Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga (trái) ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ 43 cá nhân người Canada này sẽ bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn vào Nga.
Trong số những người bị Nga áp đặt trừng phạt nói trên có các quan chức liên bang và khu vực. Moskva khẳng định Nga “có quyền triển khai các hành động trả đũa nhằm đáp lại những hành động thù địch công khai của Ottawa”.
Ngày 17/5, Canada đã công bố danh sách các quan chức và công dân Nga bị quốc gia Bắc Mỹ này áp đặt trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine. Theo hãng thông tấn Sputnik, Bộ trưởng Bộ An ninh Công cộng Canada, ông Marco Mendicino cho biết nước này đã quyết định cấm nhập cảnh đối với 1.000 công dân Nga trong danh sách trừng phạt, trong đó có cả Tổng thống Vladimir Putin.
Một dự luật đã được trình lên Thượng viện Canada đề xuất cấm nhập cảnh đối với Tổng thống Putin cùng các thành viên chính phủ và chỉ huy quân sự của Nga, cũng như một số người khác liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Theo luật hiện hành, Canada không thể cấm nhập cảnh đối với những cá nhân bị áp đặt trừng phạt nếu không sửa đổi văn bản Luật di trú và bảo vệ người tị nạn (IRPA). Vì vậy, dự luật trên được trình lên nghị viện.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/4 cho biết quyết định áp đặt lệnh trừng phạt đối với 592 công dân Canada nhằm đáp trả những hành động mà Moskva coi là "thù địch" của chính quyền Ottawa. Những cá nhân trong danh sách trừng phạt trên bị cấm nhập cảnh vào Nga vô thời hạn.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moskva buộc phải áp đặt biện pháp trừng phạt này để đáp trả những hành động "thù địch" của giới lãnh đạo Ottawa. Bộ này nhấn mạnh Nga tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp và tôn trọng lẫn nhau với Canada, đồng thời kêu gọi Chính phủ Canada từ bỏ những hành động "bài Nga".
Danh sách được Bộ Ngoại giao Nga công bố trên trang web chính thức của bộ này, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand, Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu, Doanh nghiệp nhỏ và Phát triển Kinh tế của Canada Mary Ng, cùng nhiều quan chức, nghị sỹ, nhà báo và các nhân vật khác.
Toàn cảnh một phiên họp Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong diễn biến liên quan, ngày 27/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cung cấp cho Kiev các hệ thống phòng không và đảm bảo an ninh, cũng như tăng cường trừng phạt Nga.
Theo một quan chức châu Âu giấu tên, trong bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở bang Bavaria (Bayern) của Đức, ông Zelensky đã cũng yêu cầu trợ giúp hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và cung cấp viện trợ tái thiết cho quốc gia thân phương Tây này.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã liên tiếp áp đặt nhiều vòng trừng phạt nhằm vào Moskva, kích hoạt động thái trả đũa từ phía Nga.
Mới đây, Hội đồng châu Âu hôm 20/6 cũng đã quyết định gia hạn đến ngày 23/6/2023 các biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và thành phố Sevastopol. Các biện pháp hạn chế nói trên được áp dụng từ tháng 6/2014, liên tục được gia hạn và kéo dài. Chúng bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ Crimea hoặc Sevastopol và các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc tài chính và dịch vụ du lịch từ Crimea hoặc Sevastopol.
Hơn nữa, việc xuất khẩu một số hàng hóa và công nghệ cho các công ty của Crimea hoặc để sử dụng cho Crimea trong các lĩnh vực vận tải, viễn thông và năng lượng hoặc để tìm kiếm, thăm dò và sản xuất dầu mỏ, khí đốt và tài nguyên khoáng sản cũng phải chịu các hạn chế của EU. Đáp lại, nhiều năm qua, Nga cũng cấm nhập khẩu thực phẩm, nông sản từ các nước EU.