Nhíu mày, cười bể bụng vì MC
Trong đêm Bán kết “Giọng hát Việt 2015” vừa qua, MC Mỹ Linh “mất điểm” khi lỡ miệng khích thí sinh Kiều Anh: “Có lẽ lúc này, bạn cũng muốn… đáp trả huấn luyện viên của mình là chị Thu Phương?”. MC Mỹ Linh bị coi là “bình hoa di động” khi dẫn chương trình mờ nhạt và gây nhàm chán khi ít tương tác với các thí sinh. Thay vì trò chuyện, cô chỉ cười và ôm thí sinh mỗi khi họ được lựa chọn. Chưa kể, Mỹ Linh liên tục mắc lỗi, giọng the thé nói vấp, sai thông tin, không ngắt nghỉ được câu dẫn gây cảm giác ức chế nơi người xem.
Đảm nhận vai trò MC hậu trường của “X Factor”, nữ ca sĩ Thu Thủy với vốn từ, cách biểu đạt cảm xúc và truyền tải thông điệp thiếu sáng tạo, kém phong phú, chỉ quanh quẩn vài câu khen nhạt nhẽo thí sinh: “Bạn làm mình nổi da gà”, “Phần trình diễn của bạn quá tuyệt vời” hay “Thu Thủy rất ngưỡng mộ bạn”.
Tại “Giọng hát Việt”, MC Yumi Dương đã mắc phải lỗi khá nặng nề khi phát biểu: “Xin khán giả một tràng pháo tay cho các thí sinh trong chương trình cũng như đồng bào miền Trung đang chịu bão lũ”. Sự vô ý của Yumi đã khiến khán giả vô cùng khó chịu về sự vô thức và thiếu chuyên nghiệp của cô. Chưa hết, Yumi Dương trao đổi về bài hát yêu thích của mẹ thí sinh Diễm Hương, cô hỏi: “Chắc mẹ bạn đang ngồi xem trước truyền hình…” mà không biết rằng mẹ Diễm Hương đã mất từ khá lâu.
Yumi Dương dẫn Giọng hát Việt . |
Hoa hậu Jennifer Phạm trong chương trình “Duyên dáng Việt Nam”, khi đối đáp với MC Khắc Nguyện, cô vô tư: “Cứ tưởng tượng tỉnh dậy bên một người đàn ông chưa đánh răng và có cái mồm thối như thế thì…”. Biết mình “hớ”, họ Phạm lại chống chế: “Dù chồng mình có thối mồm nhưng yêu thương mình chân thành đã là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi”. Khán giả phía dưới được phen cười bể bụng vì phát ngôn “vàng ngọc” cô MC này.
Cũng trong một chương trình “Duyên dáng Việt Nam”, MC Trịnh Trân Chân hồ hởi: “Xin chào mừng quý vị đến với chương trình Dan díu Việt Nam” khiến khán giả cười ồ.
Không chỉ có bóng hồng, các MC nam giới cũng khiến khán giả bực bội. Nguyên Khang có biệt danh “MC hay khuyên khán giả nhất” với khá nhiều “kỳ tích” “dạy bảo” khán giả lẫn người tham gia chương trình nên thế này, không nên thế kia. Gần đây nhất, Nguyên Khang khuyên mọi người nên mua 4 cặp loa để tận hưởng chương trình “The Remix” một cách hoàn hảo nhất. Lời khuyên này nhận được nhiều ý kiến chế giễu của khán giả vì quá “lố”.
Còn MC Nguyên Vũ từng mắc những lỗi rất vô duyên như nói vấp, nói nhịu, cắt lời người khác, tranh cãi tay đôi trên truyền hình, nhầm tên…
MC Phan Anh bị đánh giá dẫn chương trình thiếu sự đột phá, “một màu”. Khá nhiều ý kiến nhận xét rằng Phan Anh ở “Thần tượng âm nhạc” và Phan Anh trong loạt chương trình khác như “Giọng hát Việt”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Vitamin”... đều giống nhau.
Sự cố của các MC quen cách dẫn kiểu công thức thuộc lòng, nói mà không hiểu mình đang nói gì, như quen miệng “chúc vui” như một MC đã “chúc quý khán giả có một ngày quốc tang thật nhiều niềm vui và an toàn” khiến nhà đài phải một phen “khốn đốn” xin lỗi người xem. Một MC chuyên nghiệp nữa làm người ta há hốc khi pha trò về việc các bà vợ chỉ mong ông chồng khi trở về nhà “nòng súng vẫn vươn lên trời cao”.
Muốn “nhìn hình, tắt tiếng” mỗi khi MC bước ra
MC là một nghề rất khó, đòi hỏi sự linh hoạt, thông minh, hiểu biết rộng, sự duyên dáng và tài ứng biến nhanh nhẹn. MC thực sự là một nghề đòi hỏi trình độ văn hoá cao mà theo như nghệ sĩ Thanh Bạch chia sẻ: “MC phải là người thể hiện hơi thở của thời đại nên nếu bạn không có trình độ, không nắm bắt được thời sự, dòng chảy của xã hội, không có được những thông tin hay, hấp dẫn thì bạn sẽ trở thành người lạc hậu và ăn nói sẽ rất vô duyên. MC cần có kiến thức vững, giọng nói tốt, khả năng ứng biến nhanh…, nhưng tất cả những yếu tố đó không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình bền bỉ luyện tập, học hỏi không ngừng để hoàn thiện những kĩ năng, tôi luyện bản lĩnh sân khấu”.
Số lượng MC lên sóng truyền hình lên tới vài trăm người nhưng MC có chuyên môn, bản lĩnh vững vàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết những người còn lại không được đào tạo bài bản. Họ làm MC vì thích nổi tiếng, vì được nhà sản xuất mời mọc, vì ngẫu hứng.
Ở các nước trên thế giới, với một MC, ngoại hình chỉ là yếu tố đứng sau trí tuệ, khả năng ăn nói. Còn ở Việt Nam, yếu tố đầu tiên của MC lại là ngoại hình. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người “đeo mác” MC hiện nay đều biến mình thành “con vẹt” hoặc mắc lỗi “nói dai, nói dài, nói dại” ảnh hưởng nhiều đến chất lượng chương trình, tới nỗi khán giả mong “nhìn hình, tắt tiếng” mỗi khi MC bước ra.
Trước thực tế đó, một số đài truyền hình mở một số cuộc thi, tập huấn nhằm phát hiện, bồi dưỡng những MC. Tuy vậy, thời gian dành cho cuộc thi, tập huấn này quá ngắn (một vài tháng) không đủ để các tân MC cọ xát thực tế, đào tạo bài bản. Chỉ sau cuộc thi, lớp tập huấn ngắn hạn do một số đài truyền hình tổ chức là họ có thể “đeo mác” MC có thể chạy sô mọi nơi, mọi lúc. Đây cũng là nguyên nhân khiến họ biến mình thành kẻ ngớ ngẩn trên sân khấu.
“Đừng biến mình thành những con vẹt biết cầm micro, những khúc gỗ cứng đơ đọc kịch bản, hay bình hoa di động, những MC hãy nói bằng chính suy nghĩ, cảm xúc, tri thức, bản lĩnh nghề nghiệp của mình”- đây là điều khán giả mong muốn.