Và chỉ sau đó 1 năm, cô bé sinh năm 1985, tròn 15 tuổi đã quyết định đi theo bóng đá chuyên nghiệp. Ngày ấy, thầy cô ở trường đều tiếc khi cô đăng ký vào lớp năng khiếu bóng đá nữ Hà Nội đặt tại Sóc Sơn. Cả nhà không ai say mê bóng đá nên bố mẹ Châm rất lo âu, bởi nếu lỡ dở, không bứt phá được thì tương lai sẽ không biết đi đâu về đâu.
Chỉ có duy nhất chú cô là ủng hộ cho bước ngoặt của cô cháu gái. Thế nhưng, những lần đầu phải xa nhà, tối đến gọi điện về nhà khóc, mẹ nói: “ Nếu con nhớ nhà thì về”. Và thật bất ngờ, bằng sự cần cù, chăm chỉ, năm 17 tuổi cô có mặt ở đội một Hà Nội, hậu duệ của đội bóng nữ Hoa Học Trò nức tiếng với những cầu thủ nổi tiếng như Thúy Nga, Bích Hạnh, Minh Nguyệt, Hiền Lương.
Năm 2003, SEA Games được tổ chức tại Việt Nam. Châm khi đó mới 18 tuổi và cô bất ngờ có tên trong danh sách của huấn luyện viên Mai Đức Chung. Nhưng số phận như trêu ngươi, trong một buổi tập, Châm bị chấn thương đứt 3/4 dây chằng đầu gối và không còn trong danh sách tuyển quốc gia, kỳ SEA Games đầu đời phải bỏ lỡ. Cô nhớ, những ngày điều trị, về nhà mẹ thương lắm.
“Khi đó, nhà vệ sinh còn chưa thuận tiện nên mẹ cắt ghế nhựa cho em ngồi”. Cô biết, trong mọi đớn đau, mẹ luôn ở bên cô, thế nên nghĩ tới mẹ và gia đình cô đã không nản lòng.
Thế rồi, vào đúng thời kì hoàng kim nhất, đến cuối năm 2009, sau khi cùng đội bóng giành chức vô địch quốc gia, đồng thời nhận danh hiệu “vua phá lưới”, Châm hào hứng lên tuyển tập huấn rồi đau đớn nhập viện vì tái phát chấn thương đứt dây chằng. Cuộc chạy đua với thời gian khi đó của Châm đã khiến cả đội tuyển nữ, cả VFF chờ đợi cho đến giờ phút chót. Song kết luận cuối cùng của bác sỹ là “không thể”. Hoa khôi của đội tuyển bóng đá nữ đã mất đi cơ hội cuối cùng để ghi danh trên bảng vàng.
Đau đớn thay, cả 3 kỳ SEA Games cô không thể góp mặt thì cả 3 lần đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đều đăng quang ngôi vị cao nhất. Ngày đồng đội lên đường thi đấu giành chiếc Huy chương vàng SEA Games 25 là ngày cô vào phòng mổ.
Và dù không thể vươn lên đỉnh cao nhất trong vai trò ngôi sao bóng đá xuất chúng, nhưng Ngọc Châm giờ đằm thắm, xinh đẹp hơn cả thời con gái khi trở thành người phụ nữ hạnh phúc viên mãn sau hậu trường. Ở đó, Ngọc Châm từng được biết đến như cầu thủ bóng đá Việt Nam đầu tiên được đề cử vào danh sách bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ở đó, cô đã thành công với chức danh trợ lý huấn luyện viên của đội bóng đá nữ Hà Nội Tràng An trong mùa giải 2010...
Và có một điều tuyệt vời, cô và bạn đời quen nhau trong một lần giao hữu với các lão tướng Hà Nội, anh được một bác mời tham gia cùng đội vào đúng ngày tình yêu (14/2). Tuy nhiên, phải tới khoảng thời gian Châm bị chấn thương phải nằm viện trước SEA Games 25, khi ấy cô tuyệt vọng bởi cánh cửa mở ra Sea Games với cô đã vĩnh viễn khép lại, lúc ấy anh đã luôn ở bên cô, ân cần, thấu hiểu.
Từ đó, Châm mới thực sự cảm thấy anh chính là người đàn ông của cuộc đời mình. Anh hiện công tác trong quân đội ở mảng tình báo nên gần như rất ít xuất hiện bên vợ con.
Lận đận thế nhưng Châm lại nghĩ mình là người may mắn: “Bóng đá đem lại cho tôi nhiều thứ lắm. Giờ đây ngay cả khi đã giải nghệ vẫn còn có nhiều người biết đến một tiền đạo, một cầu thủ bóng đá nữ hay một “vua săn bàn” Ngọc Châm. Tôi hạnh phúc vì điều đó”. Châm cũng vẫn luôn canh cánh trong lòng vì mình còn thiếu 1 Huy chương vàng SEA Games.
“Nhưng quãng thời gian cháy hết mình cùng bóng đá tôi cũng đã có đủ các huy chương, các danh hiệu cá nhân. Tôi hài lòng với điều đó. Tôi luôn nghĩ mọi thứ đều là do duyên trời định. Tôi hài lòng với tất cả những gì thuộc về quá khứ cũng như hiện tại và thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều chị em cầu thủ khác, bởi nhiều người còn đang phải vất vả mưu sinh”, cô tâm sự.
Dù đã treo giày, cô vẫn chưa từng rời xa trái bóng. Hiện Châm mong muốn trở thành một MC, biên tập viên thể thao của một kênh thể thao và đều đặn hàng tuần vẫn có thể gắn bó với công việc huấn luyện các em nhỏ của Vietgoal. Và bóng đá đã đem tới cho cô sự kỉ luật và nghiêm túc. Bởi cô cho rằng mình là người nỗ lực, chăm chỉ và may mắn. Thế nên, dù là bóng đá phong trào, không chuyên, Châm cũng đòi hỏi sự nghiêm túc rất cao của học trò. Vậy nên, dù mưa hay nắng, cô đều tranh thủ từng phút cho học trò mình.
Cô thường nói: “Các bạn đến đây dù là cuộc chơi. Nhưng cũng là danh dự của ngành, nên nếu không kiên trì, các bạn có thể không tham gia...”. Với lũ trẻ thì cô lại vừa khéo léo, vừa nghiêm khắc: “Bố mẹ đã bỏ tiền cho các con học, nên các con không nên lãng phí như vậy...”.
Thường mỗi năm Châm và các đồng đội, thầy cô cũ gặp gỡ nhau một lần gần tết, lấy đó là ngày kỷ niệm sinh nhật đội. Đã 16 năm thành thông lệ, năm nào mọi người cũng tụ tập, ăn uống, hát hò... Bây giờ, mỗi đồng đội của cô mỗi công việc. Có người buôn bán, người ở nhà chăm con, cũng có một vài người vẫn gắn bó với trái bóng. Mỗi người mỗi nghề, nhưng đa phần đều vất vả cả.
Châm thấy thương vì các chị em sau khi giải nghệ không tìm được công việc ổn định và phù hợp. Lứa cầu thủ của Châm nhiều người phải giải nghệ sớm mà chưa gặt hái được nhiều thành công mặc dù đó là lứa cầu thủ rất tốt. Có lẽ vì thời của Châm bóng đá nữ còn trong giai đoạn khó khăn và đãi ngộ còn kém chứ không được như bây giờ.