Người Tây Nguyên đầu tiên viết báo cách mạng

Ông KSor Ní và vợ ( ảnh chụp năm 2005).
Ông KSor Ní và vợ ( ảnh chụp năm 2005).
(PLO) - Ông KSor Ní là người dân tộc Jơ Rai, sinh năm 1924 tại buôn Thăm, xã Ia Trok, huyện A Pun Pa, tỉnh Gia Lai, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Ông là thân sinh của ông Kso Phước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Ông cũng vinh dự vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm vào ngày 17/12/2016 vừa qua.

Được tin có khách từ Kon Tum đến chơi, ông Ksor Ní phấn khởi bước vội từ nhà dưới đi lên phòng khách. Ở tuổi 92 nhưng những bước đi của ông vẫn chắc khỏe với vóc dáng của một người Tây Nguyên đã trọn đời đi theo cách mạng.

- Bác còn khỏe chứ ạ ? - Tôi hỏi.

- Tôi phải sống để chứng kiến công cuộc đổi mới của đất nước, cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chứ - ông rành rọt trả lời.

Ông mời chúng tôi ngồi rồi hỏi “lý lịch” của tôi và nhà báo Lê Văn Thiềng, nguyên Trưởng ban Công tác Hội của Hội Nhà báo Việt Nam cùng đi. Biết chúng tôi làm báo, ông kể chuyện ông đã từng viết báo từ năm 1946.

Người đầu tiên ở Tây Nguyên viết báo cách mạng

Chuyện ông kể là thế này: Năm 1946, từ buôn làng Gia Lai, ông được cử ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên các dân tộc Việt Nam. Ra đến Thủ đô, ông nghe đài phát thanh của Pháp nói đại ý là: Người dân Tây Kỳ (Tây Nguyên) niềm nở đón tiếp quân Pháp xâm chiếm Tây Kỳ. Ông bảo là mình nghe đài Pháp nói thế thì tức lắm vì sự thật không đúng như vậy. Người dân Tây Nguyên luôn một lòng theo cách mạng, đoàn kết đánh đuổi giặc Pháp, thế mà đài của chúng lại nói ngược lại.

Thế là sẵn biết tiếng Pháp, nói và nghe được tiếng Pháp, Kso Ní - chàng trai Tây Nguyên khi ấy mới 22 tuổi đang ở giữa lòng Hà Nội lúc ấy đã viết ngay một bài báo bằng tiếng Pháp và ông gửi cho Báo Lơ-pớp (tiếng Pháp có nghĩa là Nhân dân) phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của đài phát thanh Pháp; cổ vũ, động viên đồng bào Tây Nguyên đánh giặc giữ buôn làng. Khi bài viết của ông được Báo Lơ-pớp đăng, Bác Hồ đã cho gọi ông vào Bắc Bộ Phủ. Ông nói rằng, đó là một buổi chiều lịch sử và mãi mãi theo ông trong cả cuộc đời đi làm cách mạng của mình.

Ông kể rằng, hôm ấy là một buổi chiều cuối thu năm 1946, đồng chí Y Ngông Nick Đam (cố Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) gặp ông và nói: “Em được vào Bắc Bộ Phủ để gặp Hồ Chí Minh. Thế là ông đi theo Y Ngông Nick Đam vào Bắc Bộ Phủ. Khi gặp Bác ở phòng làm việc, ông xúc động quá, cứ phải bám riết lấy Y Ngông. Nhớ lại buổi gặp Bác đầu tiên ấy, ông kể: “Bác ngồi trước mặt chúng tôi, ân cần hỏi thăm sức khoẻ, hỏi thăm gia đình hai chúng tôi. Anh Y Ngông chỉ vào tôi rồi giới thiệu với Bác: “Đây là anh KSor Ní, là thanh niên dân tộc Jơ Rai”. Bác cười, gật đầu.

Tôi cứ sững sờ nhìn Bác. Bác gần gũi và thân tình quá, tự nhiên tôi không còn e ngại nữa. Bác hỏi thăm sức khỏe của mọi người ở Nha dân tộc Trung ương. Đồng chí Y Ngông Nick Đam báo cáo rằng: “Thưa Bác, giặc Pháp đã chiếm mất Tây Kỳ rồi ạ”. Bác nói: “Bác biết rồi” và thấy nét mặt của Bác thoáng buồn. Lúc ấy, Ksor Ní xen vào: “Thưa Bác, ta có đánh Pháp để giải phóng Tây Kỳ không ạ”. Bác đứng dậy cầm tay hai chúng tôi rồi nói: “Phải đánh”. Rồi Bác đưa bàn tay lên ý nói là bàn tay có 5 ngón nếu thiếu một ngón thì không còn là một bàn tay. Cũng như cả nước Việt Nam, Việt Nam độc lập thì Tây Kỳ cũng được hưởng hạnh phúc do nền độc lập của Tổ quốc đem lại.

