Nghị lực chống lại ung thư giai đoạn cuối của cô gái 27 tuổi

(PLO) - Biết mình bị ung thư vú khi đang làm đồ án tốt nghiệp, Liên quyết không bỏ dở. Khi bệnh viện trả về, cô vẫn cần mẫn tập bò, đi, đứng, để hồi sinh kỳ diệu.

"Năm 23 tuổi, tôi mang trên mình án tử bởi căn bệnh ung thư, đặc biệt và nhạy cảm: Ung thư vú. Năm 25 tuổi, án tử sà gần tôi hơn khi nó đã xâm lấn qua toàn bộ khung xương: Tôi chính thức là bệnh nhân giai đoạn cuối... Tôi không trách số phận, tôi tin vào hữu duyên trong đời. Tôi tin mình sẽ sống, sống tử tế trước mọi nỗi đau".

Đó là tâm sự của Huỳnh Liên, cô gái 27 tuổi, đang làm việc tại FPT Software Đà Nẵng. Ở độ tuổi sung sức nhất, cô gái đến từ Quảng Nam phải đối mặt với căn bệnh mọi phụ nữ đều e sợ. Người khác có thể gục ngã ngay tắp lự, có thể đau đớn trong tuyệt vọng, nhưng Liên thì không, bởi lẽ ngay từ khi còn nhỏ, cô đã quen với những thiệt thòi và có thừa nghị lực để vượt qua mọi nỗi đau.

Liên bị khuyết tật hai chân từ khi mới sinh ra. Mặc dù gia đình đã năm lần bảy lượt đưa đi chữa trị nhưng đến giờ chân trái Liên vẫn còn bị khoèo và teo hơn chân còn lại. Nhưng cô không hề mặc cảm bệnh tật, hay ngoại hình của mình. Cô bé nhỏ nhắn, với bước đi tập tễnh ấy vẫn đi bộ đến trường như các bạn, rồi miệt mài tập xe đạp suốt 4 năm vì "vẫn muốn làm những việc mà tin rằng mình có thể".

nghi-luc-chong-lai-ung-thu-giai-doan-cuoi-cua-co-gai-27-tuoi

Từ khi sinh ra, Liên không có đôi chân bình thường như người khác nhưng cô không hề tự ti về điều đó.

12 năm cắp sách đến trường, Liên luôn là học sinh khá giỏi và nhiệt tình tham gia các phong trào, luôn sôi nổi, hòa đồng với bạn bè. Liên đỗ vào khoa Công nghệ thông tin Đại học Bách khoa Đà Nẵng với mong muốn trở thành một kỹ sư công nghệ. Những tưởng cuộc sống sẽ đền đáp cho cô một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng rồi căn bệnh ung thư ập đến khiến cô gái trẻ chới với.

"Tôi phát hiện ra nhũ hoa có tiết dịch máu từ năm 2012, nhưng mọi xét nghiệm đều lành tính. Tôi và cả nhà đã rất vui. Thời gian sau dịch máu không tiết nữa, nhưng linh tính thế nào, tháng 2/2013 tôi tự đi khám lại và biết mình có khả năng rất cao là bị ung thư. Khi đó, tôi đang làm luận văn tốt nghiệp và đang thực tập tại một công ty", Liên kể lại.

Đau đớn khi biết kết quả, nhưng Liên giấu gia đình suốt nửa tháng trời. Cứ mỗi lần định nói là cô lại sợ cái tin đó phá vỡ những bình yên vốn có. Chỉ đến khi cô giáo hướng dẫn đồ án tốt nghiệp thấy học trò không ổn và gặng hỏi, Liên mới tâm sự, trút hết mọi nỗi lòng.

- Em không muốn chữa bệnh. Em phải đem tấm bằng kỹ sư về nhà trước. Em còn nhiều ước mơ lắm cô ạ. Em không thể dừng lại chỉ vì bệnh tật được. 

- Giả sử em đủ sức khỏe để làm được đề tài này. Giả sử em xin được học bổng, mọi thứ đều ổn hết, nhưng em không còn sức khỏe. Rồi em mất đi. Em nhẹ nhàng và cho rằng mình đã làm được nhiều thứ. Nhưng, ba má em sẽ dằn vặt cả một đời còn lại vì đã không biết em bệnh, không chữa chạy kịp thời. Ba má em không cần những thứ đó ở lại thay em. Ba má chỉ cần em thôi. Em hiểu không?

Hai hàng nước mắt chảy dài, Liên cúi đầu như kẻ có tội. Sau cuộc nói chuyện ngày hôm ấy, Liên quyết định gọi điện về thông báo cho gia đình.

Ngày 18/3/2013, Liên bước vào đợt truyền hóa chất đầu tiên. Những đau đớn, mệt mỏi về thể chất nhiều lúc cũng khiến cô có những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng nhìn ba má, nhìn cậu em trai sốt sắng lo lắng, Liên lại cắn răng chịu đựng. Với Liên khi đó "sự cố gắng của tôi không phải đơn giản chỉ vì tôi nữa".

nghi-luc-chong-lai-ung-thu-giai-doan-cuoi-cua-co-gai-27-tuoi-1

Các đồng nghiệp tặng hạc giấy tiếp thêm tinh thần cho Liên.

Thời gian đó, mọi người đều khuyên Liên tạm dừng đồ án để tập trung điều trị nhưng cô không đồng ý. Vừa tiến hành hóa trị, Liên vừa miệt mài làm mỗi khi khỏe lại. Hôm trước ra viện, hôm sau cô đã nhốt mình trong phòng trọ cặm cụi với từng trang nghiên cứu.

"Đến giờ nghĩ lại tôi không hiểu vì sao có thể vượt qua giai đoạn đó. Thời gian ấy, tóc tôi đã rụng hết. Cả ngày tôi không bước chân ra khỏi phòng trọ vì bận làm bài, đồ ăn thức uống đều nhờ mấy em hàng xóm mua hộ. May mắn thay bạn bè, thầy cô giúp đỡ tôi rất nhiều để tôi có thể hoàn thành đồ án đúng hạn", Liên nói.

Một ngày sau hôm bảo vệ, Liên phải nhập viện ngay để mổ bảo tồn, cắt bỏ khối u sau nhiều ngày trì hoãn. Trải qua thêm những đợt hóa trị, xạ trị nữa, cô được xuất viện vào giữa tháng 10/2013. Khi thấy cơ thể dần khỏe lại, Liên cầm bằng tốt nghiệp đại học đi xin việc. Nhiều công ty từ chối khi biết bệnh của Liên. May mắn thay khi nộp đơn vào FPT, cô được đón nhận như một kỹ sư thông tin bình thường.

Tại nơi làm việc, chỉ những người thân thiết mới biết Liên từng trị ung thư vú. Cô vẫn miệt mài làm việc, cống hiến, như những đồng nghiệp khác. Thế nhưng đến tháng 12/2014, Liên bắt đầu yếu đi rõ rệt. Cô không thể tự leo cầu thang.

Tháng 3/2015, khi đi khám lại, bác sĩ cho biết ung thư phát triển trở lại và đã di căn qua xương. Lúc ấy, Liên đã không tự đi lại được, chỉ nằm yên một chỗ, bệnh tình khiến cô gần như bị liệt cả người. Họ nói với gia đình và giám đốc của Liên rằng có thể cô chỉ sống được khoảng 3 tháng nữa. Tất cả đều biết điều đó, trừ Liên.

Công ty đã phát động phong trào ủng hộ Liên. Lúc đầu, cô muốn giấu bệnh tật và nhất quyết không nhận món quà tài chính. Vì thế, các đồng nghiệp đã bí mật gấp 4.000 con hạc giấy cầu nguyện cho cô.

