Thưa ông, nói về thế mạnh của Bình Định, ông sẽ nói điều gì?
- Bình Định là một tỉnh đa dạng về các mặt, kể cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch… Tuy nhiên, tiềm năng có thể khai thác tốt là phát triển dịch vụ du lịch. Về dịch vụ, Bình Định có cảng biển Quy Nhơn, đây là cảng đứng thứ ba cả nước, hậu phương của cả vùng Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia, Nam Lào, Thái Lan, có thể thành dịch vụ logistics. Về du lịch, Bình Định có đầy đủ các tiềm năng, kể cả về du lịch biển đảo, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái và đặc biệt là du lịch hội thảo khoa học, là điểm đến của các nhà khoa học.
Nói đến Bình Định cũng không thể không đề cập đến kinh tế biển. Trong những năm qua, kinh tế biển của Bình Định phát triển rất mạnh, từ đánh bắt ngoài khơi đến nuôi trồng trên bờ, khai thác các ngành dịch vụ công nghiệp. Hiện tỉnh đang quy hoạch các khu công nghiệp ven biển mà nổi bật nhất là Khu kinh tế Nhơn Hội khoảng 12.000ha nằm ở bán đảo Phương Mai. Hiện chúng tôi đang đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng, tới đây tiếp tục thu hút các nhà đầu tư (NĐT). Hiện đang có một số NĐT lớn như Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Minh Dương, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Becamex Bình Dương…
Một thế mạnh nữa của Bình Định là nông nghiệp. Chúng tôi đang hướng đến phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Hiện chúng tôi đã thu hút một số nhà đầu tư (NĐT) lớn như Tập đoàn Việt Úc là tập đoàn hàng đầu về nuôi tôm công nghệ cao, Tập đoàn Hùng Vương sản xuất heo giống chất lượng cao theo tiêu chuẩn châu Âu, một số tập đoàn lớn đang đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi cung cấp cho các cơ sở trang trại chăn nuôi của Bình Định, một số NĐT đang đầu tư vào giống công nghệ cao từ giống lúa, cây lâm nghiệp, ăn quả..
Có thể nói Bình Định đang phát triển tốt ở 3 lĩnh vực nhưng thế mạnh nhất hiện nay của Bình Định chúng tôi đang cố gắng đẩy mạnh dịch vụ du lịch, phát triển tương xứng với tiềm năng, giải quyết công ăn việc làm cho người dân…
Tháng 3 vừa rồi, Bình Định có tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, du lịch. Kết quả như thế nào, thưa ông?
- Rất tốt. Chúng tôi đã tiếp cận và thu hút nhiều NĐT. 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã thu hút khoảng 15 dự án với tổng vốn gần 5.200 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án lớn đầu tư vào du lịch. Ngoài Tập đoàn FLC với rất nhiều dự án đã và đang triển khai chúng tôi cũng đang xúc tiến giải quyết mặt bằng cho một loạt dự án lớn, mới đây nhất là Tập đoàn Hoa Sen đang đầu tư lĩnh vực du lịch dịch vụ với một tổ hơp 49 tầng (cao nhất miền Trung) với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng…
Có thể nói sau Hội nghị xúc tiến đầu tư, du lịch vừa rồi, có làn sóng rất nhiều NĐT đến Bình Định. Gần như ngày nào chúng tôi cũng tiếp NĐT. Chúng tôi đang cân nhắc lựa chọn những NĐT thực sự có năng lực, thực sự có tâm huyết, đầu tư bài bản vào Bình Định…
Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định |
Nhưng xem ra trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Định vẫn chưa có nhiều dự án lớn?
- Hiện nay chúng tôi đang có 59 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD, tập trung ở nhiều lĩnh vực, kể cả chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi… Đúng là không mạnh như một số địa phương khác do Bình Định ở xa, điều kiện hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Tới đây chúng tôi sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, kể cả nâng cấp sân bay, nâng cấp rộng cảng biển, đầu tư các đường kết nối. Hiện QL1A đã nâng cấp, QL1D đang làm, mở rộng từ 12m lên 40m giải quyết đường vào cửa ngõ TP Quy Nhơn, QL19 từ cảng Quy Nhơn ra QL1A lên tới Gia Lai đang được nâng cấp đầu tư… Hy vọng khi hạ tầng hoàn chỉnh Bình Định sẽ thu hút được nhiều dự án FDI hơn…
Là tỉnh đi sau các địa phương khác trong thu hút đầu tư, liệu đây có phải là lợi thế của Bình Định không, thưa ông?
- Có thể nói may mắn của Bình Định là tỉnh đi sau các tỉnh đang làm khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Phú Quốc… Chúng tôi học hỏi nhiều cả cái thành công và chưa thành công để đúc kết phát triển du lịch sao cho hài hòa, giữ được môi trường tự nhiên. Những dự án nào vào đây phải độc đáo, chúng tôi không vì chạy theo lợi nhuận mà phá vỡ môi trường. Cho nên trong các dự án chúng tôi cân nhắc rất kỹ, lấy lợi ích của dân làm chính, nếu dân không đồng thuận, chúng tôi cũng không chấp nhận. Có thể trước mắt thu được khoản tiền nhưng 5 - 10 năm nữa sẽ phải gánh hậu quả…
Được biết, tại Hội nghị toàn cầu về Vật lý trong tháng 7 này có sự tham dự của 8 giáo sư đoạt giải Nobel, như Chủ tịch BIDV ông Trần Bắc Hà có nói, mời được 1 nhà khoa học đoạt giải Nobel đã khó, nhưng có đến 8 nhà khoa học đoạt giải Nobel đồng ý tham gia sự kiện này. Bình Định có bí quyết gì để thu hút các nhà khoa học hàng đầu thế giới về Bình Định?
