Để có cái nhìn khách quan và giải đáp phần nào dư luận, phóng viên báo PLVN đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Ông đánh giá thế nào về việc cơ quan chức năng xử phạt đối với Công ty TNHH URC Hà Nội số tiền hơn 5,8 tỷ? Liệu rằng mức phạt này vẫn là nhẹ so với mức độ vi phạm của công ty?
Tôi cho rằng, mức phạt mà Thanh tra Bộ Y tế đưa ra là phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó hành vi sản xuất hai lô sản phẩm có hàm lượng chì vượt mức công bố vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 điều 17 Nghị định 80/2013/NĐ-CP có mức phạt từ 6.000.000 đến 10.000.000 đồng; hành vi bán hai lô sản phẩm này ra thị trường thì mức phạt từ 01 lần đến 02 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng theo quy định tại khoản 5 điều 20 Nghị định 80/2013/NĐ-CP.
Tôi hi vọng rằng , đây sẽ là mức phạt khá cao khiến doanh nghiệp không dám lặp lại hành vi vi phạm và phải kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu, sản phẩm của mình trước khi bán ra thị trường. Việc xử phạt đối với Cty TNHH URC Hà Nội cũng góp phần cảnh báo, răn đe đối với cá nhân, tổ chức khác nếu có hành vi vi phạm tương tự.
Tuy nhiên, việc xử phạt cũng không thể giải quyết hết được mọi vấn đề bởi thực tế số lượng sản phẩm vi phạm mà Cty TNHH URC Hà Nội tung ra thị trường đến tay người tiêu dùng là rất lớn.
Doanh nghiệp vi phạm thì bị xử phạt, tiền phạt được nộp vào ngân sách nhà nước, còn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thì phải… tự gánh chịu trong khi họ là người trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi lô hàng không phù hợp chất lượng nêu trên. Như vậy, số lượng lớn người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm, quyền lợi của họ được đảm bảo như thế nào hiện… không được đề cập. Họ không được bồi thường, không nhận được bất kỳ một lời xin lỗi nào tư phía nhà sản xuất và cơ quan chức năng. Chính vì thế, dư luận có quan điểm cho rằng mức phạt tiền hơn 5,8 tỷ đồng đối với CTy TNHH URC Hà Nội vẫn còn “quá nhẹ” cũng là có cơ sở.
Theo ông đâu là nguyên nhân khiến quyền lợi của người uống phải nước “nhiễm chì” không được đảm bảo ở đây? Việc người tiêu dùng uống “thứ nước” này thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Hiện nay, mặc dù luật pháp có những quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong chính Luật bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản luật khác. Xong trên thực tế, khi xảy ra những trường hợp tương tự như vụ việc này thì việc bảo vệ quyền lợi của họ là không khả thi.
2. Luật sư Trương Anh Tú: “Việc thu hồi các loại nước giải khát C2, Rồng đỏ “nhiễm chì” rất đơn giản, chứ không khó như cách mà người ta khơi khơi nói rằng… “không thể thu hồi”. Vấn đề ở đây là Cty TNHH URC Hà Nội có thật tâm muốn thu hồi để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, của người tiêu dùng hay không mà thôi.” |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều phía. Phía cơ quan nhà nước chỉ tập trung vào vấn đề xử phạt khi có vi phạm mà chưa quan tâm đến vấn đề xung quanh như là có bao nhiêu người sử dụng sản phẩm này, ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao, cơ chế kiểm tra sự tác động lên sức khỏe của người tiêu dùng để đánh giá hậu quả của sản phẩm…
Phía người tiêu dùng thì thờ ơ với chính quyền lợi của mình, đơn giản với suy nghĩ lần sau không sử dụng sản phẩm này nữa. Còn phía doanh nghiệp thì nộp phạt và tìm cách “lờ đi”, chuẩn bị ra mắt sản phẩm khác…. và còn rất nhiều nguyên nhân khác.
Do vậy, để bảo đảm quyền lời cho mình, mỗi người tiêu dùng khi quyền lợi bị xâm phạm cần chủ động tích cực lên tiếng, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính mình và những người xung quanh – việc ngày càng có nhiều người tiêu dùng tích cực lên tiếng, sẽ là tiếng chuông cảnh cáo nghiêm khắc để những doanh nghiệp không còn tâm lý “nhắm mắt làm bừa” nữa.
Theo tôi, người chịu trách nhiệm đầu tiên là doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ những lô sản phẩm “nhiễm chì” cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Tiếp đó, cơ quan quản lý về tiêu chuẩn, cấp phép, lưu thông hàng hóa trên thị trường vì lỗi đã để xảy ra hàng hóa không đủ tiêu chuẩn vẫn lưu thông trên thị trường - không phát hiện, xử lý kịp thời, xét nghiệm làm không tốt. Nhưng trách nhiệm đến mức cụ thể để đền bù, sai trái như thế nào thì khó xác định.
Vậy quan điểm của ông như thế nào khi lô hàng hóa nước giải khát “nhiễm chì” tương ứng số tiền 3,9 tỷ đồng đã… bán hết ra thị trường, được cho là không thể thu hồi?
Tôi thấy rằng, việc thu hồi các loại nước giải khát C2, Rồng đỏ “nhiễm chì” rất đơn giản, chứ không khó như cách mà người ta khơi khơi nói rằng… “không thể thu hồi”. Vấn đề ở đây là Cty TNHH URC Hà Nội có thật tâm muốn thu hồi để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, của người tiêu dùng hay không mà thôi.
Theo tôi, nhà sản xuất có thể thông báo rộng rãi trên báo, đài, ti vi… để người dân biết nội dung lô hàng “nhiễm chì” mà người dân đã trót mua, thì liên hệ với nhà sản xuất để trả lại, hoặc đem trả ngay cho đại lý, để lấy lại tiền. Hoặc xét thấy giá trị kinh tế của sản phẩm không lớn lắm, thì… vứt bỏ đi, không nên sử dụng. Thông báo công khai rộng rãi các sản phẩm có mã ký hiệu, yêu cầu các đại lý dừng lại không được bán, ai bán thì xử phạt nặng.
Cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm thu hồi nhưng chi phí do doanh nghiệp phải bỏ ra. Đây là việc phải làm vì quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, chứ không thể đưa ra bất cứ lý do gì, để bao biện cho việc để sản phẩm kém chất lượng “lẩn khuất” trên thị trường âm thầm đầu độc người tiêu dùng.
Còn nếu cơ quan chức năng hay doanh nghiệp “không thể thu hồi” sản phẩm kém chất lượng - để xảy ra tình trạng lẫn lộn sản phẩm kém chất lượng với sản phẩm đạt chất lượng… bán ngoài thị trường. Thì đương nhiên người tiêu dùng có quyền tẩy chay đối với tất cả sản phẩm của doanh nghiệp vi phạm sản xuất ra, bởi họ không dại gì bỏ tiền ra để mua sản phẩm mà không thể biết sản phẩm nào là tốt, sản phẩm nào là độc hại.
Trận trọng cảm ơn luật sư!