Đào tạo được trên 1.500 nhân viên tìm kiếm cứu nạn (TKCN), 7 khoá sỹ quan dù TKCN đường không, hơn 3.000 vận động viên các câu lạc bộ đường không, thực hành hơn 2.000 ca nhảy dù thoát hiểm ứng dụng, làm nhiệm vụ đặc nhiệm, chống khủng bố; trực tiếp cử cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia nhiều đợt TKCN do thiên tai, thảm hoạ... Những thành tích ấy của Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không không phải ai cũng biết…
Chuẩn bị cho chuyến nhảy dù TKCN |
“Ba chắc một di”
Sáng sớm, nhiệt độ trên bãi tập của Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không lạnh hơn thời tiết khu vực. Mưa lay phay. Mô hình núi nhân tạo huấn luyện có vẻ sừng sững hơn.
Ngước mắt lên, bức tường hun hút cao 16 mét, thẳng đứng với những mấu bê tông thô ráp, leo lên không khéo sẽ trầy đầu gối, xước ngón tay. Vậy mà những chiến sĩ được trang bị đồ bảo hiểm chuyên dụng bám vào tường theo nguyên tắc “ba chắc một di”, lên - xuống nhẹ nhàng như những chú nhện. Theo Trung tá Hoàng Văn Long - Trưởng khoa Giáo viên - đang trực tiếp dàn đội hình tập, so với mô hình ở Nga anh đã trực tiếp được huấn luyện thì mô hình này đã có nhiều cải tiến phù hợp với điều kiện địa hình Việt Nam hơn.
Có mặt tại thực địa, Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp - Chỉ huy phó phụ trách huấn luyện của Trung tâm - cho biết: “Dù chưa được bên thi công bàn giao nhưng chúng tôi đã chủ động tiếp cận để huấn luyện cho sát thực tế, kịp thời cho các khoá, lớp về Trung tâm huấn luyện. Có rèn luyện như vậy mới xây dựng được lòng dũng cảm và tự tin cho các nhân viên TKCN dù nhảy từ độ cao hơn nghìn mét trong điều kiện đêm tối, địa hình, thời tiết phức tạp...”.
Thực hiện nguyên tắc “ba chắc một di”trong leo núi |
Nghề nguy hiểm
Mặc dù đang chuẩn bị đi công tác theo nhiệm vụ chuyên ngành dù tại Bình Dương, nhưng Đại tá Trần Quang Hoàng - Chỉ huy trưởng Trung tâm- vẫn dành thời gian trao đổi với chúng tôi về cái “nghề’ TKCN đường không đầy khó khăn, nguy hiểm.
Anh cho biết, từ một đội dù thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không Không quân, năm 2003 nâng lên thành Trung tâm Quốc gia Huấn luyện TKCN đường không, nhiệm vụ chính của Trung tâm là đào tạo giáo viên huấn luyện dù, tìm kiếm cứu nạn của Quân chủng, cán bộ nhân viên tìm kiếm cứu nạn đường không của Quân đội và Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Bên cạnh đó, đơn vị còn huấn luyện nhảy dù cho phi công, sỹ quan, nhân viên nhảy dù thuộc Quân chủng, lực lượng đổ bộ đường không thuộc các đơn vị đặc nhiệm của Quân đội; huấn luyện để duy trì khả năng nhảy dù, sử dụng trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn trên biển, địa hình rừng núi; tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn đường không và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn đường không, thảm hoạ thiên tai và tham gia hoạt động nhảy dù biểu diễn kỹ thuật thể thao hàng không, huấn luyện nhảy dù thể thao, bay Paramotor cho các câu lạc bộ nhảy dù hàng không trong và ngoài Quân đội.