- Phải nói đó là thành công lớn của Bình Định trong việc kéo được dự án Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) của GS Trần Thanh Vân về Quy Nhơn, Bình Định, tạo điểm đến của các nhà khoa học, tạo sự khác biệt so với các địa phương khác, kể cả Khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi rút ra bài học là khi tiếp xúc với NĐT phải hết sức chân tình, khi thấy dự án khả thi phải mọi cách tạo điều kiện tối đa cho NĐT, phải tâm huyết nhiệt tình, vận dụng mọi cơ chế chính sách để níu giữ NĐT.
Giáo sư Trần Thanh Vân không phải là người Bình Định, ông là người Quảng Bình, ông cũng đi khắp nơi, từ Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận..., nhưng ông đã lựa chọn Bình Định vì như người ta nói, đây là “đất lành chim đậu”. Chúng tôi xem Dự án ICISE là việc của tỉnh chứ không phải của NĐT. Mặc dù Hội gặp gỡ Việt Nam đứng ra tổ chức các hội nghị đó nhưng tỉnh gần như vào cuộc, lo chuyện ăn ở, đi lại, đưa khách đi tham quan… Chúng tôi quan niệm khách đến Bình Định là vinh dự rồi, chúng tôi phải có trách nhiệm…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng các địa phương trải thảm đỏ đón các NĐT, nhưng vào rồi mới biết dưới thảm có “đinh”. Bình Định làm thế nào để dưới thảm không có “đinh”?
- Quan điểm dứt khoát và xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh là tạo mọi điều kiện tối đa và hỗ trợ hết mình cho các NĐT. Quan điểm đó đã được các NĐT đánh giá, vừa rồi Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đánh giá là riêng với Bình Định không có chuyện trên rải thảm dưới rải “đinh”.
Tất cả bộ máy từ trên xuống dưới là một khối thống nhất để thu hút đầu tư, coi việc thu đầu tư là việc của mỗi cấp mọi ngành mỗi cán bộ nhân viên để tạo ra sự phát triển cho quê hương. Nhờ đó chúng tôi giải quyết công việc rất trôi chảy, không có phiền hà cho NĐT nhất là NĐT thực sự có năng lực đầu tư vào Bình Định. Tôi có cơ chế cho các NĐT mà tỉnh đã thu hút có thể gọi điện cho Chủ tịch tỉnh bất cứ lúc nào, để trong quá trình triển khai có gì vướng mắc tập trung giải quyết… Như FLC chúng tôi chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 2 ngày…
Trong lịch sử xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bình Định có 1 lần xếp thứ 4 (năm 2012) nhưng sau đó đuối dần và năm 2015 vừa rồi Bình Định xếp thứ 20. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Tôi nghĩ việc này do đánh giá của các DN nhưng cái quan trọng nhất là kết quả Bình Định đã thu hút được. Thực tế những năm xếp hạng cao chúng tôi chẳng thu hút được bao nhiêu trong khi những năm chúng tôi thu hút được nhiều dự án thì xếp hạng thấp. Tôi nghĩ VCCI cần xem xét lại cách đánh giá. Phát phiếu đánh giá không phù hợp nhiều khi kết quả không chính xác. Chẳng hạn thời điểm Bình Định xếp thứ hạng rất cao nhưng chẳng thu hút được dự án nào cả, vậy thì xếp hạng cao để làm gì?
Có những năm chúng tôi ký chứng nhận đầu tư rất nhiều, ký rất nhanh, thông thoáng, nhưng người ta chiếm đất song không làm, gần như không triển khai được dự án nào. Hay những trường DN xin khai thác titan, khai thác đá, xin thuê kho chứa mỳ, chứa bắp trong nội thành ảnh hưởng đến môi trường, chúng tôi không cho thì bảo gây khó khăn, cho thì trả giá, ảnh hưởng đến môi trường… Theo tôi, cách xếp hạng cũng cần xem xét lại.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng nói lại, bên cạnh đó chúng tôi cũng còn hạn chế, cần phải hoàn thiện hơn nữa. Nhất là việc công khai, minh bạch cũng như giải quyết thủ tục, có nơi, có lúc vẫn còn cán bộ phiền hà, sách nhiều… Chúng tôi cố gắng làm sao nâng cao chỉ số PCI, nhưng quan điểm của chúng tôi là làm sao mang lại hiệu quả cho dân, giải quyết công ăn việc làm, thu hút nhiều dự án, năm sau nhiều hơn năm trước…
Vừa rồi Chính phủ có ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh 2016-2017 và Nghị quyết 35-2016/ NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN, Bình Định đã triển khai 2 nghị quyết này như thế nào, thưa ông?
- Đối với Bình Định, chúng tôi xác định việc tạo điều kiện cho DN phát triển là ưu tiên hàng đầu. Trong thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, chúng tôi luôn xác định, đề ra các cơ chế, chính sách, các giải pháp tốt nhất để DN phát triển, chúng tôi đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, hiện đang rà soát các cơ chế chính sách, xây dựng các chương trình hành động, trong đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, làm sao cho thông thoáng, tạo điều kiên cho các NĐT đầu tư vào Bình Định cũng như an tâm làm ăn lâu dài tại Bình Định. Chúng tôi quan điểm, nếu DN không phát triển đó là trách nhiệm của lãnh đạo của tỉnh, được dân bầu lên mà kinh tế tỉnh nhà không phát triển thì đó là trách nhiệm của chúng tôi...
Xin trân trọng cám ơn ông!
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu