Trong những năm gần đây, nhiều người trẻ dành thời gian trong dịp này để đi lễ bái, tham quan Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), trở về nguồn cội, tham gia các hoạt động truyền thống của dân tộc,... “Hằng năm, mỗi dịp Giỗ Tổ mình lại cùng bố mẹ thăm viếng Đền Hùng dâng lễ, xem hoạt động văn hóa truyền thống tại nơi đây. Việc này không chỉ giúp mình thêm hiểu hơn về lịch sử mà khiến mình cảm nhận rõ ràng nhất các giá trị cội nguồn dân tộc ta. Mình hy vọng sẽ có nhiều thêm các bạn trẻ ghé thăm Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ để thêm yêu văn hóa, yêu giá trị Việt”, Thu Trang, sinh viên Trường Đại học Hùng Vương chia sẻ.
Còn tại khu vực Thảo Cầm Viên (TP Hồ Chí Minh), hàng ngàn người đổ dồn về đây để chơi lễ. Các gia đình trẻ dẫn theo con nhỏ đến để tham quan, chụp ảnh. Ở đền thờ Vua Hùng (trong khuôn viên Thảo Cầm Viên) cũng không thiếu những người trẻ đến đây thắp nhang, tham quan. Những tốp người trẻ thay phiên ra vào khu đền thờ để thắp nhang tưởng nhớ đến công ơn của cha ông, của các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Đối với thế hệ trẻ, ngoài việc gìn giữ những tục lệ truyền thống, nhiều bạn trẻ còn tích cực tham gia hoạt động thiết thực, bổ ích để ghi nhớ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch). Tại một số trường học, thay vì giảng những bài học khô khan, nhà trường tổ chức những hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Như tại Trường THCS thị trấn Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), trước khi bắt đầu ngày nghỉ lễ, các em học sinh được tham gia hoạt động gói bánh tét. Đây là một trải nghiệm có cả sự tham gia của phụ huynh, thầy, cô giáo và học sinh trong trường. Hoạt động này không chỉ giúp học sinh biết được quy trình gói bánh tét mà còn tạo sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình trong việc chăm lo cho con em trong quá trình học tập, giáo dục về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, với sự tích Lang Liêu gói bánh chưng, bánh giầy dâng Vua Hùng.
Tại một số địa phương, các đoàn thanh niên xã đã tổ chức những hoạt động thiết thực như dọn dẹp vệ sinh các chùa, đền, miếu,... tổ chức cuộc thi viết, tìm hiểu về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hướng đến đối tượng là các em học sinh, sinh viên. Tại xã Phú Riềng (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước), đã thành thông lệ, các em học sinh sẽ tham gia “Ngày Chủ Nhật xanh” chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Giỗ Tổ Vua Hùng 10/3 âm lịch. Các hoạt động trọng tâm như: Dọn dẹp vệ sinh khuôn viên, đền thờ Vua Hùng xã Phú Riềng; dọn dẹp vệ sinh tại trụ sở nhà văn hoá và các tuyến đường khu dân cư… Đây là hoạt động ý nghĩa, nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ địa phương, phát huy tính xung kích, tình nguyện thiết thực hưởng ứng các ngày lễ lớn của đất nước.
Tại tỉnh Phú Thọ, các đoàn viên, thanh, thiếu niên cũng tích cực lan tỏa vẻ đẹp màu áo xanh của thanh niên tình nguyện với việc hỗ trợ du khách đến với Lễ hội Đền Hùng năm 2024. Mỗi năm, đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tỉnh đoàn Phú Thọ thực hiện là xây dựng kế hoạch tham gia các hoạt động phục vụ lễ hội, triển khai đến các đơn vị đoàn trong toàn tỉnh nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Năm 2024 cũng vậy, ngay từ ngày đầu tháng 4, đội tình nguyện của tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, hướng dẫn, giúp đỡ du khách tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Nét văn hóa độc đáo
Tục thờ cúng trong những ngày quan trọng như Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn các vị Vua Hùng từ xưa đã có công xây dựng, bảo vệ đất nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phân biệt huyết thống, dòng họ, không phân chia địa lý, vùng miền, dân tộc, điều đó làm nên giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam và sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà cả nước có tín ngưỡng thờ tổ tiên chung như dân tộc Việt Nam.
Từ lâu Đền Hùng đã trở thành mái nhà chung, điểm hẹn tâm linh để người dân Việt Nam hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên. Các phần lễ và hội được tổ chức tại Đền Hùng với nội dung đậm chất dân gian truyền thống. Phần nghi lễ được diễn ra trang trọng. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: tổ chức hát Xoan, đánh trống đồng, cồng chiêng, đâm đuống, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, kéo thổi lửa nấu cơm…