Ngân hàng bất ngờ bị truy thu thuế VAT cách đây chục năm

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLVN) - Liên quan đến việc cơ quan thuế đang yêu cầu các ngân hàng rà soát, kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các khoản thu từ dịch vụ thư tín dụng (L/C) trong vòng gần 10 năm qua (từ 1/1/2011), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng không phù hợp các quy định, gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng.

Ngành ngân hàng phản đối

Ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế có Văn bản 1606/TCT-DNL chỉ đạo các cục thuế địa phương với nội dung: “Từ thời điểm Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 có hiệu lực (từ 1/1/2011) thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán (theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Các TCTD 2010), do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định, nên đề nghị các cục thuế rà soát hướng dẫn các TCTD trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT)…”.

Với hướng dẫn này, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2011.

Điều đáng nói, Luật Thuế GTGT và Công văn hướng dẫn về thuế GTGT trước đây đều không đề cập đến việc thu thuế GTGT cho nghiệp vụ L/C. Đến năm 2010, các ngân hàng đã có cuộc họp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc thu thuế GTGT cho nghiệp vụ L/C, Bộ Tài chính cũng đã khẳng định là nghiệp vụ L/C có cam kết bảo lãnh của ngân hàng không chịu thuế GTGT và đã ban hành Công văn 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010 để hướng dẫn vấn đề này.

Tại cuộc họp với các ngân hàng mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khẳng định: “Quy định của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tại Công văn 1606/TCT-DNL đang mâu thuẫn và không thống nhất với chính nội dung Công văn 11754/BTC-CST của Bộ Tài chính; đồng thời không phù hợp quy định pháp luật ngân hàng, thông lệ quốc tế và bản chất của nghiệp vụ L/C, gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng…”.

Đại diện các ngân hàng tại cuộc họp này cũng phân tích khoản 15 Điều 4 Luật Các TCTD, các ý kiến đều cho rằng dịch vụ thư tín dụng L/C vừa là hình thức cấp tín dụng (trường hợp ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận thư tín dụng...), vừa là hoạt động thanh toán (khi ngân hàng chỉ đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán như thông báo L/C, chuyển nhượng L/C và một số hoạt động dịch vụ khác (không cam kết thanh toán). 

“Công văn 1606/TCT-DNL của Tổng cục Thuế chỉ căn cứ vào khoản 15 Điều 4 Luật Các TCTD quy định về “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản” để kết luận nghiệp vụ thư tín dụng L/C là nghiệp vụ thanh toán, mà không căn cứ các quy định hiện hành khác của Luật Các TCTD (khoản 4 Điều 14 và khoản 3 Điều 98) và các quy định của NHNN là chưa đúng bản chất pháp lý, chưa phù hợp quy định pháp luật!” - bà Nguyễn Thị Xuân - Phó trưởng ban Ban pháp chế VNBA khẳng định.

Kê khai đã khó, nói gì đến truy thu!

Tại cuộc họp, các ngân hàng giữ quan điểm: Nếu thực hiện theo Công văn 1606/TCT-DNL của Tổng cục Thuế thì kể từ ngày 01/01/2011, tất cả các khoản thu liên quan đến nghiệp vụ L/C sẽ phải nộp thuế  GTGT sẽ không đúng với bản chất hoạt động của L/C theo thông lệ/tập quán quốc tế và quy định pháp luật, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của DN, ảnh hưởng đến việc mở rộng phương thức thanh toán tín dụng chứng từ L/C qua ngân hàng và việc cung ứng vốn tín dụng, có nguy cơ tăng rủi ro cho DN khi áp dụng các phương thức thanh toán khác.

Hơn nữa, bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, nên việc “hồi tố”, truy thu thuế GTGT đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với các TCTD và khách hàng DN. Các TCTD sẽ gặp khó khăn rất lớn trong bối cảnh các TCTD đã thực hiện công bố báo cáo tài chính và đã được kiểm toán, quyết toán thuế, chia cổ tức cho cổ đông. Đối với DN, trường hợp phải nộp bổ sung số thuế đã phát sinh từ năm 2011 đến nay, thì TCTD phải liên hệ và thu lại từ khách hàng. Điều này là không thể, nhất là khi trong khoảng thời gian đó nhiều DN đã giải thể...

