Theo đó trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Việc triển khai các giải pháp này đã góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế, đồng thời góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Cụ thể năm 2017, ngành thuế đã phát hiện 3.354 DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, với 382.876 hóa đơn vi phạm. Cơ quan thuế (CQT) các cấp đã xử lý truy thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập DN (TNDN) là 96.770 triệu đồng. Tương tự năm 2018, đã phát hiện 2.983 DN với 58.812 hóa đơn vi phạm, CQT đã xử lý truy thu thuế GTGT và thuế TNDN là 46.321 triệu đồng. Năm 2019, đã phát hiện 1.137 DN, với 54.988 hóa đơn vi phạm, CQT đã xử lý truy thu thuế GTGT và thuế TNDN là 51.179 triệu đồng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, song những sai phạm về hóa đơn vẫn diễn biến phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước về điều kiện thành lập DN; cơ chế tự khai, tự nộp thuế; cơ chế tự in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn để thành lập, mua bán, sát nhập DN với mục đích in, phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế, hoàn thuế, kiếm lời bất chính, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Để ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn, Tổng cục Thuế đã yêu cầu CQT các cấp tổ chức nhận dạng DN có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; nắm bắt hành vi, cách thức của tổ chức, cá nhân, DN (người nộp thuế - NNT) sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Thu thập thông tin dữ liệu về NNT, nhất là những thông tin giao dịch đáng ngờ từ cơ quan giám sát ngân hàng; thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước khác; lập danh sách NNT có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, qua đó rà soát, phân tích dữ liệu đã thu thập về NNT để nhận diện, xác định danh sách NNT có rủi ro về hóa đơn.
Tổng cục Thuế đã yêu cầu CQT các cấp tổ chức giám sát chặt chẽ đối với NNT có rủi ro cao về hóa đơn, trong đó phân công bộ phận chức năng theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn đối với NNT theo chế độ quy định; kiểm tra, rà soát hồ sơ khai thuế của NNT có rủi ro cao về hóa đơn thường xuyên, liên tục (tháng, quý). Kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán với ngân sách nhà nước. Xây dựng chuyên đề thanh, kiểm tra đối với các DN có rủi ro cao về thuế và hóa đơn.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các bộ phận chức năng của CQT thực hiện việc xác minh tình trạng hoạt động của NNT tại địa chỉ đã đăng ký với CQT. Đối với trường hợp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký cần đưa lên Trang thông tin điện tử của ngành thuế và có biện pháp xử lý ngăn chặn hậu quả. CQT các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để xác minh nguồn gốc hàng hóa, xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo đề nghị của cơ quan công an trong quá trình điều tra, xử lý.
Trong thời gian tới, CQT sẽ đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thư ngỏ để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng DN và xã hội. Đặc biệt, để hạn chế tối đa việc buôn bán hóa đơn bất hợp pháp, CQT các cấp cần nghiên cứu, tập huấn để sẵn sàng cho việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ.