Hoàn thiện pháp luật
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, từ tháng 10/2015 đến nay, chính sách thuế của Việt Nam đã có những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế đất nước, phù hợp với xu thế hội nhập thế giới, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế (NNT).
Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành: Luật 106/2016/QH13 ngày 06/04/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế (QLT), có hiệu lực từ ngày 01/7/2016; Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật QLT, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 83/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 hướng dẫn Luật Đầu tư; Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 hướng dẫn về Đăng ký thuế, có hiệu lực từ ngày 12/8/2016; Thông tư 96/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 thay thế Thông tư 55/2007/TT-BTC hướng dẫn miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư 97/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 thay thế Thông tư 57/2009/TT-BTC hướng dẫn hồ sơ, thủ tục miễn thuế TNCN đối với cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hợp quốc tại Việt Nam; Thông tư 99/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT; Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 hướng dẫn Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016…
Tiết giảm thủ tục hành chính
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai các Nghị quyết 19 của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã ban hành các kế hoạch hành động để cụ thể hoá các nhiệm vụ, mục tiêu thành các công việc triển khai. Đồng thời quán triệt tinh thần cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đến từng đơn vị, từng cán bộ, công chức.
Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hướng dẫn kịp thời của cơ quan thuế các cấp đã tiếp tục cắt giảm TTHC, giảm số giờ tuân thủ về thuế cho người dân và DN.
Trong năm qua, số TTHC thuế đã được chuẩn hoá và cắt giảm từ 385 thủ tục xuống còn 300 thủ tục; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy chế về QLT, đến nay đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung 51/70 quy trình, quy chế.
Đơn cử, với việc đơn giản hoá thủ tục và thời gian đăng ký thuế, NNT chỉ nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất tại bộ phận “một cửa liên thông”, được giải quyết trong thời hạn tối đa là 3 ngày làm việc (trước đây là 5-10 ngày). Đối với hoàn thuế, thời gian hoàn thuế cũng giảm từ 60 ngày xuống còn 40 ngày đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”, và giảm từ 15 ngày xuống còn 6 ngày đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau”. Thời hạn giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế cũng được giảm từ 5 ngày xuống còn 3 ngày…
Báo cáo của Tổng cục Thuế cũng cho biết, đến nay 100% các địa phương trên cả nước đã thực hiện khai thuế điện tử đối với DN. Năm 2016, cơ quan Thuế tiếp tục mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng đối với cá nhân, giai đoạn đầu áp dụng đối với cá nhân có giao dịch nhà cho thuê.
Đến nay, Tổng cục Thuế đã ký thỏa thuận với 45 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử (NTĐT) tại 63 địa phương. Tổng số DN đã đăng ký NTĐT qua cổng của Tổng cục Thuế tính đến tháng 11/2016 là trên 547.785 DN (đạt tỷ lệ 96,7%) và trên 530.757 DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng (đạt tỷ lệ 93,7%), với tổng số tiền NTĐT là trên 404.687 tỷ đồng và hơn 2 triệu giao dịch NTĐT qua ngân hàng…
Trong năm 2016, ngành Thuế đã triển khai thí điểm dịch vụ hoàn thuế điện tử tại một số tỉnh, thành lớn trong cả nước và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tổ chức, DN. Dự kiến sẽ triển khai mở rộng trong phạm vi cả nước để đến cuối năm 2017 sẽ đạt 95% hồ sơ NNT tiếp nhận theo phương thức điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN.
Nhờ các giải pháp tích cực trong năm qua, số giờ nộp thuế của Việt Nam đã giảm từ mức 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm. Con số này đã đạt và vượt mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP đã đề ra và ngang bằng với mức bình quân chung của các nước trong khu vực ASEAN-4. Đồng thời, việc cắt giảm số giờ nộp thuế như trên theo tính toán của các tổ chức quốc tế sẽ giúp giảm chi phí cho DN và xã hội trên 7.000 tỷ đồng/năm.
Kết quả cải cách TTHC thuế của Việt Nam trong những năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Nếu như theo Báo cáo MTKD năm 2016 của WB, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 5 bậc thì trong Báo cáo MTKD năm 2017, chỉ số này đã tăng được 11 bậc, từ vị trí 178 lên vị trí 167 trong tổng số 189 quốc gia được đánh giá. Khảo sát của VCCI cũng cho thấy có đến 71% NNT được hỏi hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan thuế trong những năm qua…
“Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức ngành Thuế…”- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam chia sẻ. Cũng theo người đứng đầu ngành Thuế, dư địa cải cách TTHC tới đây sẽ thu hẹp dần và sẽ khó khăn hơn song ngành Thuế luôn ý thức được DN có thuận lợi, có phát triển thì ngành Thuế mới hoàn thành nhiệm vụ của mình…