Mặc dù Nghị định 61/2009/NĐ-CP có quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng thực tế gặp rất nhiều vướng mắc do các cơ quan này viện dẫn luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, một số cơ quan nhà nước có cách hiểu quá máy móc về luật chuyên ngành mà không quan tâm đến chức năng, nhiệm vụ của TPL, dẫn đến trường hợp từ chối cung cấp thông tin.
Theo chia sẻ của TPL Chu Xuân Bình (Văn phòng TPL quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), các ngân hàng và tổ chức tín dụng luôn bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình theo quy chế của ngành nên thường từ chối cung cấp thông tin cho TPL. Thậm chí có những trường hợp, nhân viên ngân hàng, tín dụng hướng dẫn cho khách hàng là người phải THA chuyển hoặc rút hết tiền trong tài khoản, gây khó khăn trong việc xác minh tiền trong tài khoản của người phải THA. Ngoài ra, khi xác minh điều kiện THA đối với tài sản là bất động sản thì cơ quan THADS còn gặp khó khăn khi yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cung cấp tài liệu, hồ sơ, huống chi là TPL.
Còn Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình (Hà Nội) Nguyễn Văn Lạng nêu lên thực tế không ít lần TPL bị các cơ quan, đặc biệt là một số UBND, Công an cấp xã, phường, từ chối, không cung cấp yêu thông tin hoặc chần chừ, kéo dài thời gian thực hiện yêu cầu của TPL trong việc phối hợp THA. Việc này, một mặt các Văn phòng, các TPL phải tự mình hoàn thiện, khẳng định tính ưu việt và hiệu quả dịch vụ của mình; mặt khác Ban Chỉ đạo thực hiện Chế định TPL thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, nhiều hình thức tới nhiều tầng lớp về chế định này để TPL thực hiện công việc được thuận lợi hơn.
Theo quy định hiện hành, nếu cưỡng chế THA cần huy động lực lượng thì Văn phòng TPL phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng ban Chỉ đạo THA cấp huyện nơi đặt văn phòng. Từ đó, TPL lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục THADS kèm theo hồ sơ THA để được phê duyệt kế hoạch và ra quyết định cưỡng chế. Đây là quy trình chặt chẽ, góp phần đảm bảo sự thành công cũng như hạn chế tối đa các phát sinh không đáng có trong quá trình cưỡng chế.
Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng cho biết, lượng việc THA mà Văn phòng nhận được còn rất ít, hầu hết lại là các việc khó khăn, phức tạp, phải tiến hành cưỡng chế song Văn phòng hạn chế tối đa việc phải huy động lực lượng để tiết kiệm thời gian. Văn phòng hiện đang thi hành 4 vụ, đã thu được 12,5 tỷ đồng trả cho người được THA và còn phải thu gần 50 tỷ đồng.
“Có thể coi cưỡng chế là biện pháp hữu hiệu nhất trong tổ chức THA nên nếu không giao quyền cưỡng chế cho TPL nữa thì người dân dễ mất niềm tin và nghi ngờ khả năng thành công của TPL trong tổ chức THA. Do đó, họ sẽ hạn chế sử dụng dịch vụ này khiến tiềm năng của TPL ngày càng không được khai thác triệt để”, ông Lạng chia sẻ thêm.
Lý giải nguyên nhân Văn phòng chưa tổ chức thi hành được vụ việc nào, Phó Trưởng Văn phòng TPL Thủ Đô Nguyễn Quế Lợi cho rằng là do Luật về TPL chưa được xây dựng, ban hành nên người dân không biết TPL được thi hành bản án dân sự. Cùng với đó, TAND cũng chưa có hướng dẫn để thẩm phán sau khi xét xử có thể thông báo cho đương sự nội dung ngoài cơ quan THA được ghi trong quyết định của bản án, người dân có thể lựa chọn dịch vụ TPL để thi hành bản án đối với những địa phương có Văn phòng TPL.
Có thể nói, công tác xác minh điều kiện và tổ chức THA của TPL liên quan đến nhiều ngành khác nhau như Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, cơ quan THADS, ngân hàng, trung tâm đăng ký quyền sử dụng đất… Vì vậy, để TPL hoạt động hiệu quả hơn nữa, cần tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, phải có sự đồng bộ của các luật khác và quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan. Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Văn phòng TPL và các cơ quan THADS trong việc phối hợp tổ chức THA, sử dụng kết quả xác minh điều kiện THA do TPL cung cấp cũng như xây dựng cơ chế phối hợp với các ngành hữu quan để các bên cùng thực hiện tốt chức năng của mình.