Trải qua hơn 400 năm tồn tại, cây cầu ngói chùa Lương ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vẫn tồn tại khá nguyên vẹn với những đường nét kiến trúc cổ kính và độc đáo mang đặc trưng của thời kì thế kỉ XVII - XVIII, thể hiện rõ nét sự tài hoa của những người thợ xứ Thành Nam xưa.
Ngôi chùa trăm gian của đất Thành Nam
Cầu ngói chùa Lương là tên gọi một cụm di tích ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Thế nên, trước khi nhắc đến cây cầu đẹp tốp 5 cả nước, hãy cùng nhau bước vào khuôn viên của chùa Lương để chiêm ngưỡng ngôi chùa đậm mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVII-XVIII này.
Chùa Lương - ngôi chùa trăm gian ở Thành Nam. |
Theo tư liệu lịch sử và truyền thông năm 1486, tứ tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập và 9 dòng họ từ khắp nơi tụ về vùng đất Quần Anh sinh cơ, lập nghiệp. Trải qua bao gian nan, vất vả, “tứ tổ khai sáng, cửu tộc khai cơ” đã khai hoang, lấn biển, tạo lập nên xóm làng trù phú, phát triển trăm nghề, mở rộng địa bàn sinh sống. Khi việc quai đê, lấn biển đã giành được nhiều kết quả, đời sống vật chất của dân cư quanh vùng dần ổn định, bốn ông tổ cùng các dòng họ xây dựng nhiều công trình: đình, đền, chùa, cầu, chợ để chăm lo đời sống cho nhân dân.
Chùa Lương là di sản văn hoá tâm linh đã tồn tại hơn 5 thế kỷ. Chùa có tên chữ là “Phúc Lâm tự”, xây dựng vào đời Vua Lê Hồng Thuận (1509-1515). Trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng, ngôi chùa hiện tại có quy mô lớn với 100 gian trên thế đất rộng rãi, thoáng mát. Kiến trúc của công trình giao thoa giữa nhiều thời đại, nhưng vẫn đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII).
Trước chùa là hồ nước xanh trong như một tấm gương in bóng tam quan, cùng các cây cổ thụ. Khuôn viên chùa chia làm hai khu vực. Trong đó, khu vực thứ nhất là những công trình quan trọng, gồm các toà: tiền đường, tam bảo, gác chuông, hậu cung và hai dãy hành lang đông, tây.
Khu vực thứ hai gồm: nhà tổ, nhà khách, tăng phòng, tháp mộ… Tất cả các hạng mục công trình được xây dựng bằng ngói ta và gạch Bát Tràng, liên kết theo lối “giao mái, bắt vần”, tạo nên tổng thể kiến trúc hài hòa, vừa đảm bảo sự chắc chắn, bền vững vừa nhẹ nhàng thanh thoát. Tổng thể kiến trúc Chùa Lương thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của các nghệ nhân dân gian.
Trên các thành phần kiến trúc, nổi bật là tòa tiền đường tập trung chạm khắc hình tượng: rồng chầu mặt nguyệt, rồng cuốn thủy, rồng vuốt râu, rồng ngậm ngọc, rồng bay, trúc hóa long…
Chùa Lương hiện còn lưu giữ gần 40 văn bia niên hiệu Hồng Thuận, Chính Hoà, Cảnh Hưng có ghi công sức đóng góp xây dựng chùa; các lần trùng tu, nâng cấp chùa; quá trình khai hoang lấn biển và cuộc sống của người dân xưa. Điểm nhấn của di tích là các pho tượng Phật được bảo tồn nguyên vẹn, bài trí hợp lý như tượng A di đà, tứ vị Bồ Tát, bát vị Kim cương, Hộ pháp, Tam thế, tổ khai sáng…
Vào những năm trước Cách mạng Tháng Tám, lễ hội Chùa Lương – Đình Phong Lạc được nhân dân địa phương gọi là “vào đám cầu phúc”, tổ chức vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ vật dâng Phật là cỗ chay, lễ vật dâng các vị thuỷ tổ bao gồm: xôi, lợn, gà… Trong ngày hội, ngoài các nghi thức tế lễ tại chùa còn có nghi thức rước kiệu quanh làng về đình. Đặc biệt, ngày hội còn tổ chức các đêm thi hát chèo, hát văn, ca trù đặc sắc. Lễ hội còn có biểu diễn đi kheo với nhiều tích trò hấp dẫn.
Với những giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, năm 1990, cụm di tích Chùa Lương - Cầu Ngói - Đền Thuỷ tổ được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia. Hiện nay, lễ hội Chùa Lương được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16-3 âm lịch hàng năm. Với việc phục dựng và tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian đặc sắc, người dân xã Hải Anh đã đưa lễ hội Chùa Lương trở thành điểm hội tụ, phát huy các giá trị văn hoá làng quê.
Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm lễ Kỳ yên, cầu phúc, lễ Phật, rước kiệu. Tại sân đền, chùa tổ chức cúng lễ linh đình và rước kiệu quanh làng, cờ trống nhộn nhịp. Nghi thức rước kiệu có sự tham gia của nhiều đội rước đến từ khắp các xóm, các xã của huyện, các hội tập phúc (nơi có thờ các bà Chúa). Đoàn rước rất đông, kéo dài đến tận vài cây số. Những người tham gia đoàn rước đầu chít khăn, quần áo chỉnh tề, nhiều màu sắc: đỏ, vàng, xanh, trắng. Mỗi đoàn tham gia đều có đầy đủ các loại kiệu: Nhang án, kiệu võng, đội cờ, đội kèn, đội trống.