Nghe Bác Hồ nói vậy, tôi và anh Y Ngông đều rất phấn khởi. Bác khuyên chúng tôi cố gắng học tập, chăm lo giữ gìn sức khoẻ và làm công tác cách mạng tốt hơn. Từ bé học ở Trường của Pháp toàn viết và nói tiếng Pháp, song nghe lời Bác dạy bảo, chỉ sau ba tháng, tôi đã biết đọc, biết viết tiếng phổ thông và được làm việc trong Phòng Văn xã của Nha Dân tộc Trung ương tại Hà Nội. Ngày 15 tháng 12 năm 1946, trước lúc Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 4 ngày, tôi được vinh dự kết nạp vào Đảng. Thế là từ một thanh niên trí thức người dân tộc thiểu số, được giác ngộ cách mạng, tôi đã trở thành một đảng viên cộng sản”.

Từ ngày được gặp Bác Hồ, ông luôn tâm niệm phải sống để xứng đáng với niềm tin của Bác đối với đồng bào Tây Nguyên. Khi trở về quê hương tỉnh Gia Lai, điều đầu tiên ông nói cho bà con biết đó là Bác Hồ và Đảng. Từ đó trở đi, người đảng viên KSor Ní một lòng đi theo cách mạng suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Cách mạng đổi đời người Jơ Rai

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông vẫn nhớ đến từng chi tiết cuộc đời của mình và người dân tộc Jơ Rai ở Tây Nguyên quê ông trong những tháng năm gian khổ nhưng một lòng theo cách mạng. Ông kể: cùng chung số phận của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thời bấy giờ, gia đình ông nghèo lắm. Các ngôi nhà trong buôn làng bấy giờ đều tuềnh toàng, đàn ông đóng khố cởi trần, đàn bà khi lấy chồng có con là trên người chỉ còn độc một cái váy và cũng ở trần như đàn ông.

Cha mẹ ông sinh được 4 người con, trong đó có 3 chị gái, ông là con út. Quanh năm quần quật với cái nương, cái rẫy, đói thì đi đào củ rừng, rét thì đốt lửa sưởi, đau thì rước thầy về cúng đuổi ma. Thuở còn ngồi ôm lưng cha, cậu bé KSor Ní  đã thấy cảnh lính Pháp từ đồn Cheo Reo (giáp với tỉnh Phú Yên bây giờ) về buôn Thăm quê ông lùng bắt người đi lính, đòi thuế và bắt con gái đẹp đưa lên đồn cho quan Tây. Người nào dám chống lại đều bị chúng tra tấn, đánh đập rất dã man. Tuổi thơ ông được nghe kể về những người cộng sản. Có lần, ông theo cha đi uống rượu với một người đi lính khố xanh cho Tây về phép.

Người lính khố xanh này kể chuyện về cuộc đấu tranh  lưu huyết của những người tù cộng sản tại ngục Kon Tum: “Những người cộng sản nói Pháp là kẻ cướp nước, cho nên người cộng sản không sợ chết, không sợ tù đày. Pháp bắn người này ngã xuống, lập tức người sau xông lên, chết vẫn không lùi bước”. Nhiều người ở buôn Thăm tỏ lòng khâm phục, muốn được xem mặt người cộng sản. Người cộng sản chống Pháp cũng giống như mình chống Pháp thôi! Ông Siu Jơ Ling, cha của KSor Ní đã nói như vậy sau cái lần bị lính Tây ở đồn Cheo Reo bắt giam mười ngày vì “tội” giấu thanh niên không khai tên để nộp thuế thân.

Năm 1935, ông bị Pháp tra tấn đến mang bệnh, không có thuốc thang cứu chữa nên ông Siu Jơ Ling đã qua đời. Sau khi cha mất, KSor Ní phải sang ở với người anh rể tên là Rơ Ô Bơng ở buôn Săm Ma Na bắt đầu học lớp 1 rồi sang tỉnh Buôn Ma Thuột học hết bậc tiểu học (Prime). Suốt 6 năm học, KSor Ní luôn đạt học sinh giỏi. Tốt nghiệp Prime, năm 1941, KSor Ní chuyển đi học tại Trường Võ Tánh (Quy Nhơn).

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật lên cầm quyền. Trường Quy Nhơn chuyển sang học tiếng Việt (trước đó tiếng Việt không được sử dụng, học sinh phải dùng hoàn toàn tiếng Pháp). Đầu tháng 4 năm 1945, trên đường từ Quy Nhơn về Cheo Reo, ông dừng lại ở Pleiku để nghe ngóng tình hình, ghé thăm ông Nay Phin, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pleiku. Tầng lớp thanh niên trí thức người dân tộc khi ấy thường xuyên tập hợp thành từng tốp nhỏ để diễn thuyết, nói chuyện chống Pháp, ủng hộ cách mạng và Bác Hồ.

Tháng 6 năm 1945, anh Rơ Chăm Thép từ Trường Canh nông ở mãi tỉnh Tuyên Quang về. Gặp KSor Ní, Rơ Chăm Thép  mừng lắm. Anh kể: “Ở Tuyên Quang, phong trào Việt Minh nổi lên rất mạnh, kêu gọi đánh Pháp, đuổi Nhật. Chỉ trừ một số ít người về quê, còn lại phần lớn học sinh đều bỏ học, lên rừng theo Việt Minh. Tôi nhớ quê, nhớ cha mẹ quá nên xin về đây”. Anh Rơ Chăm Thép cũng kể cho bạn nghe những điều mình hiểu biết về Việt Minh: “Việt Minh chủ trương đánh Pháp, đánh cả Nhật, giành lại độc lập, tự do cho đất nước Việt Nam, thực hiện đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc”.

Thấy vấn đề mới mẻ quá, ông quyết định không về quê, mà ở lại Pleiku tiếp tục tham dự các buổi sinh hoạt của thanh niên. Tháng Tám năm 1945 sau khi đón đại diện của Việt Minh về tiếp nhận chính quyền tại Pleiku, ông cùng với ông Nay Phin về quê tổ chức khởi nghĩa, bao vây huyện lỵ Cheo Reo, buộc chính quyền tay sai thân Nhật phải hạ vũ khí đầu hàng. Uỷ ban nhân dân cách mạng huyện Cheo Reo được thành lập do ông Nay Phin làm Chủ tịch, ông được phân công phụ trách tài chính.

Ông kể: “Sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, chúng tôi mới biết cả nước đã có Chính phủ lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Cụ Hồ Chí Minh cũng là người đứng đầu Việt Minh, là lãnh tụ của các dân tộc Việt Nam”. Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước ta đầu năm 1946, ông KSor Ní được bầu là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khoá I. Từ tháng 3 năm 1946, ông về Pleiku tham gia tổ chức Đại hội Đoàn kết nhân dân các dân tộc Tây Nguyên chống Pháp. Đại hội vui mừng được đón nhận thư của Bác Hồ và ghi nhớ lời dạy của Người.

Cuộc đời của ông đã kinh qua nhiều trọng trách ở tỉnh Gia Lai, song điều quý nhất là ông đã để lại những sản phẩm tinh thần, về ý chí và lòng quyết tâm theo Đảng, theo cách mạng và gieo những hạt mầm xanh trên đất Tây Nguyên mà đồng bào Jơ Rai trên quê hương ông mãi mãi bước theo. Các con của ông đều nối gót truyền thống cách mạng của gia đình. Trong số đó có đồng chí Kso Phước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đồng chí Kso Nham, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai  hiện nay là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật - Hậu cần Bộ Công an.

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Ksor Ní đã đọc bài thơ bằng tiếng Jơ Rai ông viết để tuyên truyền cho đồng bào Tây Nguyên ngày trước. Giọng của ông còn đầy nhiệt huyết: “Hồ Chí Minh anh dũng phi thường! Hồ Chí Minh có chủ trương, đường lối đúng đắn. Chúng ta tuyên truyền cho mọi người biết, tên Người như vàng? Hồ Chí Minh là người điều khiển chế độ chúng ta? Người Jơ Rai, người Tây Nguyên quyết một lòng đánh Pháp”. Đọc xong những câu thơ trên, ông đứng dậy đưa bàn tay phải đặt vào bên ngực trái rồi nói: “Đảng, Bác Hồ luôn ở trong trái tim tôi”.

Mùa mưa Tây Nguyên - những cơn mưa vẫn giăng tràn trên phố núi, giữa một ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Phan Đình Phùng của thành phố Pleiku, tỉnh Gia lai, ông Ksor Ní đón đứa chắt ngoại từ tay người con gái út, nét mặt ông rạng ngời nhìn lên tấm ảnh Bác Hồ treo trang trọng ở giữa nhà. Tôi nhìn sang bên kia đường là Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Gia Lai - Kon Tum, những nhánh mai vàng vẫn rực rỡ giữa đất trời Tây Nguyên nắng gió.

Ra đi từ buôn Thăm, trên đường theo cách mạng, với những điều được trải nghiệm, ông KSor Ní càng thấy rõ hạnh phúc của mỗi gia đình, mỗi dân tộc đều không thể tách rời hạnh phúc chung của cả đất nước.

Tin cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao quyết định công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao quyết định công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre

(PLVN) - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre; 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi; Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1; Tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự”, tỉnh Bến Tre lần thứ tư - năm 2025.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ.

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống
(PLVN) -  Để đất nước có thể vươn mình như kỳ vọng, nhiều vấn đề lớn đang được đặt ra cần giải quyết, trong đó có khoa học công nghệ (KHCN). Chính vì thế, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị có Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm
Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc
Trong không khí cả nước chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), sáng 14/1, Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn công tác Trung ương đã tới thăm và chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm nguyên tắc không bỏ chức năng, nhiệm vụ của các ngành

Quang cảnh Phiên họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Chiều 13/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18-NQ/TW) của Chính phủ chủ trì Phiên họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

Hoàn thiện phương án sắp xếp của Bộ, ngành, địa phương

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: VOV)
(PLVN) -  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ, ngành.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với tỉnh Bắc Ninh

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với tỉnh Bắc Ninh
Chiều 13/1, tại Bắc Ninh, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX; kết quả thực hiện Nghị quyết 18 về việc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy tinh gọn đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.