Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn TW, hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
|
Dự kiến vị trí đường đi của bão số 3 |
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Đến 22 giờ ngày 30/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
|
Người dân di tản tránh bão (Ảnh Dân trí) |
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 31/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 102,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động rất mạnh.
Trước diễn biến khá phức tạp của cơn bão, chính quyền và người dân 1 số tỉnh miền Trung đang hồi hả chuẩn bị những phương án cuối cùng đề đối mặt với cơn bão.
Tại Thanh Hóa: Tối 29/7, ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, tính đến 16 giờ cùng ngày, toàn bộ số phương tiện tham gia đánh bắt cá ngoài khơi của tỉnh (gồm 8.568 phương tiện với hơn 28.500 lao động) đã nhận được thông tin về bão số 3.
|
Ngư dân ở Hoằng Hóa - Thanh Hóa hối hả kéo bè lên bờ (Ảnh ANTĐ) |
Trong số đó có 7.871 tàu thuyền với 24.244 lao động đã neo đậu hoặc trú ẩn tại ven biển thuộc địa phận tỉnh Thanh Hoá; 615 tàu thuyền với 3.790 lao động đang hoạt động trên biển hoặc đang tìm đường vào nơi trú ẩn. Tỉnh kiên quyết không để tàu thuyền ra khơi trong những ngày mưa bão.
|
Tàu bè ở Nghệ An được buộc vào bờ 1 cách chắc chắn tránh để sóng cuốn trôi (Ảnh Vietnamnet) |
Tại Nghệ An: mưa đã bắt đầu xuất hiện. Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến sáng 30/7, tỉnh Nghệ An đã di dời 74.000 người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó: Quỳnh Lưu 20.819 người; Diễn Châu 2.325 người; Nghi Lộc 1.079 người; Thị xã Cửa Lò 49.900 người (đã có phương án sơ tán cụ thể).
Hiện Nghệ An có 115 tàu thuyền hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc bộ với 550 ngư dân. Tất cả đều đã neo đậu an toàn trong bờ. Tuy nhiên, sáng nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết thông thường bão lớn gây thiệt hại trên biển không nhiều bằng khu vực ven bờ, đất liền. Vì thế, tàu thuyền của tất cả các địa phương đã vào bờ trú ẩn rồi cũng rất cần cảnh giác, có biện pháp giằng néo để không bị sóng biển cuốn ra xa.
|
Phao cứu sinh và bao cát đã chuẩn bị sẵn sàng ở bãi biển Cửa Lò - Nghệ An (Ảnh Vietnamnet) |
Tại Hà Tĩnh: đến 17giờ ngày 29/7, Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển đã kêu gọi được 3.880 tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn; còn 13 tàu với 78 người đang hoạt động tại khu vực vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi và 103 tàu với 535 lao động ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hoá đã nắm bắt được thông tin về diễn biến của cơn bão số 3 và chủ động neo đậu an toàn.
Do hậu quả từ trận lũ kép hồi tháng 10 năm ngoái để lại còn nặng nề nên nhiều công trình hồ đập tại Hà Tĩnh chưa kịp khắc phục xong.
|
Người dân Lộc Hà - Hà Tĩnh cũng đã cho thuyền bè lên bờ (Ảnh Vietnamnet) |
Tại các vùng ven biển, cửa lạch, để phòng chống khi bão đổ bộ vào và khi nước dâng, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng phương án di dời 27.403 người dân đến nơi an toàn. Trong đó, huyện Kỳ Anh 7.410 người, Cẩm Xuyên 3.757 người, Lộc Hà 6.483 người, Thạch Hà 8.495 người, Nghi Xuân 1.150 người và TP Hà Tĩnh 108 người.
Các địa phương thực hiện các giải pháp phòng chống cơn bão số 3 như: kiên quyết không để ngư dân ở lại trên tàu thuyền, khu neo đậu tránh trú bão; hướng dẫn người dân giằng néo nhà cửa; các BQL dự án chủ động tuần tra điều tiết lũ ở các hồ đập, công trình thuỷ lợi; áp dụng phương châm 4 tại chỗ; duy trì lực lượng tìm kiếm cứu nạn; khuyến cáo nhân dân có phương án dự trữ lương thực, thuốc men phòng khi bị nước lũ cô lập ...
Thiên Ân (Tổng hợp)