Tọa lạc trên một quả đồi nhỏ ven đường thôn Hương Lan, xã Trưng Vương (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), đền Thiên Cổ là nơi thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang cùng hai học trò là công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con vua Hùng Vương thứ 18).
Ngôi đền này được coi là minh chứng sinh động cho nền văn hiến lâu đời của nước Việt và truyền thống “tôn sư trọng đạo” cao quý của nhân dân đã tồn tại từ thời các Vua Hùng dựng nước.
Người thầy tìm đến kinh đô dạy chữ
Đền Thiên Cổ nằm trong một quần thể di tích gồm đình, đền, lăng thôn Hương Lan đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1999.
Theo Ngọc phả thôn Hương Lan được trích dẫn vào văn bia về lịch sử ngôi đền, đời Hùng Vương thứ 18 ở làng Mộ Trạch (tỉnh Hải Dương) có vợ chồng ông Vũ Công dòng dõi thư thi nhưng gia cảnh bần hàn nên tìm đến thôn Hương Lan, gần kinh đô Văn Lang làm nghề dạy chữ, mưu sinh. Vợ chồng ông có người con trai là Vũ Thê Lang vốn thông minh, nho nhã, lớn lên cũng nối nghiệp cha làm nghề dạy học. Vũ Thê Lang có vợ là Nguyễn Thị Thục quê gốc Bắc Ninh. Vợ chồng thầy Vũ Thê Lang có 3 người con trai, nhưng khi các con chưa kịp trưởng thành thì ông bà đột ngột tạ thế mà không ốm đau, vào cùng giờ, cùng ngày 2 tháng 2 năm Quý Dậu (năm 228 trước Công Nguyên).
Ngôi đền được bao bọc bởi màu xanh bát ngát của những tán cây cổ thụ... |
Sau này ba người con trai của thầy giáo Vũ Thê Lang trưởng thành đều trở thành đô sĩ cận vệ của vua Hùng. Khi nhà Hùng mất, ba ông đã tìm về thôn Hương Lan trẫm mình xuống hồ tự vẫn để tỏ lòng trung nghĩa. Vua An Dương Vương phong ba ông làm thành hoàng làng, lập nơi thờ tự. Nhân dịp này, nhân dân cũng lập miếu thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và trồng hai cây táu cổ trước đền thờ. Hiện trước sân đền cũng có đôi cây táu đại thụ, tương truyền cây này là con cháu của “cụ” táu thời Hùng Vương.
Điểm độc đáo là hai cây táu cùng một giống được trồng hai bên tả hữu trước mặt đền, nhưng khi trưởng thành một cây trổ hoa vàng, một cây lại hoa trắng nên được người dân gọi là “cây Vàng, cây Bạc”. Cả hai cây đều đã được công nhận là Cây di sản năm 2012. Hiện “cây Bạc” đã bị sâu, đang được cứu hộ, chăm sóc đặc biệt.
Một lầu dừng nghỉ trong khuôn viên khu di tích với bàn trà, ghế đá để du khách dừng chân, ngắm cảnh... |
Thắp lửa truyền thống tôn sư trọng đạo
Theo quan sát, đền Thiên Cổ thờ thầy giáo Vũ Thê Lang có vị trí khá đẹp và thuận tiện, nằm trên một quả đồi nhỏ ngay sát đường nhựa liên xã. Có nhiều lối mòn được lát xi măng sạch đẹp, hai bên trồng hoa cảnh dẫn vào đền. Trong đó lối đi chính qua mấy chục bậc cầu thang sẽ dẫn lên một sân nhỏ với một lư hương lớn dẫn vào đền chính.
Trong cung cấm ngôi đền hiện còn tượng thờ vợ chồng thầy giáo và hai học trò là công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa; cùng câu đối cổ bằng chữ Việt cổ (còn gọi là chữ Khan Đẩu - chữ tượng hình tương truyền có từ thời đại các vua Hùng). Trong khuôn viên khu di tích có một khu mộ được cho là mộ thầy giáo Vũ Thê Lang và người vợ. Trước mộ có hai cụ rùa đá khổng lồ đội bia đá ghi lịch sử ngôi đền.
Khu mộ vợ chồng thầy giáo trong khuôn viên Khu di tích. |
Hàng năm, với tấm lòng “tôn sư trọng đạo”, đã có hàng ngàn lượt khách đến đền Thiên Cổ thăm viếng, thắp hương, coi đây là nơi linh thiêng mang lại may mắn, an lành, thuận lợi trong khoa cử, công danh. Đặc biệt, vào mùa thi hàng năm, rất đông phụ huynh, học sinh không chỉ ở Đất Tổ mà còn ở mọi miền Tổ quốc về đây thắp hương, thể hiện lòng hiếu học, lòng thành kính trước truyền thống “tôn sư trọng đạo”.