“Nếu tiếp tục ổn định kinh tế chính trị, giữ lạm phát từ 7-8% thì mức lãi suất vay 15%/năm hoàn toàn có thể ổn định được ít nhất 01 năm. Đã đến lúc cả ngân hàng và DN phải ngồi lại với nhau theo tinh thần thực sự chia sẻ niềm tin là vô cùng quan trọng, chúng ta phấn đấu lấy lại niềm tin”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra thông điệp tại buổi đối thoại cùng 100 DN trên địa bàn Hà Nội sáng qua 20/7.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình |
Mong lãi suất 15% ổn cả năm
Ba chủ đề “nóng” được Ban lãnh đạo NHNN chi nhánh Hà nội, lãnh đạo TP đưa ra bàn thảo và xác định sẽ lắng nghe đến tận cùng đều liên quan tới lãi suất, cơ cấu lại nợ và xử lý tài sản cho DN. Mở đầu, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương thông tin: Tính đến 15/7, toàn bộ 12 ngân hàng CP và 8 Cty tài chính có trụ sở tại Hà Nội và chi nhánh các ngân hàng quốc doanh đã chỉ đạo nghiêm túc thực hiện giảm các khoản vay cũ về tối đa 15%, có ngân hàng tự động chuyển các mức lãi suất cao trên 15% về mức này.
“Đến nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã giảm được 30-50% tổng số các hợp đồng vay lãi suất cũ trên 15%; riêng Vietcombank và BIDV đã giảm 100%. Các ngân hàng khác đang trong quá trình rà soát và cố gắng trong tháng 7 sẽ hoàn tất giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15%.”- bà Sương nhấn mạnh.
Đầu buổi đối thoại, tiếng nói của đại diện một số DN lớn đem lại không khí khá dễ chịu vì hầu hết đều cho hay rất thuận lợi, đã nhận được sự giúp đỡ của ngân hàng, nhiều khoản vay cũ đồng loạt điều chỉnh về “mốc” 15%/năm. Tựu chung, các DN đều “kêu” lãi suất cao đã khiến nhiều DN è cổ lo trả nợ.
Trước thực tế bức xúc này của nhiều DN, Thống đốc Bình thừa nhận chuyện lãi suất cao trong năm ngoái và xin chia sẻ, nhưng lưu ý: “Tôi lên làm Thống đốc vào 3/8/2011, ít ngày sau đã phải tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” để chấn chỉnh lãi suất. Nhưng 8 tháng đầu năm có ai chấn chỉnh đâu, có lúc lãi suất huy động lên 16-18%. Lãi như vậy, cho vay ra phải cao.”
Khi nhiều DN nhỏ và vừa lên tiếng, hội nghị bắt đầu “nóng” dần. Đại diện một DN chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi kiến nghị, chính sách bình ổn giá phải ổn định cùng chính sách tín dụng đừng có “nhảy chồm chồm”.
Ngay sau đó, câu chuyện của nữ Tổng Giám đốc Nguyễn Thu Hà - một DN chuyên về thiết bị máy công nghiệp - thu hút cả nghị trường: “Tôi nói 3 vấn đề liên quan đến tính ổn định của lãi suất, cơ chế cho vay và, niềm tin. Hai hôm nay, khoản vay tại Eximbank của DN tôi đã được hạ lãi suất về 15% nhưng điều tôi quan tâm mức lãi suất này liệu giữ được bao lâu? Nếu ít nhất 1 năm thì tốt quá!” Nhân tiện, chị Hà kể câu chuyện, dù bản thân DN vốn được coi là “khoẻ”, chưa từng trả nợ quá hạn chậm 1 ngày nhưng DN của chị vẫn chật vật khi làm hồ sơ vay tại Vietinbank chi nhánh Hà Nội.
“Tôi có sổ đỏ, phương án vay nợ rõ ràng vì làm thuê cho dự án ODA Nhật, thế mà cứ vài hôm lại nghe nhân viên kế toán báo cáo ngân hàng đề nghị thêm thủ tục này nọ. Chờ đợi gần 1 tháng rưỡi, nói thật cơ hội mua thiết bị giá rẻ của chúng tôi đã qua mất rồi”...
Ngay đến đây, Thống đốc Bình nói luôn: “DN của chị Hà không nợ quá hạn thì chấm điểm thuộc diện A nếu không nói có thể là 3A. Hiện các NH đang cạnh tranh tìm những DN hiếm có như thế này. Nếu không vay được chi nhánh đó, tôi khuyên chị nên chuyển ngay sang chi nhánh khác”.
Ông Bình quay sang đại diện Vietinbank và cho thời hạn 02 ngày để trả lời DN có cho vay hay không. Khi đại diện NH này nói sẽ xem xét ngay, Thống đốc nhấn mạnh, “nếu trả lời được ngay chiều nay càng tốt và được hay không phải giải thích rõ vì sao”!
Lấy lại niềm tin?
Từng 15 năm bôn ba bên trời Âu, hoạt động trong một lĩnh vực có nhiều ưu thế, chị Hà bảo chưa bao giờ thấy niềm tin giữa cộng đồng và ngân hàng lại khó khăn đến thế. “Tôi cũng từng vay MB Bank, sáng nói được, nhưng chiều bảo không được vì hết vốn trung hạn. DN chúng tôi cũng thực sự không dám tin nhau, DN với ngân hàng cũng không tin nhau. Chúng tôi làm trong lĩnh vực mua bán máy móc thiết bị mà nhiều bạn hàng hỏi thuê máy ngày nào tôi cũng phải hỏi xem DN đó thế nào. Rồi hư thực chuyện các ngân hàng trên thị trường cũng làm mất niềm tin với nhau.”
Câu chuyện niềm tin được Thống đốc khá quan tâm, thừa nhận điều này vô cùng quan trọng. Tuy nhiên theo ông Bình, cũng cần phải nói luôn là giữa DN với DN còn chả tin nhau như thế thì làm sao bảo các NH dám tin DN nhất là khi gặp khó này. “Giờ là lúc chúng ta phải lập lại kỷ cương tài chính và phấn đấu lấy lại niềm tin”- Thống đốc Bình nói.
Chính sách tín dụng thắt chặt từ đầu năm tới nay đã khiến hàng loạt các DN gặp khó, thậm chí... chết yểu. Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội - ông Nguyễn Vương, Chủ tịch HĐQT DN Thép Bắc Việt- thông tin, thay vì 800 DN trẻ cuối năm 2011, đến giờ con số này chỉ còn 650. Thống đốc lập tức lên tiếng, “nghe con số DN “chết” tôi biết là DN khó khăn rồi” và hài hước: “Chúng tôi rất chia sẻ, chết trẻ như thế rất đau buồn...”
Ông thừa nhận, “cả NH và DN phải có trách nhiệm với nhau. Việc đưa các khoản vay về 15%/năm không có quy định pháp luật nào nhưng đây là sự đồng thuận của toàn khối ngân hàng trên tinh thần cố gắng tạo tiền đề về kinh tế vỹ mô.” “Giờ đến lúc NH và DN cần ngồi lại với nhau, hết sức chia sẻ trên tinh thần gặp gỡ bàn thảo để cùng gỡ khó.”- ông Bình nói.
Nhân việc nhiều DN ngỏ ý quan tâm đến việc xử lý nợ xấu và thành lập Cty mua bán nợ xấu, Thống đốc NHNN khẳng định bản thân chưa từng công bố hay đưa cho bất cứ ai (người thân, Chính phủ hay bạn bè thân tín - PV) về đề án. “Vậy mà suốt thời gian quá, báo chí, dư luận cứ nói khiến tôi và NHNN có cảm giác như mình đang làm một cái gì xấu. Nhân đây tôi cũng nói thực, chuyện mua bán nợ là việc hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường. Cái anh có thể không dùng được nhưng người khác lại muốn mua. Nếu chúng ta có một cơ chế xử lý những nợ cần xử lý thì vừa tháo gỡ được cho DN, vừa lợi cho nền kinh tế.” |
Khánh Minh