Người bệnh là học sinh lớp 9, chuẩn bị tốt nghiệp Trung học cơ sở, thân hình cao to, khỏe, thích chơi thể thao bị một chú chó con cắn. Sau 2 ngày cắn bệnh nhi này, chú chó chết.
Một tháng sau, khi chơi bóng đá xong, cháu bé thấy rất mệt, đau nhiều ở chân bị chó cắn và có biểu hiện sợ gió, uống nước thì bị co thắt vùng hầu họng.
Người nhà đưa cháu vào viện, bác sĩ khuyên nên đưa về nhà vì vô phương cứu chữa. Khi về nhà, bệnh nhi đã tử vong sau đó vài giờ.
Các bác sĩ cho biết, hiện nay trên thế giới chưa có bệnh viện nào có thể điều trị được căn bệnh này. Từ cuối năm 2021 đến nay, đây là ca thứ tư bị chó dại cắn ở địa phương này, tất cả đều không qua khỏi.
Trường hợp trên cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai yêu thích động vật, muốn nuôi chó, mèo phải tiêm phòng đầy đủ cho chúng. Đồng thời mọi người dân chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh Dại do Bộ Y tế ban hành, đặc biệt chú ý đối với trẻ nhỏ.
Bệnh dại do virus dại thuộc Họ Rhabdoviridae, chi Lyssavirus, kích thước 75 x 180 nm. Vật liệu di truyền là ARN, vỏ ngoài là lipid. Virus dại kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi nhiệt độ; dễ bị phá hủy bởi các chất hòa tan lipid (xà phòng, ether, chloroform, acetone); rất nhạy cảm với tia cực tím và bị bất hoạt nhanh chóng trong dung dịch cồn, cồn iốt.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại cũng đã được báo cáo. Hiếm gặp hơn như lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa virus dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm.
Thời gian ủ bệnh ở người: Khoảng từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm. Đôi khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Ở người, các triệu chứng đầu tiên của bệnh là không cụ thể và giống như nhiễm virus khác, chúng bao gồm: Đau ở chỗ vết cắn; Ngứa hoặc tê bì chỗ vết cắn; Có thể sốt; Đau đầu, đau cơ, đau họng; Kém ăn, buồn nôn và nôn; Phiền muộn;...
Các triệu chứng thần kinh sẽ xuất hiện khi virus bắt đầu nhân lên trong tủy sống hay não. Những triệu chứng này bao gồm: Lo ngại, sợ hãi; Nhầm lẫn, lú lẫn; Tăng tiết nước bọt quá mức; Ảo giác; Tăng mức độ cao của sự phấn khích; Mất ngủ; Tê liệt chân thấp; Nuốt khó, đau họng và co thắt âm nói khó; Sợ nước, sợ gió; Bồn chồn hoặc trầm cảm;...