Rộn rã trong ánh trăng thu
Trong cung đình xưa, dưới triều Lý, Trung thu là một lễ hội do nhà vua tổ chức với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước, rối cạn. Thời Trần, các nhà quý tộc uống rượu, ngâm thơ đạo xem phong cảnh. Đến thời Lê Trung Hưng, những mô tả lịch sử là ngày hội trong phủ Chúa Trịnh được trang hoàng lộng lẫy bằng hàng ngàn chiếc đèn tạo nên một đêm trung thu lung linh đầy màu sắc.
Trong dân gian, ngày Tết Trung thu cũng trở nên rực rỡ với tục chơi đèn, phá cỗ trông trăng. Hằng năm, từ đầu tháng 8 Âm lịch cho đến Rằm Trung thu, UBND Hoàn Kiếm thường tổ chức “Lễ hội Trung thu phố cổ”. Trong đó, phố Hàng Mã chính là tâm điểm của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Hàng Mã là một trong những con phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội. Nơi đây, nổi tiếng với sản phẩm thủ công truyền thống, đồ trang trí bằng giấy. Phố Hàng Mã được “nhuộm đỏ’’ bởi sắc màu rực rỡ, lung linh của đèn lồng, đèn ông sao… Một số cửa hàng còn tạo tiểu cảnh với chủ đề Trung thu để phục vụ du khách. Khách đến phố Hàng Mã thường mua hàng kết hợp với tham quan, chụp ảnh. Bởi vậy, đến Hà Nội vào “mùa trăng”, thưởng ngoạn không khí Trung thu tại phố Hàng Mã là một trong những trải nghiệm được khách du lịch trong nước và nước ngoài hết sức ưa chuộng.
Dịp Tết Trung thu, tại những điểm đến như: Phố bích họa Phùng Hưng, khu phố cổ Hà Nội (ngôi nhà 87 Mã Mây, Trung tâm Giao lưu văn hóa 50 Đào Duy Từ, đình Kim Ngân)… có các hoạt động, không gian vui đón Trung thu hướng về giá trị văn hoá truyền thống. Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp CLB Đình làng Việt và Dự án “Trường làng trong phố” đã tổ chức sự kiện “Ghép đèn sáng sao”, “Hoa cài tre đan” và “Nghiêng vành nón Chuông”… thu hút du khách trong và ngoài nước.
“Lễ hội đêm rằm” tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Ban tổ chức tạo khu trưng bày ngoài trời với các loại đồ chơi truyền thống: Đầu lân sư, mặt nạ giấy bồi, đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con giống, trống ếch... rực rỡ sắc màu. Cùng với đó, các du khách và em nhỏ sẽ được tham gia các hoạt động vui chơi, trải nghiệm bổ ích, như: Làm đèn lồng, diều, tô vẽ mặt nạ giấy bồi, làm con giống tò he; tìm hiểu về các nghề thêu, gốm, mây tre đan, mỹ nghệ sừng, làm nón, hoa đất, chần bông ghép vải; làm đồ lưu niệm, đồ chơi từ da, vải vụn, bông; làm bánh Trung thu truyền thống. Cùng với đó là tham gia các trò chơi dân gian: Ô ăn quan, cướp cờ, đánh chuyền, bịt mắt bắt dê, cà kheo, nhảy bao bố, nhảy lò cò… cùng các trải nghiệm kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, xiếc, trò chơi khoa học, khám phá... Du khách và các thiếu nhi sẽ cùng diễu hành đường phố; liên hoan nhảy múa dân vũ, đồng dao; phá cỗ trông trăng với mâm cỗ Trung thu chủ đề “Đêm hội đoàn viên”.