"Liên là một cô gái dễ thương, dịu dàng, được mọi người yêu mến. Cô ấy rất thích viết lách và gửi nhiều bài viết về ban truyền thông. Tôi vẫn nhớ rõ, đó là những bài viết rất xúc động về câu chuyện cuộc đời của chính Liên. Tôi thấy ở đó sự mạnh mẽ và ý thức vươn lên không mệt mỏi của cô gái nhỏ", anh Lâm Hoàng Sơn, Ban truyền thông công ty ở Đà Nẵng chia sẻ.

Ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện trả về, cô và má trở về căn phòng trọ nhỏ, do nhà ở Quảng Nam đang sửa sang lại. Những ngày tháng tưởng như cuối cùng của cuộc đời lại trở thành một kỳ tích khó tin. Mỗi ngày, khi khỏe hơn một chút, Liên lại tập bò khắp nhà, vịn thành tủ để đứng dậy, tập đi như những đứa trẻ. Và chỉ một tháng rưỡi sau, cô đã xin đi làm lại trước sự bất ngờ, thán phục của nhiều người.

"Sau này khi tôi khỏe lại và đi làm, bố mẹ mới dám nói với tôi việc bác sĩ từng nói có thể tôi chỉ sống được 3 tháng. Và kể từ ngày đó tới nay, tôi đã sống thêm được hơn một năm. Tôi tin niềm tin và tinh thần quyết định được tất cả", Liên chia sẻ.

nghi-luc-chong-lai-ung-thu-giai-doan-cuoi-cua-co-gai-27-tuoi-2

Hồi cấp 3, Liên từng mơ ước được mặc áo dài nhưng không dám vì sợ đi lại khó khăn.

Hàng ngày Liên vẫn đi chiếc xe 3 bánh đến điểm hẹn, rồi chờ xe của công ty đến chở đi làm. Mỗi tháng 2 ngày, cô xin nghỉ vào viện để điều trị nội tiết và truyền thuốc xương. Đầu tuần, mẹ từ Quảng Nam ra Đà Nẵng chăm cô, dọn dẹp nhà cửa cho con gái. Những ngày còn lại, cô vẫn tự mình sinh hoạt, tự nấu cơm, vì không muốn mẹ phải đi lại vất vả. Cô gái 27 tuổi ấy vẫn sống như thế, vui vẻ như một cô gái 9x đang sống trọn những năm tháng đẹp đẽ nhất đời người. 

Vài tháng nay, Liên sụt cân rất nhanh, có tháng tới 4-5 kg. Hiện tại, Liên chỉ còn nặng 41 kg, tay không thể cầm nặng. Nhưng khi nói đến cơ thể gày gò ấy, cô lại hóm hỉnh rằng: "Thế là từ một con mèo ú cao 1m48, từng nặng 55 kg, tôi đã thon gọn đi trông thấy, tự tin mặc áo dài rồi".

Thời gian rảnh, Liên thích đọc sách và làm thơ. Những thú vui ấy giúp cô thấy thoải mái và khỏe ra nhiều. Ước mơ của Liên là có tiền, có sức khỏe để đọc được nhiều sách hơn, được một lần ra nước ngoài du lịch. Xa hơn, cô muốn viết lại câu chuyện của mình thành một quyển sách, để có thể truyền cảm hứng và lan tỏa xa hơn.

Cô gái trẻ chia sẻ giờ bản thân không còn sợ bệnh tật và sẵn sàng đối mặt với nó. Liên không còn lo nghĩ việc sẽ sống được bao lâu nữa vì với cô, mỗi ngày mở mắt ra là mỗi ngày sống bằng tất cả đam mê, niềm tin và hy vọng. "Tôi nghĩ mạng sống này quý giá nhưng chỉ dài bằng hơi thở. Tôi không tìm mọi cách để duy trì hơi thở của mình, mà nghĩ cách để mình giữ được nụ cười", Liên nói.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.