Mặc dù vẫn duy trì tốc độ tăng trường kinh tế cao ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song chất lượng tăng trưởng của Việt Nam đang được cho là “có vấn đề”.
Rộng mà không sâu
“Trong suốt thời gian vừa qua, mô hình tăng trưởng kinh tế (KT) của Việt Nam (VN) mới chỉ tập trung vào chiều rộng, tăng trưởng nhờ tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và sức lao động chứ chưa tập trung vào tăng trưởng chiều sâu”.- GS.TS Nguyễn Văn Nam – Hiệu trưởng Trường ĐH KT Quốc dân nhận định.
Mô hình tăng trưởng này tuy đã mang lại những tác động tích cực và những thành tựu về xóa đói giảm nghèo. Nhưng việc chậm thay đổi mô hình tăng trưởng đã mang lại những hệ lụy tiêu cực, chất lượng tăng trưởng thấp kém và bất cập trong bảo đảm các yêu cầu phát triển bền vững. Đặc biệt, môi trường ô nhiễm, tài nguyên đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt…Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ riêng thiệt hại môi trường do các hoạt động KT gây ra chiếm khoảng 5,5% GDP hàng năm.
Nguy hiểm hơn, theo GS.TS.Nguyễn Kế Tuấn (Trường ĐH KT quốc dân), sau thời gian dài tăng trưởng cao, “cơn say” tăng trưởng vô hình chung đã thúc đẩy VN theo đuổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng hơn là chiếu sâu.
Phân tích chất lượng và hiệu quả nền KT trên các góc độ: năng suất lao động, hiệu quả đầu tư qua hệ số ICOR và năng suất nhân tố tổng hợp TFP và năng lực cạnh tranh, TS. Bùi Trường Giang (Viện KT VN) cho rằng tốc độ tăng trưởng KT và hiệu quả KT cũng đang giảm dần. Cụ thể: hệ số ICOR và TFP trung bình trong 5 năm 2006-2010 giảm đi so với 5 năm 2001-2005; năng suất lao động tuy có tăng nhưng đang có xu hướng tăng chậm hơn tốc độ tăng GDP; tỷ lệ giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất còn thấp, tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều tốc độ tăng giá trị sản xuất (GO).
Điều này được lý giải bởi chi phí trung gian trong thời gian qua đều tăng cao trong hầu hết tất cả các ngành của nền KT và mô hình tăng trưởng của VN chủ yếu dựa vào gia công. Bên cạnh đó, tiêu hao năng lượng, nhiên liệu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp rất cao...
Tháo "nút thắt" tư duy kinh tế
Những vấn đề này đã được nhắc đến từ lâu nhưng tại sao đến nay vẫn mang tính thời sự ?” - GS.TS Nguyễn Quang Thái đặt vấn đề.
Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho rằng “điểm nghẽn lớn nhất là tư duy tăng trưởng” và dường như VN vẫn chưa có sự phân vai tốt giữa nhà nước với thị trường, vẫn chỉ nhìn thấy cái hay ít nhìn thấy cái dở và vẫn tự huyễn hoặc mình trước các thành tựu đã có… “Để giải quyết bài toán chất lượng tăng trưởng KT, VN cần tháo được các “nút thắt” về tư duy KT. Phải đặt nền KT trong môi trường cạnh tranh kể cả đối với các DNNN..”, ông Tuyển lưu ý.
“Mổ xẻ” những khiến khuyết của nền KT hiện nay, các ý kiến đều đồng tình cho rằng hòan toàn không chỉ vì chúng ta đã tăng trưởng quá nhanh hay quá nóng hoặc điều kiện khách quan quá bất lợi.
Phần lớn những khiếm khuyết ấy đều bắt nguồn từ những yếu tố nội tại của nền KT, của một loạt những yếu kém cần phải được khắc phục. Có những yếu kém chúng ta có thể khắc phục được ngay, có những điều cần phải có một thời gian dài. Sự minh bạch trong quản lý nhà nước, trong chính sách KT và đặc biệt là trong quản lý khu vực KT nhà nước với các DNNN và chi tiêu, đầu tư công có lẽ là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Linh Lan