UBND thị xã Sơn Tây (T.P Hà Nội) tổ chức chương trình “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài” từ ngày 23 - 30/9. Chương trình có nhiều hoạt động hấp dẫn diễn ra: Biểu diễn múa lân, rồng; trình diễn mâm cỗ trung thu Thành cổ; hoạt cảnh sự tích chú Cuội, chị Hằng, Hội thi, diễu hành mô hình đèn trung thu đẹp và diễu hành tại không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, biểu diễn nghệ thuật; tặng quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Lung linh đêm hội Thành Tuyên. (Nguồn: Báo Tuyên Quang) |
“Lễ hội Thành Tuyên” diễn ra từ 20 - 27/9 tại TP Tuyên Quang với sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc, ngoài ra, có thêm tỉnh Bình Thuận và hai địa phương của hai nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang là tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc). Lễ hội Thành Tuyên từng được Guiness Việt Nam xác lập kỷ lục: “Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam”; “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”; “Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam”. TP. Thái Nguyên sẽ tổ chức chương trình “Nghệ thuật đường phố - Đêm hội Trung thu xứ Trà” 28 và 29/9 (tức 14 và 15/8 Âm lịch) tại khu vực quảng trường Võ Nguyên Giáp và một số tuyến đường trung tâm của thành phố với nhiều hoạt động sôi nổi như: trống hội, múa lân; xiếc; ca nhạc, nhóm nhảy đường phố…
Tại tỉnh Quảng Nam, TP Hội An đang chuẩn bị đón một mùa Tết Trung thu đặc biệt khi đón nhận niềm vui Lễ hội Trung thu ở Hội An vừa được ghi danh vào
Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, TP Hội An đã xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động vui Tết Trung thu năm nay cùng với lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, qua đó tôn vinh giá trị nổi bật của di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Tết Trung thu ở Hội An, ghi nhận sự nỗ lực của các bên trong việc bảo tồn di sản thời gian qua. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An. Lễ hội Tết Trung thu cũng như các giá trị nổi bật của lễ hội được hình thành trên cơ sở truyền thống bản địa, giao thoa văn hóa với các nước Nhật Bản, Trung Hoa và luôn được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ, tổ chức hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống hấp dẫn, sôi động bởi giàu giá trị văn hóa, tín ngưỡng, gắn với loại hình diễn xướng dân gian độc đáo múa Thiên cẩu chỉ có tại Hội An.
Hấp dẫn những du khách
Du khách nước ngoài đến với Việt Nam được tìm hiểu di sản văn hóa, thưởng thức những chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của mỗi tỉnh, thành. Chị Marie (du khách người Pháp) vẫn còn ấn tượng khi được trải nghiệm không khí “Lễ hội Thành Tuyên” năm trước. “Tôi thực sự ngỡ ngàng và ấn tượng khi được hòa vào lễ hội độc đáo này. Lần đầu tiên được ngắm các đèn lồng truyền thống sắc màu với những hình thù khác nhau, tôi cảm nhận sự khéo thay và tấm lòng gìn giữ văn hóa cổ truyền Việt. Điều này, tôi thấy rất cảm kích. Mâm cỗ Trung thu với nhiều sắc màu bắt mắt thu hút sự chú ý du khách. Chúng tôi được nghe các nghệ nhân cùng tìm hiểu và kể chuyện về ý nghĩa mâm cỗ. Du khách còn đặc biệt say mê khi được tự tay làm đèn con thỏ, làm đèn ông sao, làm bánh trung thu, thử thách đi cà kheo. Tôi về Pháp đã kể với các bạn mình và họ đã đặt tour để sang Việt Nam trong dịp Trung thu năm nay” - chị Maria chia sẻ.
Lễ hội Trung thu thu hút du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: Thế Dương) |
Anh David Nam (Việt kiều Anh) háo hức sẽ đưa gia đình tới TP. Hội An và ngắm đèn lồng và không khí lễ hội Trung Thu của Việt Nam giao thoa văn hóa các nước bạn. “Năm trước, gia đình tôi có tham dự lễ hội ở phố cổ Hà Nội, năm nay, chúng tôi đặt tour đi phố cổ Hội An trải nghiệm thêm sự phong phú lễ hội trăng rằm khắp mọi miền. Nhất định ở phố cổ Hội An, tôi sẽ cho các con trải nghiệm các làm bánh trung thu.
Bà Thanh Nga cùng các bạn đồng niên từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã được trải nghiệm “Vui Tết Trung thu” ở Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ngoài được phá cỗ Trung thu và xem múa rồng, tại đây, đoàn khách của bà Nga biểu diễn cồng chiêng và các ca khúc mang âm hưởng Tây Nguyên, thưởng thức hát Then, đàn Tính... Các du khách trong Nam còn được thưởng thức rối cạn “Trung thu cho em” của diễn viên nghệ sĩ Múa rối Việt Nam. “Thú vị hơn, chúng tôi còn được hướng dẫn làm bánh sừng trâu tại buôn làng dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), làm bánh a quát - bánh tình yêu tại buôn làng dân tộc Tà Ôi; làm bánh uôi tại bản làng dân tộc Mường (Hòa Bình), làm bánh giày (Thái Nguyên), thưởng thức hòa tấu đàn Tơrưng và Klông pút, tìm hiểu nghệ thuật dệt Zèng.
Những lễ hội “Trông trăng” tại các tỉnh, thành đã tạo những dấu ấn tốt đẹp trong lòng khách du lịch trong và ngoài nước. Mỗi vị khách du lịch là một “kênh” truyền thông hiệu quả góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới. Lễ hội trung thu góp phần giúp ngành du lịch Việt sớm đạt được mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng.