Bảo vệ người tố cáo tham nhũng được coi là biện pháp để ngày càng nhiều người dám dấn thân vào cuộc đối đầu với loại tội phạm đang làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào Nhà nước, gây mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. Do đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo và hoàn thiện Quy chế Bảo vệ người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng.
Vinh danh các cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng. |
Lo hậu vinh danh
Thực tế, người tố cáo hành vi tham nhũng luôn ở thế yếu cả về vị thế chính trị - xã hội lẫn tiềm lực kinh tế so với người có hành vi tham nhũng nên chống tham nhũng là một việc hết sức khó khăn. Tại Hội nghị biểu gương cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng (do Ban Chỉ đạo TQ phòng chống tham nhũng tổ chức tháng 9/2010), nhiều người trong số 88 cá nhân được vinh danh đã chia sẻ rằng họ đều ít nhiều phải chịu những áp lực, các hình thức trả thù từ những người bị tố cáo - mà hầu hết là từ những người có chức, quyền ở địa phương.
Vì thế, vấn đề hậu vinh danh, đảm bảo an toàn cho những người tố cáo chống tham nhũng càng cần được quan tâm nhiều hơn. Bởi không chỉ sau những hào quang của các buổi lễ, mà ngay khi bắt đầu thực hiện hành vi tố cáo tham nhũng, người tố cáo tham nhũng và cả người thân trong gia đình họ đã luôn phải gặp những nguy cơ bị trù dập, trả thù, “bịt miệng” dưới nhiều hình thức, thủ đoạn, trong đó phần lớn là dùng các “biện pháp tổ chức” để trù dập người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng.
Nhiều người do chống tham nhũng mà cuộc sống bị đảo lộn, luôn phải lo sợ cho sự an toàn; có người bị đánh trọng thương; có người mất việc làm; có người do cha tố cáo chống tham nhũng mà con bị cản trở trong việc kết nạp Đảng; có người do mẹ tố cáo tham nhũng mà con bị mất việc làm...
Lo ngại trả thù chính là một trong những nguyên nhân khiến không ít người chấp nhận “làm ngơ” hoặc chỉ dám gửi đơn nặc danh tố cáo đối với hành vi tham nhũng. Đó là chưa kể đến những trường hợp, người chống tham nhũng chỉ “đơn thương độc mã” khi đối đầu với cả một lực lượng, thế lực bất cân xứng đang tìm mọi cách để bảo vệ, che giấu những hành vi tham nhũng.
Trong khi đó, việc bảo vệ người làm chứng, người tố giác tội phạm nói chung, tố cáo tham nhũng nói riêng cho đến nay mới chỉ được quy định rải rác, chung chung, mang tính nguyên tắc trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, tố cáo, nên chưa thành quy trình, thủ tục rõ ràng.
Bảo vệ người tố cáo trên toàn lãnh thổ Việt Nam
Các biện pháp bảo vệ gồm: Biện pháp công khai (Điều 5); Biện pháp bí mật (Điều 6) và các biện pháp đảm bảo khác (Điều 7). Dự thảo Quy chế bảo vệ người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng dành hẳn một chương quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng. Trong trường hợp người tố cáo tham nhũng và thân nhân của họ bị đe dọa đến an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự... thì công an quận, huyện có nhiệm vụ phải bố trí lực lượng, phương tiện công cụ để bảo vệ.
Còn đối với hành vi trù dập là kỷ luật, buộc thôi việc..., cơ quan cấp trên của cấp đã ra quyết định hành chính, hành vi hành chính phải đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ quyết định việc làm của cấp dưới có trách nhiệm bảo vệ. Công tác bảo vệ được tiến hành tại nơi cư trú, nơi làm việc, học tập đi lại của người được bảo vệ, tại phiên tòa, trên phương tiện giao thông và các nơi cần thiết khác... trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Các cơ quan chức năng có nhiệm vụ phải đảm bảo mọi quyền lợi về chính trị cũng như vị trí công tác, thu nhập của người tố cáo trước, trong và sau khi tố cáo. Ngoài ra, người được bảo vệ có quyền được bồi thường nếu bị thiệt hại xảy ra trong quá trình áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thiệt hại do đã yêu cầu mà không được bảo vệ kịp thời.
Bảo vệ lâu dài, đến suốt đời
Ngoài ra, khi xét xử những vụ án tham nhũng có sự tham gia của người được bảo vệ, theo đề nghị của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ, thẩm phán, chủ tọa phải ra quyết định cần thiết như cấm ghi hình tại phiên tòa. Đồng thời, người bào chữa phải có cam kết giữ bí mật khi được nghiên cứu, tiếp xúc với đơn thư tố cáo, lời khai của người đang được áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Các cơ quan phải có biện pháp đánh lạc hướng sự chú ý vào người tố cáo hoặc đề nghị các cơ quan tố tụng chuyển hóa thông tin, tài liệu về tội phạm tham nhũng mà người được bảo vệ cung cấp. Dự thảo quy định: Trong trường hợp cụ thể lực lượng bảo vệ cần răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn với những đối tượng có hành vi gây nguy hiểm cho người được bảo vệ.
Dự thảo Quy chế bảo vệ người chống tham nhũng đang được Bộ Công an hoàn thiện, dự kiến trình Thủ tướng thông qua vào tháng 9 tới đây, với hy vọng sẽ là một công cụ pháp lý hữu hiệu trong việc bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng, góp phần tăng cường hiệu quả cho công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta.
Xuân Hương