Nam sinh mồ côi vác gỗ thuê kiếm tiền đi học

Cha mất sớm, mẹ hai lần vào tù, Quyền Anh và đứa em trai bại não sống cùng ông bà ngoại. Phải lao động sớm để phụ ông bà, năm nay em vừa vào đại học.

Sáng sớm, Cao Quyền Anh, 18 tuổi, tỉnh dậy khi nắng trùm lên căn phòng trọ không cửa sổ ở phường Tân Quy, quận 7. Mới vào Sài Gòn nhập học, tân sinh viên ngành Kỹ thuật điện, Đại học Tôn Đức Thắng chưa quen với không khí ở đây. Bật bếp gas mini hâm lại nồi thịt kho mặn, vét ít cơm nguội, cậu ăn vội bữa sáng trước khi đến trường.

Với Quyền Anh, đó là một bữa sáng "thịnh soạn". Trong lúc này ở quê, đứa em trai kém cậu 3 tuổi bị bại não và mẹ đang phải đi ở nhờ hàng xóm do căn nhà bị bão thổi bay mất mái.

Hiện tại, Quyền Anh đang ở trọ tại quận 7. Ảnh: Diệp Phan.

Quyền Anh chia sẻ, em không đam mê ngành kỹ thuật điện đang theo học, nhưng em nghĩ học ngành này ra trường dễ xin việc và học phí cũng ít hơn các trường kinh tế. Ảnh: Diệp Phan.

Quyền Anh quê ở thôn Hóc Kè, xã Ba Động, huyện Ba Tơ, Quãng Ngãi. Năm 2005, cha cậu bị phát hiện mắc bệnh ung thư bàng quang. Không nghề nghiệp ổn định, không có ruộng đất, nên để có tiền chạy chữa cho chồng, người mẹ nhắm mắt làm việc phi pháp. Năm Quyền Anh học lớp 3, mẹ bị bắt, lĩnh án hơn 5 năm tù. Không còn tiền chữa chạy, lại sống ở quê vợ, nên khi cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa người cha đưa hai con về quê nội.

Ở Thanh Hóa, ba cha con Quyền Anh sống nhờ nhà người ông đã ngoài 70 tuổi, thu nhập chính chỉ dựa vào vài sào ruộng, luống rau và đàn gà trong nhà. Những tháng mưa bão, bữa cơm của cả nhà chỉ có khoai sắn trộn lẫn với ít gạo nấu lên ăn độn.

Những tháng cuối đời, cha Quyền Anh không thể đi lại cũng không thể nằm. Người bác đặt ba em ngồi trên xe lăn, kê tấm ván cao trước mặt để những lúc buồn ngủ thì gục đầu vào. Một bữa, Quyền Anh vẫn nói chuyện độc thoại với cha, bên cạnh là cậu em lên 5 cười ngô nghê. "Thấy cha gục đầu xuống bàn buông muỗng cơm, em nghĩ cha mệt nên ngủ. Đến lúc ông nội vào, trào nước mắt, tự dưng em khóc theo, em biết ba chết rồi", Quyền Anh hồi tưởng.

Cuối năm lớp 6, người mẹ được giảm án, ra tù sớm hai năm nên đón hai anh em về lại Quãng Ngãi sống trong ngôi nhà cũ. Số nợ từ hồi chồng bệnh vẫn chưa trả hết cộng thêm số tiền vừa vay đầu tư làm ăn cứ đẻ lãi mỗi ngày. Người mẹ trẻ không biết bám vào đâu đành quay lại con đường cũ. Chưa đầy một năm sau, bà bị bắt lần thứ hai. "Lần đầu mẹ đi em không giận, nhưng lần thứ hai thì em sốc nặng, bị bạn bè trêu chọc, em từng bỏ học hai tuần, thậm chí có lần từng nghĩ đến chuyện quyên sinh, may mà có đứa em ngô nghê kéo lại", Quyền Anh kể.

Dù còn nhỏ nhưng cậu bé Anh lúc đó nghĩ, cách duy nhất để không khổ như ba mẹ, là phải học giỏi. Mất cha, vắng mẹ, hai anh em về ở nhà ông bà ngoại. Để có tiền mua sách vở, quần áo đi học và phụ tiền ăn uống, Quyền Anh phải lao động sớm.

