Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Tập sự Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng cho biết, xu hướng dịch chuyển của các nhóm lừa đảo trực tuyến tập trung mạnh vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp được thể hiện khá rõ trong năm nay.
Khi công nghệ phát triển, smartphone trở nên phổ cập - trẻ em, người cao tuổi, sinh viên, người lao động thu nhập thấp đều đã có smartphone. Nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo của họ còn khá thấp.
Mặt khác, các nhóm lừa đảo trực tuyến đã không chỉ giới hạn hoạt động tại Việt Nam, mà còn hình thành các tổ chức lừa đảo ở các nước lân cận như Campuchia, Lào, Philippines, tập hợp được nhiều người Việt tham gia…
“Hiện lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra mạnh còn bắt nguồn từ người dùng chưa được cập nhật sớm, đầy đủ về các hình thức lừa đảo, Cục An toàn thông tin cho rằng, ngoài xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, cần phải thúc đẩy tuyên truyền, thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt. Khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế biết cách nhận diện các hình thức lừa đảo, họ sẽ cảnh giác hơn, giúp giảm lừa đảo trực tuyến”, ông Hưng chia sẻ.
Ông Trần Quang Hưng. |
Thống kê của Cục An toàn thông tin cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Ba nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Nêu ra những nguyên nhân khiến lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong thời gian gần đây, ông Trần Quang Hưng thừa nhận có việc các đối tượng lừa đảo đã tận dụng được các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn.
Nhận định lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra mạnh một phần do người dùng chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo, lãnh đạo Cục An toàn thông tin cho rằng, ngoài việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, một việc quan trọng không kém là làm sao thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt.
Để tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến”, triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023. Dự kiến, trong tháng 8, Cục An toàn thông tin sẽ công bố kết quả của chiến dịch này.
Nói về sự khác biệt của chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân lần này, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết thêm, khác với các năm trước chủ yếu là đại diện cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp an toàn thông tin tham gia tuyên truyền, năm nay đã huy động sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức khác như các công ty truyền thông, mạng xã hội, Đoàn thanh niên, Liên đoàn Lao động Việt Nam để có những hình thức tuyên truyền đa dạng, với mục tiêu là làm sao đến được với nhiều người nhất.
Ngoài ra, theo Cục An toàn thông tin, một tín hiệu tích cực là thời gian gần đây, nhiều người dân đã chủ động thông tin tới cơ quan Nhà nước về việc mình đang bị lừa đảo trực tuyến. Việc này sẽ giúp phát hiện, nhận diện sớm và kịp thời tuyên truyền, lan tỏa cho nhiều người khác biết và cảnh giác với các tình huống, hình thức lừa đảo.
Ông Trần Mạnh Tuấn. |
Cũng liên quan đến vấn nạn lừa đảo, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Trần Mạnh Tuấn giải thích nguyên nhân tại sao các trạm BTS giả có thể lừa người dùng. Theo đó, mạng di động chỉ yêu cầu mạng xác thực thuê bao của người dùng chứ không yêu cầu ngược lại. Đây là một lỗ hổng mà ngay cả các tổ chức quốc tế hiện vẫn chưa có giải pháp triệt để.
Bên cạnh đó, các thiết bị BTS giả được nhập lậu qua con đường tiểu ngạch, chúng thường rất nhỏ gọn nên các cơ quan chức năng rất khó có thể phát hiện trong quá trình thanh kiểm tra. Ngoài ra, các thiết bị BTS này cũng được các đối tượng lừa đảo đưa vào sử dụng trên các phương tiện di động như tàu, ô tô hay thậm chí là xe máy, khiến việc phát hiện càng trở nên khó khăn.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ TT&TT đã phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng có liên quan như phối hợp với Bộ Công thương nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ, không cho phép mua bán các thiết bị BTS giả trên sàn thương mại điện tử. Bộ TT&TT cũng phối hợp với các đơn vị để phát hiện tình trạng nhập lậu BTS.
Về vấn đề giải pháp xử lý trường hợp này, ông Trần Mạnh Tuấn cũng chia sẻ về cách thức khoanh vùng, tìm kiếm các đối tượng sử dụng trạm BTS giả vào mục đích lừa đảo. Theo đó, khi trạm BTS giả hoạt động, nhà mạng sẽ khoanh vùng hoạt động của trạm BTS này. Sau đó, các chuyên gia kĩ thuật của Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ tham gia khoanh vùng và định vị vị trí chính xác mà BTS giả hoạt động, sau đó phối hợp với cơ quan công an để bắt tại chỗ các đối tượng lừa đảo.
Phương pháp này đã hoạt động hiệu quả trong thời gian qua khi giúp các cơ quan chức năng xác định và bắt giữ 24 vụ lừa đảo qua trạm BTS giả từ đầu năm 2022, bao gồm 9 vụ trong năm 2022 và 15 vụ trong năm 2023.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.362 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 512.712 địa chỉ.
Cục An toàn thông tin đã điều phối ngăn chặn 1.530 trang web/blog vi phạm pháp luật (559 trang lừa đảo trực tuyến); bảo vệ hơn 2,7 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.