Trên địa bàn phường Phương Nam có khoảng 400ha trồng vải chín sớm, trong đó, diện tích đang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP là trên 290ha. Đây được xem là vùng trồng vải lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, được trồng tập trung tại các khu: Hiệp Thanh, Đá Bạc, Cẩm Hồng, Hồng Hà, Hồng Hải, Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Phong Thái. Quả vải nơi đây có cùi dày, màu trắng trong, giòn, vỏ mỏng, khi chín có màu đỏ tươi và mùi thơm đặc trưng, với vị ngọt mát, chua dịu, không chát, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, thời gian thu hoạch vải kéo dài từ trung tuần tháng 5 đến giữa tháng 6, trước khi vải thiều bắt đầu vào vụ.
Để nâng cao giá trị, chất lượng, công tác tiêu thụ cho cây vải, ngay từ đầu vụ vải năm 2023-2024, UBND phường Phương Nam đã tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng, mở các lớp tập huấn cho hàng trăm lượt hộ trồng vải về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải. Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại được đổi mới theo hướng chủ động kết nối các doanh nghiệp, thương lái với các hộ dân sản xuất.
Quả vải chín sớm Phương Nam có cùi dày, giòn, vỏ mỏng, khi chín có màu đỏ tươi. |
Năm 2024 là năm đầu tiên các đơn vị tổ chức livestream quảng bá hình ảnh quả vải chín sớm Phương Nam trên các nền tảng mạng xã hội. Sự kiện nằm trong chương trình Tuần hàng Việt Nam - Uông Bí năm 2024 do Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh tổ chức. Việc livestream bán sản phẩm vải chín sớm Phương Nam là cách làm mới, thiết thực để tôn vinh loại nông sản địa phương có chất lượng tốt. Cùng với hệ thống đường giao thông nội đồng đã được tỉnh, thành phố, quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng, đảm bảo an toàn giao thông; công tác đảm bảo an ninh trật tự được duy trì thường xuyên phục vụ mùa thu hoạch vải.
Livestream quảng bá vải chín sớm Phương Nam trên Fanpage của Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương tỉnh Quảng Ninh. (ảnh Hoàng Nga). |
Chỉ trong vòng 20 ngày, 100% sản lượng vải chín sớm Phương Nam đã được tiêu thụ với giá bán trung bình khoảng gần 40.000 đồng/kg (giá bán trung bình năm 2023 là 25.000 đồng/kg); đạt tổng doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, tăng gần 11 tỷ đồng so với năm 2023. Hiện vùng vải chín sớm Phương Nam đang trong lộ trình chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng theo chuẩn OTAS với các tiêu chí về lập bản đồ vùng trồng và giám định, kiểm soát chất lượng khắt khe. Đây là bộ quy chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chí để có thể xuất khẩu quả vải chín sớm Phương Nam vào các nước Châu Âu.
Giá bán vải sớm năm nay tăng cao, đã mang lại doanh thu, đem lại niềm vui cho các hộ trồng vải, chị Ngô Thị Chung (khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam) phấn khởi, cho biết: Trước đây, việc chăm sóc cây vải của người dân địa phương chưa theo quy trình kỹ thuật sản xuất chuẩn nào, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính, cây vải chưa cho năng suất, chất lượng cao. Mấy năm gần đây, gia đình tôi bám sát quy trình VietGAP, cộng thêm kinh nghiệm của bản thân, nên hiệu quả nâng cao rõ rệt, chất lượng quả chín đều, to hơn hẳn, ít sâu đục cuống. Tính đến thời điểm này, gần 50 gốc vải của gia đình tôi đã được các thương lái mua hết, với giá bán cao hơn hẳn so với những năm trước, đây cũng là động lực để tôi và những người trồng vải nơi đây tiếp tục đầu tư chăm sóc cây nông sản địa phương, đưa thương hiệu vải chín sớm Phương Nam đến mọi người dân và du khách.