Hàng ngày, cậu bé dậy từ 4h sáng, cho heo ăn, đi cắt cỏ bò, ăn làm hết việc nhà rồi mới đến trường. Đến mùa lúa, em ra đồng phụ gom lúa mang đi gặt đập. Xong việc nhà mình, cậu bé nhỏ thó, gầy rộc lại đi làm mướn. Vùng Ba Tơ vốn có nghề trồng cây keo để làm giấy nên quanh năm có việc làm. Hễ rảnh, em lại lên rừng xin vác keo.

Những khúc gỗ keo dài gần 3 mét, đã lột lớp vỏ ngoài nên trơn tuột. Quyền Anh nhấc thử một đầu nếu nâng lên được quá vai mới chắc có thể vác được. Cậu bé khom người, đưa khúc keo lên vai chỉnh ngay ngắn rồi vác từ điểm tập kết ra xe. Ngày làm đầu tiên trở về, vai phải Quyền Anh đau nhức đến tận mang tai. Hơn một tuần thử làm công việc mới, em sút hơn 3 kg.

Nghỉ hè, Quyền Anh xin đi phụ hồ. Chẳng thể làm việc nặng, em được giao nhiệm vụ dùng giấy nhám chà tường để thợ sơn lên. Trên tầng cao của bộ giàn giáo, cậu bé lọt thỏm trong bộ quần áo lao động ướt nhẹp vì phải tẩm nước để đỡ bụi. Mỗi ngày công như thế, thường cậu bé được trả 150 nghìn. Làm hết những tháng hè, em nhận được 5 triệu tiền công rồi về đưa hết cho ông bà ngoại.

Những năm học cấp ba, Quyền Anh chưa từng được học bài vào ban ngày vì ngoài giờ trên lớp em còn phải bận làm việc. Mỗi ngày, em chỉ có khoảng hai tiếng học vào ban đêm, rồi tranh thủ ngủ sớm để lấy sức cho ngày mai.

Dù cực nhưng ba năm liền, cậu bé đều có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi toán của trường.

Dù đạt thành tích tốt nhưng Quyền Anh không lấy đó là niềm tự hào. "Có lẽ, việc học chỉ là thứ giúp em có thêm niềm tin để sống tiếp", cậu tâm sự. Tuy chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ học nhưng với điều kiện kinh tế của mình, cậu biết giấc mơ học đại học quá xa vời.

Cô Phùng Thị Mỹ Lệ, giáo viên chủ nhiệm của Quyền Anh chia sẻ: "Những ngày đầu gặp em ở lớp, tôi thấy em trầm lắng, ít nói chuyện với bạn bè. Lên lớp thì luôn thấy em mệt mỏi, phờ phạc. Gặng hỏi mãi mới biết em phải lao động rất nhiều. Vài lần đến nhà thăm em thì thấy ý ông bà không muốn cháu học học lên nữa. Tôi thấy em học tốt nên thường xin học bổng cho em, khuyên em cứ thi đại học".

Quyền Anh học giỏi nhất là môn Toán. Em thường được các thầy cô trong trường tạo điều kiện để đến lớp học thêm, tuy nhiên vì phải lao động nhiều nên không được học, ôn tập đầy đủ trước kỳ thi đại học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quyền Anh học giỏi nhất là môn Toán. Em thường được các thầy cô trong trường tạo điều kiện để đến lớp học thêm, tuy nhiên vì phải lao động nhiều nên không được học, ôn tập đầy đủ trước kỳ thi đại học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Điều khiến cậu bé mủi lòng nhất là kết thúc những kỳ thi quan trọng, nhiều bạn học có cha mẹ đến đón. Thấy họ hỏi thăm con cái, chàng trai nhớ cha, nhớ mẹ bởi suốt 5 năm mẹ ở tù lần hai, em chỉ được một lần vào trại thăm mẹ. "Dù mẹ không sống với em trong một khoảng thời gian dài nhưng những năm qua em luôn cần có mẹ, mong mẹ về", Quyền Anh trải lòng.

Mười ngày trước kỳ thi tốt nghiệp, mẹ Quyền Anh được ra trại cũng là ngày họp phụ huynh cuối cấp ở trường. Thay vì để ông ngoại đi họp, Quyền Anh đưa giấy báo cho mẹ. Nguyện vọng của cậu là để mẹ đi họp và biết mình đã học hành như thế nào trong những năm qua.

