư chưa tuyển.
Điều này cũng được anh Lê Huy Khôi, chuyên viên kỹ thuật Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 thừa nhận. Theo anh Khôi, trong bốn gói thầu chính của dự án có đến ba gói thầu do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Trong số 450 người đang có mặt ở dự án Sông Bung 4, có gần 300 người là Trung Quốc.
Đối với dự án Sông Bung 4, chính sách của phía Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - đơn vị tài trợ vốn khuyến khích sử dụng lao động địa phương nhưng không bắt buộc, nên các nhà thầu Trung Quốc có quyền đưa người của họ sang làm. Còn việc đưa công nhân “chui” vì do thủ tục hồ sơ phức tạp nên người Trung Quốc không muốn đăng ký và họ chấp nhận lao động không phép?.
Theo Xa lộ pháp luật