Câu chuyện xuất phát từ thực tế nhiều nông sản Việt Nam đã và đang được giá trên thị trường quốc tế nhưng dư địa với nông sản ở vùng đất Tây Nguyên chưa được phát huy, dư nợ huy động/cho vay khu vực này vẫn còn thấp.
Vấn đề đặt ra ở cả phía đi vay và cho vay. Do huy động vốn trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn, các tổ chức tín dụng phải nhận điều chuyển vốn từ hội sở để phục vụ địa bàn. Về mặt nghiệp vụ truyền thống, ngân hàng “đi vay” để “cho vay”; nên phải bảo đảm rằng, tiền cho vay có lãi và an toàn vốn. Câu chuyện tín dụng như trên phản ánh rằng, giai đoạn phục hồi kinh tế vẫn đang gặp một số khó khăn.
Hệ thống ngân hàng vừa phải bảo đảm cân đối vĩ mô, vừa phải đáp ứng nhu cầu vốn vay của từng lĩnh vực, ngành hàng, DN. Do vậy, các tổ chức tín dụng gặp khó trong quyết định cho vay, do không hạ được chuẩn tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống.
Hoạt động ngân hàng không khác gì “hàn thử biểu” của nền kinh tế; hay nói cách khác hoạt động của lĩnh vực này phản ánh một phần tình hình sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước.
Do thực tế này nên ngày 21/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 990/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ có một số văn bản chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, thể hiện qua con số đến ngày 11/10/2023 mới đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2022.
Với tầm nhìn mang tính dự báo, ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ đã có Nghị quyết 01/NQ-CP và nhiều văn bản khác về việc phải bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng... Tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Với Công điện 990/CĐ-TTg, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho thấy những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tín dụng nhất định sẽ sớm được tháo gỡ.