Cô Nguyễn Thị Thương, 39 tuổi, mẹ Quyền Anh chia sẻ: "Tôi biết con ước mơ được làm công an nhưng vì lý lịch của tôi nên con không thể thi vào ngành đó. Tôi biết con cũng ước được làm bác sĩ nhưng không có điều kiện học, vì đến cả sách giáo khoa con còn phải đi xin sách cũ. Nguyện vọng lớn nhất và cũng là điều duy nhất tôi có thể làm cho con đó là đời tôi bây giờ là nuôi con học hết đại học".

Tháng đầu nhập học, mẹ em phải vay tiền những người bạn cũ đóng học phí cho con. Hiện tại, mẹ em đang đi làm phụ quán ăn, phụ đám cưới. Ở Sài Gòn, Quyền Anh vẫn đang tìm người ở ghép để bớt chi phí và tìm đến vài quán ăn gần chỗ trọ xin việc làm thêm.

Diệp Phan

Đọc thêm

Điều chỉnh “xét tuyển đại học sớm” để bảo đảm công bằng cho tất cả các thí sinh

Việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và quy định điểm chuẩn trúng tuyển cần bảo đảm được sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển. (Ảnh minh họa: Ngọc Hương)

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, việc có quy định chặt chẽ hơn nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12 cũng là hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh (TS) ứng tuyển. Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT mà bỏ qua học kỳ II của lớp 12 sẽ khiến cho nhiều em chủ quan và không tập trung học tốt đều các môn.

Góp ý cho Kỳ tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2025: Nên loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào

Tuyển sinh năm 2025 có nhiều thay đổi theo CTGDPT 2018. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về giải pháp bảo đảm tính đồng bộ giữa nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018), việc triển khai thực hiện chương trình, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH từ năm 2025.

Nâng cao hiểu biết pháp luật trong học sinh, sinh viên

Việc một bộ phận học sinh, sinh viên thiếu hiểu biết về pháp luật là một thực trạng đáng báo động. (Ảnh: BD)
(PLVN) - Thời đại công nghệ phát triển, giới trẻ có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin nhưng cũng đối mặt với những hệ lụy, nhất là khi không được trang bị nền tảng kiến thức pháp luật. Một số bạn trẻ hiện nay “vô tư” thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật gây ra hậu quả nghiêm trọng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật.

Ngăn ngừa thuốc lá mới xâm nhập học đường

Ảnh minh họa: Sở GD&ĐT Hà Nội
(PLVN) - Trước tình trạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh ở giới trẻ, nhiều trường học tại các tỉnh/thành đã tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao ý thức cho học sinh về tác hại của thuốc lá mới, góp phần đẩy lùi mối lo này ra khỏi trường học.

20 năm kiến tạo tri thức của Trường Đại học Thành Đô

20 năm kiến tạo tri thức của Trường Đại học Thành Đô
(PLVN) -  Ngày 30/11/2024 đánh dấu cột mốc vàng son trong lịch sử của Trường Đại học Thành Đô – hai thập kỷ nỗ lực không ngừng để kiến tạo một môi trường giáo dục chuẩn mực, kiên định với sứ mệnh kiến tạo không gian tích hợp WILL, gắn kết hài hòa giữa học tập, nghiên cứu, giảng dạy, thực hành, hướng nghiệp và trải nghiệm cuộc sống. Lễ kỷ niệm có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm và cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp đối tác, bệnh viện, nhà trường, báo chí…

Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.
(PLVN) - Sáng ngày 30/11/2024, tại Trường Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam – Kinh nghiệm và thực tiễn”. Đây là sự kiện do Nhóm đề tài cấp Bộ tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, lao động và môi trường.

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2025: Tăng trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh

Thay đổi dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025, bảo đảm công bằng cho thí sinh. (Ảnh minh họa: ĐHQGHN)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học 2025. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất, các điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất.

Bộ Công an thông tin về đề thi đánh giá năm 2025

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bộ Công an cho biết, trong năm 2025, đơn vị sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong ngành bám sát chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện theo đúng các quy định trong tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.