Ông Bốn cho biết: Luật TNBTCNN 2017 được ban hành đã sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định trước đây, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, qua đó, Luật được kỳ vọng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Để đảm bảo việc tổ chức thực hiện quy định của Luật TNBTCNN được kịp thời, thống nhất, hiệu quả, ngày 25/8/2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN (Kế hoạch 1269).
Trên cơ sở Kế hoạch 1269, để chỉ đạo tập trung, thống nhất công tác triển khai thi hành Luật, ở Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1628/QĐ-BTP ngày 10/10/2018 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN của Bộ Tư pháp. Nhiều bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật trong phạm vi quản lý của mình. Ở địa phương, tất cả UBND 63 tỉnh, thành đã ban Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN trong địa phương mình.
Đối với công tác hoàn thiện thể chế, với sự chủ động của mình, Bộ Tư pháp đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN, đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 04/2018/TT-BTP ngày 17/5/2018 ban hành một số biểu mẫu về công tác bồi thường nhà nước. Đặc biệt, cả 2 văn bản nêu trên có hiệu lực cùng thời điểm hiệu lực của Luật TNBTCNN (ngày 01/7/2018). Bên cạnh đó, công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật TNBTCNN cũng đã được các bộ, ngành quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đối với công tác quán triệt, triển khai thi hành Luật và tập huấn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức 02 Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước (tại Hà Nội và TP HCM), đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng Bộ tài liệu mẫu cũng như cử báo cáo viên bảo đảm chất lượng để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật.
Để bảo đảm chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì, xây dựng Bộ tài liệu chung để sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trong đó có chú trọng đến đặc thù của từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể.
Về các điều kiện bảo đảm thi hành Luật, để tăng cường năng lực quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở Trung ương, đáp ứng yêu cầu mới của công tác này theo quy định của Luật, Bộ Tư pháp đã chủ động chỉ đạo các đơn vị rà soát, xây dựng đề án để ban hành Quyết định mới quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị tham mưu giúp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Đối với địa phương, Bộ Tư pháp cũng đã phân công nhiệm vụ cho các đơn vị rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi quy định của Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh và Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện cho phù hợp với yêu cầu mới về nhiệm vụ của ngành Tư pháp nói chung cũng như những nhiệm vụ mới về công tác bồi thường nhà nước nói riêng.
Xin ông cho biết những điểm mới đáng chú ý của Luật TNBTCNN, đặc biệt những nội dung liên quan đến quyền lợi của người yêu cầu bồi thường?
- So với Luật TNBTCNN 2009, Luật TNBTCNN 2017 có nhiều điểm mới căn bản, có tác động tới việc tổ chức thi hành Luật của các cơ quan nhà nước trong cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án ở các cấp. Trong đó, các cơ quan cần lưu ý một số điểm mới quan trọng chủ yếu sau đây:
Về các cơ chế yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường, Luật quy định nhiều cơ chế để yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường, trong đó, bên cạnh cơ chế yêu cầu và giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, Luật quy định người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án yêu cầu bồi thường sau khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính tại Tòa án.
Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật bổ sung nhiều trường hợp được bồi thường trong cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Về thiệt hại được bồi thường, Luật bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường, lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường và tăng mức thiệt hại về tinh thần trong hoạt động tố tụng hình sự.
Về thủ tục giải quyết bồi thường, Luật sửa đổi căn bản, toàn diện các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo hướng rút ngắn thời hạn giải quyết bồi thường, quy định rõ hơn hồ sơ yêu cầu bồi thường, bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường và bổ sung một số quy định về hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết bồi thường… Đặc biệt, Luật bổ sung quy định về việc tham gia xác minh thiệt hại, tham gia thương lượng của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tài chính ở Trung ương và cấp tỉnh cũng như trách nhiệm của Viện kiểm sát tham gia thương lượng đối với các vụ việc trong hoạt động tố tụng hình sự.
Về kinh phí bồi thường, Luật quy định cơ quan có trách nhiệm lập dự toán và quyết toán kinh phí bồi thường ở Trung ương là Bộ Tài chính và ở địa phương là Sở Tài chính.
Về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại, Luật quy định tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp xem xét, xác định trách nhiệm hoàn trả, đặc biệt là trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau cùng gây ra thiệt hại.
Về quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, Luật quy định thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, đồng thời, thu gọn đầu mối cơ quan quản lý nhà nước (ở Trung ương là Chính phủ và Bộ Tư pháp, ở địa phương là UBND cấp tỉnh) và bổ sung nhiều nhiệm vụ mới về nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Để Luật TNBTCNN đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền phổ biến những quy định mới của Luật được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vậy ngành Tư pháp đã thực hiện công việc này như thế nào, thưa ông?
- Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Truyền hình Quốc hội, Đài Truyền hình Việt Nam và một số cơ quan báo chí để giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật để tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân. Trang thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như Trang thông tin về bồi thường nhà nước cũng thường xuyên được cập nhật các tin, bài để giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Nhiều tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã được biên soạn và cấp phát kịp thời đến các đối tượng là công chức được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong cả ba lĩnh vực là quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án ở các cấp.
Tại các địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành tiếp tục được tăng cường và chú trọng cả về nội dung và hình thức, giúp cho các cán bộ, công chức và nhân dân nắm bắt được các quy định mới của Luật, qua đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và nâng cao ý thức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Sắp tới, để triển khai luật mới có hiệu quả, theo ông, các cơ quan nhà nước cần lưu ý vấn đề gì?
- Với những điểm mới chủ yếu nêu trên của Luật, để tổ chức thi hành Luật đạt hiệu quả, các cơ quan nhà nước các cấp, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Viện kiểm sát các cấp, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp lưu ý, quan tâm thực hiện, chỉ đạo thực hiện một số hoạt động sau đây:
Thứ nhất, đổi mới và nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội cũng như nhận thức của quần chúng nhân dân tại địa phương theo hướng không coi bồi thường nhà nước là công tác sự vụ, chỉ thực hiện khi có phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường mà phải coi việc nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tổ chức thực hiện pháp luật về TNBTCNN nhằm mục tiêu cao hơn đó là răn đe, phòng ngừa sai phạm để xảy ra thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thứ hai, chủ động rà soát đội ngũ công chức làm công tác bồi thường nhà nước để phân công, sắp xếp nhân lực đủ năng lực, trình độ và việc phân công phải bảo đảm tính ổn định để thực hiện hiệu quả công tác bồi thường nhà nước và tham gia giải quyết bồi thường.
Thứ ba, bảo đảm đủ kinh phí cho chi trả tiền bồi thường, hoạt động giải quyết bồi thường và quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Thứ tư, kịp thời quán triệt các nội dung của Luật, văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật mà nhất là các quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm hoàn trả để nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ để chủ động phòng ngừa các sai phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thứ năm, nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định của Luật, văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật mà nhất là các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường, thiệt hại được bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường để nắm bắt thấu đáo, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật trong trường hợp có phát sinh vụ việc phải giải quyết bồi thường.
Trân trọng cảm ơn ông!