Tập truyện “Người không mặt” gồm 14 truyện ngắn, khắc họa chân dung của những người trẻ đô thị. Họ là những thanh niên từ các vùng tỉnh lẻ về thành phố theo học rồi ở lại làm việc. Họ có ước mơ, nhiều hoài bão nhưng sâu xa trong tâm thức là những nỗi hoang mang, mất mát. Và đặc biệt, trong số đó có không ít người rơi vào tình thế mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại. Tất cả hình thành nên một nội tâm phức tạp mà đôi khi chính bản thân người trong cuộc cũng không thể nắm bắt.
Dưới ngòi bút của Yến Linh, cuộc sống của những người trẻ đô thị đầy ngột ngạt, căng thẳng và áp lực. Họ luôn luôn phải xoay mòng mòng giữa cuộc sống và công việc, thậm chí đôi khi công việc trở thành một ám ảnh không ngừng như nhân vật trong truyện ngắn “Khoảng nắng”: “Một quãng đời dài trong đầu cô chỉ còn lưu tiếng giày cao gót hãnh tiến nơi tòa cao ốc văn phòng sáng lạnh, tiếng chuông điện thoại, tiếng gõ máy tính và những deadline không bao giờ ngừng”.
Dù muốn dù không, họ đành phải trượt dài trên đường ray đã định sẵn. Không có cách nào khác ngoài đương đầu. Có những người vượt qua, nhưng cũng có những người thất bại, quỵ ngã. Lúc đó, một con người nào đó hiện diện - không còn là con người trước kia. Nhân vật “cô” trong truyện ngắn “Một cuộc chia tay” là một người như vậy: “Rồi bỗng dưng đến lúc cô quên ước mơ, quên mình đang cần gì, muốn gì. (...) Cô không cảm thấy cô đơn. Cô đã quen với nó như hơi thở. Duy chỉ vài lần, thường vào một sớm vừa hoang mang thức dậy, cô cảm thấy nặng nề khi không biết mình cần phải làm gì với cuộc đời này cho đúng cách?...”.
Một cuốn sách về những người trẻ, sẽ thật thiếu sót nếu không viết về tình yêu. Ở tập truyện “Người không mặt”, Yến Linh dành phần lớn trong tổng số 14 truyện ngắn để viết về đề tài này, đó là các truyện: Nơi bầy chim không bay qua, Đỏ và đen, Một cuộc chia tay, Bơi trong lòng nước, Dương bản... Chỉ có điều, trong sự loay hoay giữa cơm áo, giữa ước mơ và thực tế, giữa hào nhoáng phù phiếm; để rồi ngay cả tình yêu - thứ cuối cùng mà những người trẻ có thể bám víu vào, cũng không thực sự thuộc về họ nữa…
Xuất hiện trở lại với tập truyện “Người không mặt” lần này, nhà văn trẻ Yến Linh mang đến một tâm thế hoàn toàn khác lạ: trưởng thành hơn trong suy nghĩ, trong tư duy cũng như trong ngòi bút. Đọc tập truyện “Người không mặt”, hẳn độc giả dễ dàng nhận ra không khí u ám, buồn bã trong các truyện ngắn của Yến Linh, kể cả những truyện ngắn viết về tình yêu. Thì tuổi trẻ mà, có ai không từng buồn bã, thất vọng? Viết về nỗi buồn nhưng “Người không mặt” không mang đến sự bi quan mà ngược lại, nỗi buồn đó được xem như là điều kiện đủ để tuổi trẻ có thể trưởng thành, như tâm sự của Yến Linh ở đầu cuốn sách: “Không ai dạy cho chúng ta cách vượt qua nỗi buồn, không ai dạy cho chúng ta cách hết nỗi hoang mang. Tuổi trẻ phải tự lớn lên bằng những trải nghiệm của chính mình”.