Khoảng 2 tuần trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng thượng vị và quanh rốn, không nôn và sốt, gầy sút 8kg/1 năm, kèm mệt mỏi nhiều, ăn uống kém.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), kết quả khám cận lâm sàng cho hình ảnh tổn thương gan, tổn thương đa ổ ở gan, theo dõi áp xe.
Bác sĩ trực tiếp điều trị cho biết, bệnh nhân tổn thương gan, các bác sĩ đặt vấn đề phân biệt tổn thương u và nhiễm ký sinh trùng và quyết định nội soi tiêu hóa, chụp CT/MRI ngực bụng, bộ xét nghiệm ký sinh trùng, xem xét sinh thiết tổn thương gan.
Kết quả xét nghiệm phân tích 14 loại giun sán thì bệnh nhân dương tính với giun đũa chó (Toxocara canis). Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan do Toxocara canis, được điều trị phác đồ tẩy giun chuẩn Bộ Y tế, khi tình trạng ổn định được ra viện.
Giun đũa chó mèo là loại ký sinh trùng ở chó mèo, trứng giun thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo. Thông thường, trứng giun đũa trong cơ thể mèo, chó theo phân ra ngoài môi trường, 1-2 tuần sau sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn trứng giun đũa xâm nhập gây bệnh cho người.
Người nhiễm loại giun này có thể do ăn phải một cách tình cờ. Ấu trùng di chuyển qua niêm mạc ruột vào tuần hoàn máu đến hệ thần kinh trung ương như não, tủy sống và rễ dây thần kinh, gây viêm não, màng não. Trẻ em dễ nhiễm giun sán do thói quen đùa nghịch với đất cát, là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế của chó, mèo.
Ngứa là dấu hiệu điển hình khi nhiễm giun đũa chó mèo. Người bệnh ngứa rất nhiều đến mất ăn mất ngủ, gãi trầy xước da, toàn thân thâm tím, sứt sẹo vì ngứa. Người bệnh nhiễm trùng trên da nhiều năm, điều trị về da liễu nhưng bệnh không thuyên giảm. Tại mỗi vị trí khác nhau sẽ có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau.
Hiện nay, nhiều người nuôi thú cưng, chơi và ngủ cùng chúng, là nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật. Do đó bác sĩ khuyến cáo các gia đình vệ sinh môi trường sống, không cho trẻ em chơi ở những nơi có phân chó mèo, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, ăn chín uống sôi. Tẩy giun định kỳ cho vật nuôi.