Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất lần thứ 3

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất. (Ảnh minh họa)
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất. (Ảnh minh họa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức công bố các quyết định giảm lãi suất lần thứ 3. Tuy nhiên, so với 2 lần giảm lãi suất trong tháng 3, thông tin này chưa được đón nhận một cách hào hứng.

Sáng 25/5, ngày đầu tiên lãi suất của đợt điều chính thứ ba trong năm có hiệu lực, tại các phòng giao dịch ngân hàng (NH) trên trục đường Xã Đàn - Ô Chợ Dừa (Hà Nội), mọi việc vẫn diễn ra bình thường, khách đến giao dịch chủ yếu đáo hạn sổ tiết kiệm.

Trưởng phòng giao dịch của một NH cho biết, lãi suất giảm chủ yếu ở kỳ hạn dưới 6 tháng và hầu hết phân khúc khách hàng này là những người có nhu cầu gửi ngắn hạn để có thể linh hoạt rút khi cần nên lãi suất không phải vấn đề quan tâm. Còn phân khúc khách hàng gửi dài hạn (trên 6 tháng), tuy lãi suất có điều chỉnh nhẹ nhưng hầu như không có sự dịch chuyển, nhất là với những khách hàng truyền thống. “Các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đang chững lại nên khách hàng thường gửi kỳ hạn dài hơn để nghe ngóng…” - một nhân viên NH nói.

Chia sẻ về luồng khách vay, phụ trách một phòng giao dịch NH nói: “Hiện lãi suất vay là “12 chấm” trong năm đầu. Có thể sau đợt giảm lãi suất này, lãi suất cho vay xuống còn “11 chấm”. Nhưng cho vay bây giờ cũng khó lắm bởi hiện tại khách hàng vay cũng không dám mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD) và cũng không biết đầu tư vào đâu…”.

Ở góc độ khách hàng, chủ một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tỏ ra hờ hững: “Hôm nay lãi suất tiền gửi giảm thì lãi suất cho vay cũng chưa giảm ngay đâu. Nhanh cũng 1 - 2 tháng nữa, không biết khi đó tình hình làm ăn có khá không chứ vay mà hàng làm ra không bán được càng “chết” nữa. Chúng tôi có thể chấp nhận lãi suất cao một chút nhưng phải có đầu ra để có dòng tiền” - chủ doanh nghiệp (DN) chia sẻ.

Quyết định giảm lãi suất của NHNN được ban hành trước thềm cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì với các bộ, ngành và một số NH thương mại nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất.

Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã chia sẻ thực tế là bên cạnh câu chuyện về khả năng tiếp cận của DN với NH, còn có một câu chuyện khác là “các NH cũng đang “đỏ mắt” tìm DN để cho vay. “NH nào cũng muốn tìm khách hàng tốt để giải ngân. Chẳng có NH nào muốn giữ tiền trong két. Bởi nếu khư khư ôm vốn thì NH cũng “khó mà sống khỏe”…”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phát biểu.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng tình với nhận định này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng cho rằng hiện nay đang có nhóm DN không dám vay vốn vì sợ kinh doanh thua lỗ, có nhóm DN bảo đảm đủ điều kiện để vay vốn nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn. Còn lại là nhóm không thể vay vốn, đây là nhóm đông nhất, đa số là DN nhỏ và vừa, thiếu điều kiện vay vốn…

Do đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, hệ thống NH cần xem xét, nghiên cứu để có giải pháp phù hợp đối với nhóm DN này. “Phải có giải pháp để xử lý tận gốc của vấn đề. Kinh tế thế giới nói chung đang suy thoái và hệ thống DN trong nước chưa “khỏe mạnh”, nên phải xử lý dần dần. Hiện nay, lạm phát đang được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, do đó có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn này” - Thứ trưởng phát biểu.

Đánh giá về các quyết định giảm lãi suất của NHNN, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam đều đang đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và DN cũng không có ý định vay nợ để mở rộng hoạt động SXKD.

Theo ACBS, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Bởi, ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. “Vì vậy, chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023” - ACBS nhận định.

Tại cuộc họp với các NH ngày 24/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, NH và DN “phải đi chung con đường”. Tuy nhiên, NH là định chế đặc biệt quan trọng, nên phải bảo đảm an toàn cho hệ thống; việc điều hành thị trường tiền tệ cũng phải tuân thủ các quy luật của thị trường…

Cùng với việc tiếp thu, rà soát để tháo gỡ các thủ tục thuộc về chủ quan, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN phân tích sâu sắc hơn nữa các yếu tố liên quan đến cung cấp tín dụng cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ; đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn của các nhóm DN; rà soát cơ chế chính sách để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định;…

Bên cạnh đó, NHNN và hệ thống NH tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ DN tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển SXKD.

Ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng

“Khi so sánh với mức cho vay hiện nay, khi mặc bằng lãi suất huy động được giảm đồng đều thì đương nhiên lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng. Vietcombank đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để bảo đảm đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như là hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung…”.

(Ông Lê Quang Vinh - Phó TGĐ Vietcombank)

“Từ đầu năm đến nay NHNN đã điều hành giảm lãi suất liên tục và từ ngày 25/5, tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%, tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp giúp các NH hạ lãi suất huy động và từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Với thị trường hiện đang hấp thu vốn rất yếu và kinh tế rất khó khăn như hiện nay thì việc giảm lãi suất điều hành giảm được rất nhiều khó khăn cho khách hàng và cả các NH trong thời gian tới. Về phía NH, tăng trưởng tín dụng của MB từ đầu năm đến nay khoảng 6,5%, chúng tôi kỳ vọng với mặt bằng lãi suất mới thấp hơn chúng tôi sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong các tháng còn lại (dự kiến hết tháng 6 tốc độ tăng trưởng của MB sẽ đạt mức 9%)…”.

(Ông Phạm Như Ánh - TGĐ MB)

“Đối với TPBank, hiện nay mức tăng trưởng tín dụng của chúng tôi ở độ hơn 5%, có thể nói rằng nếu lãi suất thấp hơn, khách hàng dễ tiếp cận vốn hơn. Trong giai đoạn hiện nay, thu nhập của DN đang giảm thấp, chi phí tài chính cao quá cũng là bước cản trở đối với các DN sản xuất cũng như người tiêu dùng. Một khi lãi suất dễ chịu hơn, lúc ấy mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư, SXKD sẽ có thể khả thi hơn, chúng ta có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng…”.

(Ông Nguyễn Hưng - TGĐ TPBank)

Đọc thêm

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…