MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp" và câu chuyện nhạc Việt phát huy giá trị truyền thống

MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của nữ ca sĩ Hòa Minzy tái hiện thành công câu chuyện cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu.
MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của nữ ca sĩ Hòa Minzy tái hiện thành công câu chuyện cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu.
(PLVN) - Sau một thời gian rầm rộ với những MV lạ lẫm, nhiều màu sắc, thời gian gần đây, thị trường nhạc Việt bắt đầu chứng kiến sự trở lại với những giá trị truyền thống, văn hóa thuần Việt. 

Tái hiện câu chuyện lịch sử

Với MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”, nữ ca sĩ Hòa Minzy đã có một sự xuất hiện trở lại đầy ngoạn mục, thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Lý do khiến MV này gây sốt là bởi nó tái hiện một cách khá thành công câu chuyện tình của nhân vật lịch sử Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. 

MV khắc họa mối tình tuyệt vọng, kết thúc không có hậu giữa Nam Phương Hoàng hậu, người phụ nữ tài sắc nức tiếng Nam kì lục tỉnh và vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn - Bảo Đại, từ khi gặp gỡ, kết hôn cho đến khi vị cựu hoàng chạy theo nhiều bóng hồng khác, để lại hoàng hậu với nỗi tủi hờn. Mối tình day dứt được khắc họa lồng vào những diễn biến của dòng chảy lịch sử: Từ lúc hoàng đế còn trẻ, quyền lực sống trong đại nội cho đến thời điểm sau cách mạng, cựu hoàng ra Bắc trở thành ông cố vấn, rồi đến khi lưu vong tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Mỗi một giai đoạn lịch sử, một biến cố cuộc đời cựu hoàng đều gắn với nhiều bóng hồng khác nhau. MV không chỉ khắc họa nỗi đau của người phụ nữ - cho dù cao quý như hoàng hậu - giữa sóng gió cuộc đời, giữa bể dâu của thời cuộc mà còn tái hiện một giai đoạn lịch sử, tuy không xa nhưng không nhiều người trẻ biết đến. 

Đây là một dự án âm nhạc được nữ ca sĩ và ê kíp ấp ủ suốt 2 năm trời, với sự đầu tư, tìm hiểu, nghiên cứu kĩ lưỡng, chỉn chu các yếu tố lịch sử. Kawaii Tuấn Anh, đạo diễn của MV cũng là đạo diễn của nhiều MV nổi tiếng, mang nhiều yếu tố ăn khách thời gian gần đây. Tuy nhiên, trái với phong cách thường thấy, trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” lần này, người xem không bắt gặp các yếu tố “twis” (tình huống bất ngờ), drama (bi hài, gây cấn) thường dùng để tạo hiệu ứng đám đông. 

MV là một câu chuyện khá trọn vẹn với cách thể hiện nghiêng về đi vào chiều sâu câu chuyện và tái hiện các yếu tố lịch sử chỉn chu. Kawaii Tuấn Anh cho biết, với MV này, anh không mong muốn sẽ là một sản phẩm mang tính thị trường hay số đông. Mục tiêu của MV cũng không phải chạy theo lượt view. Chính vì là MV mang yếu tố lịch sử, văn hóa nên yếu tố tôn trọng sự thật, khắc họa vẻ đẹp văn hóa Việt phải ưu tiên lên hàng đầu bên cạnh nỗ lực sáng tạo.  

Có lẽ, đó là lý do khiến dù còn một số “hạt sạn” nhỏ nhưng không ai có thể phủ nhận, MV đã tái hiện một cách không thể chê vào đâu được một câu chuyện có thật trong lịch sử, tái hiện thành công dáng vẻ, thần thái, cách ăn mặc của vị hoàng đế, hoàng hậu lẫn không khí của thời đại. 

MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” đã đem lại một làn gió mới của trào lưu MV cổ trang trong nước và được khán giả yêu thích có lẽ bởi những yếu tố như thế. Không ít khán giả trẻ chia sẻ, vì xem MV mà họ đã tìm kiếm những thông tin xoay quanh cuộc đời vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn, đồng thời biết thêm nhiều kiến thức của giai đoạn lịch sử đầy biến động ấy.

Đem văn hóa, văn chương Việt vào MV 

Cách đây ít lâu, Chi Pu, nữ ca sĩ vẫn còn gây tranh cãi về chất lượng giọng hát đã ra mắt MV “Anh ơi ở lại”, trong đó nữ ca sĩ hóa thân thành nàng Cám trong truyện cổ tích “Tấm Cám”. Tiếp cận mới từ góc độ nhân vật phản diện trong câu chuyện cổ tích, MV đã đan cài vào những nét đẹp văn hóa Việt: Làng quê Việt Nam, những cô gái thôn quê mang áo tứ thân đầu vấn khăn, hình ảnh mái đình làng hay cảnh tái hiện cung đình Việt Nam với vua, hoàng hậu, thị vệ… 

MV của Chi Pu nằm trong một chuỗi những MV lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Việt được khán giả đón nhận thời gian qua. Như MV “Sao em nỡ” của Jaykii, lấy nội dung từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. MV xây dựng câu chuyện với các hình ảnh gợi nhớ những trích đoạn quen thuộc trong “Truyện Kiều” như Kiều gặp Kim Trọng, Kiều bán mình chuộc cha…

Dù âm nhạc khá hiện đại, nhưng phần cổ trong trong MV được làm chỉn chu, tái hiện bối cảnh thời đại phù hợp, phục trang và các yếu tố văn hóa đi kèm đẹp mắt, đầy tính cổ điển.

Nói đến dòng MV âm nhạc cổ trang lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học hoặc nét đẹp văn hóa Việt, có lẽ ít nghệ sĩ trẻ nào có thể đuổi kịp Hoàng Thùy Linh, cả về số lượng lẫn độ yêu thích MV. Từ “Bánh trôi nước” (cảm hứng từ bài thơ cùng tên của nữ sĩ Hồ Xuân Hương), “Để Mị nói cho mà nghe” (sự kết hợp của hàng loạt tác phẩm văn học như Lão Hạc, Chí Phèo, Vợ nhặt, Chị Dậu, Số đỏ…), “Tứ phủ” (tái hiện văn hóa hầu đồng) và mới đây nhất là “Kẻ cắp gặp bà già” (cảm hứng từ nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam). Dường như, nữ ca sĩ trẻ này đang có tham vọng tái hiện nhiều khía cạnh, nhiều nét đẹp trong văn hóa Việt. 

Nếu như các ca sĩ khác, khi làm MV chú trọng nhiều đến phần hình ảnh thu hút và nhiều MV mắc lỗi dù đẹp, tái hiện tốt bối cảnh văn hóa, lịch sử Việt nhưng bị đuối, rời rạc giữa âm nhạc và nội dung thì MV của Hoàng Thùy Linh hầu như kết hợp rất nhuần nhuyễn và hợp lý giữa văn hóa, nghệ thuật Việt bằng hình ảnh và cả âm hưởng trong âm nhạc. Với sự đầu tư kĩ lưỡng, có chiều sâu cùng năng lực sáng tạo, quả thật Hoàng Thùy Linh đã tạo ra những tác phẩm âm nhạc đẹp đẽ, mang tính “mở đường” cho dòng nhạc này. 

Từ đó, nhiều nghệ sĩ trẻ cũng nhận ra rằng, quả thật, văn hóa Việt là một “kho tàng” mà họ chưa khám phá đến cho sản phẩm âm nhạc của mình. Làm âm nhạc hướng đến văn hóa, truyền thống Việt không chỉ hút khán giả mà còn góp phần đem những giá trị đẹp của đất nước đến với mỗi người nghe nhạc. Ngọc Mai

MV cổ trang đã trở thành một trào lưu từ cách đây gần 20 năm, từ thời các ca sĩ thế hệ vàng như Lam Trường, Đan Trường, Phương Thanh còn ở đỉnh cao. Vài năm gần đây, trào lưu MV Việt có yêu tố ngoại lai lại xuất hiện, đi cùng với sự lên ngôi của phim ngôn tình.

Các MV này mặc dù đầu tư rất hoành tráng, nhưng khó có thể nói yếu tố cổ trang, trong đó phản ánh văn hóa Việt, khi mà nội dung, bối cảnh, trang phục, tạo hình… đều na ná những bộ phim Trung Quốc ăn khách thời gian gần đây. Thậm chí, có MV còn bị khán giả nhiều nước tố là “đạo” các yếu tố văn hóa nước họ. 

Tuy nhiên, ở thời điểm gần đây, với sự trở lại của những MV cổ trang có đầu tư đàng hoàng, hướng đến các yếu tố lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam, lại được khán giả đón nhận nhiệt liệt, có thể hy vọng vào một sự đổi thay tích cực của thị trường nhạc trẻ.

Mong rằng, qua những MV như thế, sẽ có nhiều khía cạnh đẹp đẽ của văn hóa Việt được khai thác. Và giới trẻ Việt, thay vì những bài học khô cứng sẽ được tiếp cận những giá trị cổ truyền của đất nước với một cách thức mới mẻ, phù hợp và dễ thẩm thấu với họ hơn.

Đọc thêm

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM
(PLVN) - Sáng 19/4, Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức đã chính thức diễn ra. Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện với vai trò Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2024-2025.

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội (ảnh V.H)
(PLVN) -  Từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là học trò của nữ ca sĩ Anh Thơ, Tô Ngọc Hà lại chọn theo dòng nhạc Bolero, trữ tình, lãng mạn…Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào nữ ca sĩ thể hiện tình yêu Hà Nội qua những sắc màu thời gian.

Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Qua 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm tham gia 02 cuộc thi Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. (Ảnh: Bảo Châu)
(PLVN) - Sáng ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).

Các nghệ sĩ, tiktoker tránh phạm luật khi quảng cáo

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đã quảng cáo cho FXT Token, một loại tiền hoạt động dưới hình thức đa cấp tại Việt Nam. (Ảnh: Zing.vn).
(PLVN) - Trước thực trạng các nghệ sĩ quảng cáo, người nổi tiếng, tiktoker giới thiệu thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng, các ngành chức năng đã tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ vi phạm.

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.