Theo đó, các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn không nên nói to, gây ồn ào; nói tục, chửi bậy; hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; xả rác thải, chất thải trái nơi quy định; viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng và không mặc trang phục hở hang trái với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm…Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy tắc sẽ được biểu dương, khen thưởng và nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Câu chuyện của dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng khơi mào cho tranh luận mới.
Trước hết, thế nào thì được gọi là “phản cảm”, bộ tiêu chí của “phản cảm” như thế nào? Trên thế giới có nước nào có quy định về “ăn mặc hở hang” không? Trước hết về ngôn ngữ, khái niệm “phản cảm” vô cùng trừu tượng nếu không có “bộ tiêu chí”. Phải khẳng định rằng, khó có thể tìm được ở các nước quy định “cấm ăn mặc hở hang”. Những khu vực tôn giáo và tín ngưỡng thì đã có các bảng hướng dẫn ăn mặc và có hình minh họa, không có quy định chung chung kiểu “cấm ăn mặc phản cảm” như ta đang dự thảo.
Thứ hai là, việc bêu tên người “phản cảm” cần phải được xem xét có phù hợp với quyền con người, quyền công dân được quy định trong luật và Hiến pháp nước ta hay không. Nếu không được xem xét thận trọng, giả sử áp dụng quy định như dự thảo, người dân sẽ khiếu kiện chính quyền Hà Nội để bảo vệ danh dự cho họ, lúc đó tính sau. Tất nhiên ta không thể kéo dài mài “tư duy tảng lờ” đối với dân. Thời đại này không dễ để một cơ quan nhà nước can thiệp vào sở thích của cá nhân, trừ khi nó phương hại đến lợi ích, đến trật tự công cộng.
Hàng ngày đi trên đường phố Hà Nội, không khó để nhận ra vô số những quy định của luật pháp bị người dân ngang nhiên vi phạm; ví dụ: đi xe đạp điện ở Hà Nội không ai đội mũ bảo hiểm, xe máy kẹp ba, kẹp bốn, vượt đèn đỏ ở các nút giao… Nói như thế để thấy rằng, cưỡng chế bằng hành chính như nhắc nhở, phê bình, cưỡng chế bằng pháp luật (nhẹ nhất là xử phạt) vẫn có thể “thua” nếu ý thức coi thường vẫn là phổ biến ở Thủ đô.
Quy tắc ứng xử nơi công cộng hướng tới xây dựng thành phố thanh lịch, văn minh; góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô. Đó là điều hết sức cần thiết. Không thể để Hà Nội phát triển “tự do” và nhếch nhác về bộ mặt (trong đó có bộ mặt văn hóa) như hiện nay, tuy nhiên “tư duy can thiệp” hành chính vào văn hóa là điều không thể được.
Chúng ta có hệ thống quản lý ngang, dọc đến tận tổ dân phố không thể “thua” về giáo dục. Tư duy không quản được thì cấm, không cấm được thì phạt là tư duy cũ. Không thể kéo dài mãi trong quản trị xã hội. Năm mới, tư duy phải mới!.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu