Đợt 1 năm 2012, Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) tiếp nhận 840 thanh niên thuộc 5 tỉnh, thành phố, trong đó có 223 thanh niên là người dân tộc thiểu số. Qua hơn một tháng trong môi trường Quân đội, các chiến sỹ mới đã ổn định tư tưởng và quen dần với nền nếp sinh hoạt mới. Xác định được trách nhiệm và vinh dự của người lính, các chiến sỹ ở đây đang tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao…
“Nghe bộ đội nói và nói cho bộ đội nghe”
Trong nhiều năm qua, việc duy trì “Ngày chính trị văn hóa tinh thần” vào thứ 5 tuần cuối tháng tại Trung đoàn Bộ binh 692 được tổ chức có nền nếp và hiệu quả. Thực tế cho thấy, đây là một mô hình sinh hoạt phát huy tốt các thiết chế dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, phong phú, lành mạnh, thúc đẩy phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị.
Sinh hoạt chính trị ở đơn vị |
Chủ đề của mỗi buổi sinh hoạt khá đa dạng, phụ thuộc vào tâm tư, nguyện vọng của các chiến sỹ mới nhưng cũng có thể theo những vấn đề “nóng” của xã hội. Đơn cử như “Ngày chính trị văn hóa tinh thần” của tháng 2 vừa qua tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Thượng tá Trần Thanh Sơn - Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 301 - đã thông tin về tình hình kinh tế, chính trị xã hội của thành phố Hà Nội, nhiệm vụ của Lực lượng vũ trang Thủ đô trong tình hình mới. Đồng thời, giải đáp cho chiến sỹ mới những vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Thanh Sơn cho hay: “Chiến sỹ mới vừa nhập ngũ đang trong quá trình hòa nhập với môi trường quân đội nên hầu hết mamg tâm lý rụt rè, ngại phát biểu trước tập thể. Nắm được đặc điểm này, cán bộ chủ trì sinh hoạt phải biết động viên, khích lệ chiến sĩ nói lên những suy nghĩ của mình. Bằng tinh thần, thái độ cởi mở, chân thành, cầu thị, các vấn đề được bàn luận dân chủ, ai cũng có cơ hội được bày tỏ chính kiến của mình...
Qua các buổi sinh hoạt dân chủ như thế này, chỉ huy đơn vị nắm được tâm tư tình cảm, nguyện vọng của anh em chiến sỹ, từ đó có biện pháp, phương pháp giáo dục quản lý tốt hơn, định hướng họ một cách thuyết phục hơn”.
Chiến sỹ mới Bùi Văn Thông, Trung đội 1, Đại đội 9 tâm sự: “Háo hức với môi trường quân ngũ nhưng thời gian đầu, em cũng rất nhớ nhà và bạn bè. Đặc biệt là sinh hoạt trong quân đội mang tính kỷ luật cao nên đôi lúc em cảm thấy có phần khắt khe và mất tự do. Nhưng được sự động viên của chỉ huy và qua các buổi sinh hoạt tập thể, em đã ổn định về tư tưởng và nhận ra rằng, môi trường quân đội chính là nơi giúp em trưởng thành và cứng cáp hơn”
Đánh “trúng” tâm lý của chiến sỹ
Với quan điểm, gắn sinh hoạt chính trị với hoạt động văn hóa tinh thần nên sau khi sinh hoạt chính trị, các Tiểu đoàn sẽ tổ chức cho bộ đội học những bài hát quy định trong Quân đội cũng như những bài hát phù hợp khác. Hôm nay, có sự xuất hiện của các cán bộ, nhân viên Nhà Văn hóa- Cục Chính trị nên các chiến sỹ còn được học các điệu nhảy tập thể.
Chiến sỹ mới ở Trung đoàn 692 đang làm quen với các điệu nhảy. |
Đội ngũ cán bộ Đoàn của Trung đoàn đã khá thành thạo một số vũ điệu quốc tế nên việc hướng dẫn, tổ chức luyện tập nhảy cho các bạn trẻ diễn ra thuận lợi. Tân binh Nguyễn Văn Nhật, Đại đội 11, Tiểu đoàn 6 hào hứng cho biết: “Em rất thích điệu Valse vì các động tác nhẹ nhàng, tình cảm chứ không yêu cầu mạnh mẽ như điệu Hip- hop mà em học khi còn ở nhà. Chúng em mong muốn đơn vị tổ chức nhiều buổi học như thế này để anh em được giao lưu và giải trí, được rèn sức, rèn sự dẻo dai của cơ thể.”
Thượng tá Kiều Ngọc Hải - Chủ nhiệm Nhà Văn hóa, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô - cho hay: “Thực hiện chỉ đạo của Cục Chính trị, với chức năng là cơ quan tham mưu, hướng dẫn nghiệp vụ công tác văn hóa văn nghệ, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với Ban thanh niên-Phụ nữ-Công đoàn và các đơn vị tổ chức cho bộ đội học các điệu nhảy tập thể, học hát các bài hát theo quy định.
Hoạt động văn hóa văn nghệ nếu được thực hiện một cách sinh động, hấp dẫn sẽ có tác động trực tiếp tới sự hình thành nhân cách, sự phát triển toàn diện của mỗi quân nhân. Hy vọng rằng trong thời gian tới, các hoạt động văn hóa văn nghệ của các đơn vị sẽ thực sự đi vào chiều sâu và có nền nếp”.
Trong tiếng nhạc rộn ràng, dù động tác còn ngượng ngùng nhưng chiến sỹ nào cũng hứng khởi, mê say với từng bước nhảy. Thượng tá Trần Văn Lâm - Chính ủy Trung đoàn - tâm sự: “Đây là hoạt động rất bổ ích và cần thiết với bộ đội, rất phù hợp với tuổi trẻ, chủ động chống lại những thói hư tật xấu, lối sống không lành mạnh, quản lý bộ đội chấp hành tốt kỷ luật quân đội.
Mong rằng, thời gian tới Cục Chính trị tiếp tục quan tâm, hướng dẫn các đơn vị còn lại của Trung đoàn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ ngày càng phong phú và chất lượng hơn”.
Buổi học nhảy kết thức trong tiếng vỗ tay và niềm hân hoan của các chiến sỹ trẻ. Đây chính là hình ảnh đẹp trong phong trào văn hóa văn nghệ ở đơn vị cơ sở, phản ánh sinh động đời sống huấn luyện, học tập của cán bộ, chiến sỹ.
Hữu Thu