Phần hội là các hoạt động văn hoá, văn nghệ dân gian: hát chèo, hát văn, hát đối, trống hội, nhạc kèn và các trò chơi dân gian sôi động như: đi kheo, kéo co, chơi cờ, múa lân – sư – rồng… thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương, con em xa quê hương về dự.
Cầu ngói chùa Lương trong ảnh tư liệu năm 1920. |
Cầu ngói chùa Lương hiện nay. |
Ai về cầu ngói chùa Lương
Cây cầu ngói nằm cách chùa Lương khoảng hơn 100m và nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, gắn với chùa thành một cụm di tích. Trải qua hơn 400 năm tồn tại, cầu ngói vẫn tồn tại khá nguyên vẹn với những đường nét kiến trúc cổ kính và độc đáo mang đặc trưng của thời kì thế kỉ XVII – XVIII, thể hiện rõ nét sự tài hoa của những người thợ xứ Thành Nam xưa.
Ngoài cái tên “cầu ngói chùa Lương”, cầu còn có tên gọi khác là “cầu chợ Lương”, vì cầu nằm gần chợ Lương. Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình văn hóa cộng đồng của làng xã. Đây là nơi dân làng dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện mỗi khi đi chợ, đi lễ chùa, hoặc đi làm đồng về.
Theo các tài liệu thư tịch cổ, cầu ngói chùa Lương được xây dựng cùng thời với chùa Lương, tức vào khoảng thế kỉ XVI. Cầu bắc ngang sông Trung Giang, một con sông nhỏ chạy dọc theo xã Hải Anh. Cầu được dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Lúc đầu, cầu chưa có mái ngói, chỉ lợp cỏ đơn sơ. Đến thế XVII, cầu được trùng tu sửa chữa lại cho phù hợp với tầm vóc và cảnh quan chung của quần thể chùa Lương. Đặc biệt, lần trùng tu lớn vào năm 1922 đã tạo cho cầu có một dáng vẻ bề thế như ngày hôm nay.
Nhìn tổng thể, cầu có hình dáng giống như một ngôi nhà dài lợp ngói nằm vắt mình qua sông. Phần trên là một tổ hợp mái ngói với đầy đủ hệ thống các vì kèo giống như cách thiết kế của một ngôi nhà truyền thống. Phần dưới là thành cầu và sàn cầu. Phần trên và dưới liên kết với nhau bằng hệ thống các cột tròn dựng dọc hai bên thành cầu và hai cổng xây ở hai đầu cầu.
Cầu có cả thảy 9 gian được dựng chắc chắn trên 18 cột đá vuông. Phía trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ dầm cầu và nâng sàn cầu. Sàn cầu làm bằng gỗ lim, rộng 2m. Mái cầu lợp ngói vảy rồng, có hình dáng cong cong tựa như mình rồng đang uốn khúc. Toàn bộ cây cầu bên trên có mái che kín đáo nhưng bên dưới lại để nên vừa kín đáo những cũng lại vừa thông thoáng.
Phần mộc của cầu ngói chùa Lương tuy chạm khắc không cầu kì nhưng thể hiện rất rõ lối kiến trúc gỗ thuần Việt. Đặc biệt là qua sự bố trí các hàng chân cột, các kết cấu vì kèo và cách ghép mộng gỗ... Phần nề cũng khá đặc biệt, nhất là phần cổng ở hai đầu cầu. Cổng được xây theo lối cửa vòm một lối, hai bên có hai hàng cột với đôi câu đối chữ Hán, phía trên vòm cổng có hình hai con nghê nâng một bức cuốn thư lớn trông vừa uuy nghiêm vừa quen thuộc.
Có thể nói cầu ngói chùa Lương là một trong những công trình kiến trúc đẹp, điển hình cho một loại hình công trình giao thông cổ xưa nay còn sót lại. Trải qua năm tháng, cầu ngói chùa Lương nay vẫn còn lưu giữ được những nét kiến trúc tiêu biểu của một thời đã qua.
Độc đáo những cây cầu ngói ở Nam Định
Trong các loại cầu cổ ở Việt Nam, cầu ngói là công trình kiến trúc dân gian đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Cùng với cầu nói chùa Lương, tại tỉnh Nam Định hiện vẫn còn một cây cầu ngói cổ kính, tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo nữa là cầu ngói chợ Thượng.
Cầu ngói chợ Thượng thuộc thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực gắn liền với tên tuổi của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân - người có công lao trong việc làm cầu, mở chợ phục vụ cho công việc làm ăn của nhân dân. Cầu bắc qua sông Ngọc cạnh chợ Thượng nên được gọi là cầu ngói chợ Thượng. Bộ khung được dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam, hai hồi xây tường, hai bên là hai cửa giả, tạo thành một mái nhà ở trên, vừa tạo điều kiện cho nhân dân đi lại tránh mưa nắng và có thể nghỉ ngơi, hóng mát, vừa có tác dụng bảo vệ cho các cấu kiện kiến trúc gỗ của cầu. Cửa phía nam và phía bắc cầu được xây bằng gạch, rộng 1,7m, cao 2m, hai hồi đều có đại tự đắp nổi chữ “Thượng gia kiều” bằng chữ Hán.
Cầu ngói chợ Thượng có 11 gian kết cấu kiểu kèo cầu tứ hàng chân, mỗi gian từ 1,45m đến 1,65m, tạo nên một công trình dài 17,35m nối hai bờ sông Ngọc - con sông đã đi vào thơ của thi sỹ đồng quê Đoàn Văn Cừ: “Dòng nước lượn trong như dòng ngọc chảy/ Đàn chim sẻ nấp nhìn qua kẽ sậy”. Cùng với Phủ Bà thờ bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, di tích cầu ngói thôn Thượng Nông, xã Bình Minh đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2012.