Nhiệm vụ gian khổ, phức tạp nhưng khó khăn nhất vẫn là kỹ thuật nhảy dù phục vụ công tác TKCN ở các địa hình, thời tiết khác nhau. Yêu cầu nhiệm vụ cho thấy chỉ một sai sót nhỏ cũng dẫn đến hậu quả khôn lường cho bản thân và đơn vị. Anh em tập leo núi, nhảy dù ở sân bay, trầy xước, bong gân, rạn xương là điều rất dễ xảy ra.
Thiếu uý Nguyễn Trường Thọ, 32 tuổi, Đội phó đội TKCN 2 là một trong những nhân viên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh cho biết, anh và đồng đội luôn chịu khó luyện tập, nhất là rèn luyện sức khoẻ, thể lực, tâm thế cũng như tích cực rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn mới đáp ứng nhiệm vụ.
Thường xuyên luyện tập nhảy dù để đảm bảo an toàn, thắng lợi |
Nhiệm vụ lớn, trách nhiệm cao
Theo giới thiệu của Ban chỉ huy Trung tâm và Khoa Giáo viên, nội dung huấn luyện chuyên ngành cho cán bộ, nhân viên dù TKCN ở Trung tâm rất đa dạng về nội dung, hình thức: Điều lệ TKCN, các phương pháp TKCN; huấn luyện leo núi, leo nhà cao tầng ứng dụng; sử dụng các trang thiết bị để cắt bê tông, kim loại, cẩu vớt nạn nhân, lên xuống máy bay lên thẳng bằng thang dây; kỹ thuật cấp cứu, di chuyển nạn nhân; vượt sông suối, khu vực nhiễm độc nhiễm xạ để TKCN…
Ngoài ra, họ phải huấn luyện bổ trợ về sức khoẻ, rèn tâm lý “thép” để vững vàng trong những pha nhảy dù nguy hiểm. Bên cạnh đó là ý thức trách nhiệm cao, kỷ luật khắt khe, lòng dũng cảm, hy sinh, tính sáng tạo, vận dụng vào điều kiện địa hình thời tiết để làm nhiệm vụ TKCN.
Để thực hiện những nhiệm vụ đó, Trung tâm phải khắc phục nhiều khó khăn, theo Đại tá Trần Quang Hoàng, khó khăn lớn nhất là “tính chuyên nghiệp” của một Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN chưa đồng bộ. Một số phương tiện kỹ thuật chưa được bảo đảm, nhiên liệu hạn hẹp, không gian hoạt động một số nội dung huấn luyện chưa đáp ứng.
TKCN dù đường không là nghề nguy hiểm nhưng các chế độ đãi ngộ cho anh em chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… Điều thuận lợi của Trung tâm là đội ngũ cán bộ, giáo viên có bề dày kinh nghiệm, 100% đã được đào tạo, huấn luyện cơ bản, trong đó có khoảng trên 30% được đào tạo ở nước ngoài hoặc do các Cty nước ngoài đào tạo trong nước, có đủ khả năng huấn luyện các đối tượng.
Tuy nhiên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mọi cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải luôn đoàn kết, động viên nhau khắc phục khó khăn, xác định trách nhiệm trong công tác, yêu nghề, gắn bó với nghề. Khi tính chất thiên tai, thảm hoạ càng phức tạp, càng đòi hỏi sự hy sinh cống hiến càng cao của những người làm nhiệm vụ TKCN. Yêu cầu, nhiệm vụ càng lớn, vinh dự, trách nhiệm càng cao, đó là tâm niệm của hầu hết cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Trung tâm quốc gia TKCN đường không.
Cuối buổi luyện tập đầy vất vả nhưng nụ cười vẫn nở trên môi các cán bộ, giáo viên, nhân viên TKCN. Nhìn những dáng người cường tráng, vâm váp và tinh thần tự tin của họ, chúng tôi hiểu không phải ai cũng có tố chất để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện và TKCN đường không, một nghề mà chưa nhiều người hiểu hết tính nguy hiểm cũng như đầy sự hy sinh của những người thực hiện.
Đức Hanh - Phan Xuân