Đại diện Agribank chia sẻ, Agribank là ngân hàng lớn nhưng nghiệp vụ L/C không  nhiều. Đến giờ này ngân hàng chưa rà soát được lịch sử giao dịch từ năm 2011 trở lại đây. Duy nhất năm 2020 có báo cáo nhưng không theo hướng dẫn của NHNN vì không bóc tách được… “Tại Agribank, thống kê số liệu còn khó chưa nói gì đến việc nộp thuế. Thuế GTGT là gián thu, nộp thay khách hàng, giả sử ngân hàng không thống kê được khách hàng thì ngân hàng phải nộp thay? Nộp như thế nào?...” - Đại diện Ngân hàng này băn khoăn.

Cái khó của VNBA hiện nay được các ngân hàng giao trọng trách làm đơn kêu lên NHNN, lên Bộ Tài chính, Chính phủ, tuy nhiên, thực tế đã có một số ngân hàng nước ngoài, trong đó có cả ngân hàng trong nước đã chấp nhận nộp khoản thuế này dù không “tâm phục, khẩu phục”…

Đại diện cơ quan thuế nói gì?

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) khẳng định, sở dĩ cơ quan thuế (CQT) có văn bản đề nghị các cục thuế phối hợp với các ngân hàng để rà soát vì trong một số năm gần đây, một số CQT, một số TCTD được các cơ quan chức năng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và nêu vấn đề về việc ngân hàng và CQT đã thực hiện đúng quy định về thuế GTGT đối với L/C chưa…

Ông Phụng cũng nói rõ, Công văn của Tổng cục Thuế không nêu vấn đề truy thu thuế GTGT, mà chỉ hướng dẫn các cục thuế đồng hành cùng ngân hàng rà soát lại việc kê khai thuế GTGT lâu nay đang thực hiện như thế nào…

Liên quan đến ý kiến cho rằng việc thu thuế GTGT với trường hợp L/C là “không đúng bản chất, không phù hợp với thông lệ quốc tế”, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định: “Thu thuế là thu theo luật, chứ không phải thu theo đạo lý, chúng ta đều phải tuân thủ!”. Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong gần 200 nước áp dụng thuế GTGT thì 50% nước trong số đó có thu dịch vụ L/C.

Đọc thêm

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…

Tổng cục Thuế chúc mừng các doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam

Cục trưởng Cục Thuế DN lớn Nguyễn Bằng Thắng trao Thư của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chúc mừng đội ngũ DN và Doanh nhân Việt Nam (ảnh:TCT)
(PLVN) - Trong chuỗi sự kiện chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), Tổng cục Thuế đã tổ chức Đoàn công tác đến chúc mừng một số doanh nghiệp lớn tiêu biểu trong chấp hành tốt chính sách pháp luật về thuế, tham gia tích cực vào chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước…

Cơ quan Thuế - Công an phối hợp điều tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử

Cán bộ cơ quan Thuế và cơ quan Công an kiểm tra tang vật của đối tượng vi phạm.
(PLVN) - Thông qua việc hợp chặt chẽ, linh hoạt, trong việc rà soát, phân tích, nghiên cứu hồ sơ ban đầu, Cục Thuế TP Hà Nội và Công an TP Hà Nội đã làm rõ hành vi vi phạm của Công ty NAC trong việc sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm che giấu hàng trăm tỷ doanh thu bán hàng và trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước…

Ngành Thuế tăng cường quản lý, thu hồi tiền thuế nợ

Ngành Thuế tăng cường quản lý, thu hồi tiền thuế nợ
(PLVN) - Tính đến hết tháng 8/2024, công tác thu nợ thuế tăng đến 29% so với cùng kỳ, song Tổng cục Thuế đánh giá, tổng số tiền thuế nợ toàn quốc vẫn ở mức cao. Tổng cục Thuế vừa có Công văn chỉ đạo các Cục Thuế địa phương và Cục Thuế doanh nghiệp lớn tăng cường công tác quản lý, thu hồi tiền nợ thuế.