Phán quyết dài 1 trang của Tòa án Tối cao Mỹ chỉ đưa ra quyết định đối với vụ kiện của Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) tại bang Maryland yêu cầu ngừng thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh ban hành hồi tháng 3 và hết hiệu lực vào ngày 24/9 vừa qua.
Chiến thắng tượng trưng
Theo đó, toàn bộ 9 thẩm phán của tòa đều nhất trí bác bỏ phán quyết của tòa án phúc thẩm về vụ kiện tại Maryland. Vốn theo kế hoạch, ngày 10/10, các thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ có phiên tòa để các bên trình bày luận điểm về vụ kiện, song do sắc lệnh đã không còn hiệu lực, phiên tòa này cũng được hủy bỏ.
Đây được xem là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho chính quyền Tổng thống Trump do trên thực tế, sắc lệnh này đã hết hiệu lực. Ngoài ra, tòa án vẫn chưa xem xét một vụ kiện khác của bang Hawaii liên quan đến một điều khoản riêng rẽ thuộc sắc lệnh hạn chế nhập cảnh trên. Trong khi đó, sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới mà Washington vừa đưa ra hồi cuối tháng 9 cũng đã bắt đầu bị cuốn vào cuộc chiến pháp lý.
Tính đến nay, Tổng thống Trump đã công bố 3 sắc lệnh hạn chế nhập cảnh. Sau sắc lệnh “chết yểu” hồi tháng 1, sắc lệnh thứ 2 được công bố hồi tháng 3 nhằm vào công dân các nước Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia và Sudan cũng bị vô hiệu hóa. Đến tháng 9 vừa qua, Nhà Trắng tiếp tục ban hành sắc lệnh mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 18/10 tới. Theo đó, Sudan đã được đưa ra khỏi danh sách các nước có công dân bị cấm nhập cảnh Mỹ, song Chad và Triều Tiên lại được đưa vào danh sách này cùng một số quan chức của Venezuela.
California - “ngôi nhà an toàn” của nhập cư bất hợp pháp
Trước đó, chính quyền bang California (ngày 6/10 đã thông qua đạo luật SB54, khiến nơi đây trở thành nơi lưu trú an toàn đầu tiên ở Mỹ cho người nhập cư bất hợp pháp mà không có giấy tờ tùy thân. Đạo luật SB54, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, là một trong số nhiều đạo luật được chính quyền bang California ban hành nhằm bảo vệ người nhập cư bất hợp pháp đang sinh sống tại đây, bao gồm cả các đối tượng phạm tội, trước hàng loạt chính sách cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thống đốc bang California Jerry Brown nhấn mạnh đạo luật SB54 không “cản trở hoặc ngăn chặn Cơ quan Di trú và Hải quan (ICE) và Bộ An ninh Nội địa Mỹ thực hiện công việc của mình”. Tuy nhiên, theo đạo luật này, cảnh sát bang California không được phép tra hỏi người dân về tình trạng nhập cư, cũng như không được phép tham gia các hoạt động cưỡng chế nhập cư do chính phủ và các cơ quan liên bang chỉ đạo.
Trong khi đó, quyền Giám đốc ICE Tom Homan cho rằng quyết định trên của chính quyền bang California là “sai lầm”, do đạo luật SB54 sẽ “làm suy yếu an ninh công cộng và cản trở ICE trong việc thực thi sứ mệnh được chính quyền liên bang giao phó”. Ngoài ra, ông cũng cho rằng đạo luật này sẽ biến California thành “thanh nam châm thu hút người nhập cư trái phép”.
California là bang đông dân nhất nước Mỹ và là nơi nương náu của gần 3 triệu người nhập cư bất hợp pháp, trong đó đa số đến từ Mexico và khu vực Trung Mỹ. Nhiều thành phố ở California như Los Angeles và San Francisco hiện đã cấm cảnh sát địa phương tham gia các chiến dịch truy quét người nhập cư trái phép do ICE phát động. Trong tuần trước, ICE bắt giữ 450 người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ, trong đó 101 người bị bắt ở Los Angeles.