Đối với tổ chức, việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA được thực hiện trong các trường hợp: hợp nhất; sáp nhập; chia, tách; giải thể; phá sản; doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Vấn đề này được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp và Điều 54 Luật THADS.
Còn đối với cá nhân, trong trường hợp người được THA, người phải THA là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ THA được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trình tự thủ tục chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA trong trường hợp người phải THA chết được hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, trường hợp thi hành nghĩa vụ về trả tài sản mà người phải THA đã chết nhưng có người đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đó thì cơ quan THADS ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để người quản lý, sử dụng tài sản của người phải THA giao tài sản cho người được THA. Hết thời hạn này mà họ không thực hiện thì cơ quan THADS tổ chức giao tài sản, kể cả cưỡng chế giao tài sản cho người được THA theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định về chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA vẫn còn một số bất cập. Đối với trường hợp người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng tên chủ sở hữu, sử dụng tài sản đảm bảo THA chết thì luật THADS lại chưa có quy định cụ thể. Trong khi đó, các tài sản đảm bảo THA là tài sản thế chấp đứng tên sở hữu, sử dụng của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thường được thông qua hợp đồng ủy quyền hoặc bảo lãnh.
Theo điểm đ khoản 3 Điều 140 BLDS, khi bên ủy quyền chết thì hợp đồng ủy quyền chấm dứt; trường hợp bên bảo lãnh là cá nhân chết thì bảo lãnh chấm dứt, nghĩa vụ bảo lãnh được chuyển giao cho người thừa kế. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại. Theo đó, có thể thấy khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng tên chủ sở hữu, sử dụng tài sản đảm bảo THA chết được xác định là sự kiện pháp lý ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản đảm bảo THA nhưng Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.
Một trường hợp khác là người phải thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền đã chết mà có để lại tài sản thì cơ quan THADS có văn bản thông báo, ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để người thừa kế hoặc người quản lý di sản của người phải THA thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ THA của người phải THA để lại. Hết thời hạn này, nếu người thừa kế hoặc người quản lý di sản không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được việc thực hiện nghĩa vụ của người phải THA thì cơ quan THADS áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THA đối với tài sản để lại của người phải THA để đảm bảo THA, đồng thời ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để những người liên quan đến tài sản thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế.
Hết thời hạn thông báo về thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế mà không có người khởi kiện thì cơ quan THADS xử lý tài sản để THA. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan THADS thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở UBND cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải THA để lại; hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan THADS xử lý tài sản để THA.
Tuy nhiên còn có những quan điểm khác nhau về trình tự THA tiếp theo đối với những trường hợp người phải THA chết mà chưa xác định được người thừa kế, về vấn đề có ban hành quyết định thu hồi quyết định THA đối với người đã chết theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật THADS hay không và việc xử lý phần giá trị tài sản còn thừa sau khi đã thanh toán nghĩa vụ… Do đó cần có hướng dẫn cụ thể hơn về mặt thủ tục khi thực hiện xử lý tài sản đối với các trường hợp này.