Theo AP, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc vừa qua cho biết, Công ty CanSino Biologics của nước này đã bắt đầu giai đoạn 2 của các cuộc thử nghiệm đối với một loại vaccine được cho là có triển vọng ngừa virus Corona.
Còn tại Mỹ, vaccine do Viện Y tế Quốc gia nước này (NIH) và Công ty Moderna sản xuất cũng đang được rốt ráo thử nghiệm. Người đầu tiên được tiêm vaccine thử nghiệm này vào tháng trước, ngày 14/4 đã trở lại bệnh viện ở Seattle để tiếp tục tiêm liều thứ 2, cũng là liều vaccine cuối cùng theo quy trình thử nghiệm.
Bác sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cũng là cố vấn hàng đầu của Tổng thống Donald Trump về các bệnh truyền nhiễm cho biết, cho tới nay việc thử nghiệm “chưa có báo động đỏ” gì và ông hy vọng giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, với quy mô lớn hơn, có thể bắt đầu vào khoảng tháng 6 tới.
Ngoài ra, 1 loại vaccine tiềm năng thứ 3 do Công ty Inovio Pharmaceuticals sản xuất từ tuần trước cũng đã bắt đầu thử nghiệm bước đầu về an toàn tại Mỹ và hy vọng mở rộng các cuộc nghiên cứu tại Trung Quốc.
Những thử nghiệm ban đầu đối với các vaccine này chú trọng đến độ an toàn và các nhà nghiên cứu tại cả 2 nước vẫn đang nỗ lực thử các liều khác nhau của những loại vaccine khác nhau. Tuy nhiên, giai đoạn thứ 2 của các cuộc thử nghiệm sẽ là một bước quan trọng, cho phép vaccine được thử nghiệm trên nhiều người để tìm dấu hiệu chứng minh loại vaccine đó có khả năng bảo vệ chống lây nhiễm.
Trong tuần qua, Công ty CanSino cho biết đang đặt mục tiêu tuyển 500 người tham gia cuộc thử nghiệm kế tiếp. Theo truyền thông Trung Quốc, tính đến đầu tuần này, 237 trong số những người tình nguyện đã được tiêm vaccine.
Nhìn về phía trước, ông Fauci cho rằng, nếu virus Corona chủng mới tiếp tục tồn tại và lây lan rộng rãi đến mùa hè và mùa thu, những cuộc nghiên cứu rộng rãi có thể kết thúc trước thời hạn 12 đến 18 tháng mà ông tiên đoán trước đây, thay vào đó có thể là vào “giữa hay cuối mùa đông năm tới”. Song, ông Fauci nhấn mạnh đó là trong trường hợp vaccine chứng minh hiệu quả. “Cần phải hữu hiệu và phải an toàn”, ông nói.
Còn tại Trung Quốc, giới chức nước này tại một cuộc họp báo cũng nhấn mạnh rằng các cuộc nghiên cứu phải được thực hiện một cách đúng đắn. “Dù đang trong tình trạng khẩn cấp nhưng chúng ta không thể hạ thấp tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả của vaccine”, ông Wang Junzhi - một chuyên gia về dược học tại Trung Quốc – nêu rõ.
Vaccine của CanSino căn cứ trên một loạt thuốc vận dụng gen đã được chế tạo để ngừa Ebola. Những vaccine ứng viên hàng đầu của Mỹ thì chế tạo vaccine bằng cách sao chép mã số gen của virus Corona.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này cho biết, trong giai đoạn đầu của việc phát triển vaccine đang được theo đuổi trên toàn cầu, hiện đang có khoảng 50 loại vaccine tiềm năng khác nhau. Nhiều nhóm nghiên cứu cũng đang đẩy mạnh việc phát triển này.
Trong một động thái liên quan, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres trong cuộc họp trực tuyến với các đại diện của 50 quốc gia châu Phi là thành viên LHQ ngày 15/4 cho rằng 1 loại vaccine phòng bệnh Covid-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế.
Do đó, ông Guterres kêu gọi thế giới nhanh chóng phát triển một loại vaccine phòng Covid-19 mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, đem lại lợi ích chung toàn cầu và giúp thế giới kiểm soát đại dịch.
Tổng Thư ký LHQ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận hài hòa và phối hợp hiệu quả để đẩy nhanh tối đa tốc độ cũng như quy mô cần thiết cho việc triển khai một vaccine phòng Covid-19 vào cuối năm 2020.
Cùng ngày, WHO khẳng định không khuyến cáo sử dụng vaccine bại liệt loại uống (OPV) để phòng ngừa bệnh Covid-19 bởi không có bằng chứng nào cho thấy vaccine OPV có khả năng phòng bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Theo tổ chức này, kết quả thí nghiệm của các nghiên cứu công bố trong nhiều năm qua cho thấy OPV có tác dụng không đặc hiệu đối với hệ miễn dịch.
Khẳng định của WHO được đưa ra trong lúc các nhà khoa học ở Mỹ sẽ tiến hành một thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine OPV trong thời gian tới và WHO sẽ đánh giá, xem xét kết quả này.