Lũ chồng lên lũ, người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đang tiếp tục hứng chịu hậu quả nặng nề từ trận lũ lịch sử đang diễn ra. Thống kê chưa đầy đủ, có 15 người chết (Hà Tĩnh: 8 người, Nghệ An: 7 người) và 6 người mất tích trong mưa lũ.
Theo ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, mưa lũ đã chia cắt hoàn toàn 105 xã, có 89.000 hộ dân bị ngập. Mưa lũ cũng đã làm 8 người bị chết. Hiện nay, nhiều đoạn đường trên quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh bị chia cắt, tắc xe kéo dài…
Cũng theo ông Cự, Hà Tĩnh đã huy động mọi lực lượng triển khai ứng cứu người dân, đảm bảo trực 24/24. Trong hoàn cảnh khó khăn này, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ban ngành quan tâm, tạo điều kiện để Hà Tĩnh khắc phục thiệt hại….
Đê La Giang (Hà Tĩnh) thành nơi cư ngụ của người dân khi nhà cửa bị nhấn chìm trong biển nước. Ảnh: Dân việt. |
Trước tình hình thiệt hại nặng nề do cơn lũ lịch sử gây ra, UBND Hương Sơn đã đề nghị tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 1.000 tấn gạo đảm bảo cứu đói, ổn định đời sống dân sinh trong những ngày ngập nước.
Riêng tại Can Lộc, mực nước đã rút xuống, tuy mức độ rút nước là rất chậm. Trò chuyện với phóng viên Pháp Luật Việt Nam, người dân ở đây cho biết, cuối giờ chiều nay, nước trong một số ngôi nhà đã rút. Tuy nhiên, sinh hoạt trong gia đình hoàn toàn bị đảo lộn. Sản lượng lúa mùa vừa thu hoạch đưa về nhà chưa bị nước lũ nhấn chìm, thiệt hại cho bà con nông dân vẫn chưa thể tính toán. Chỉ những người dân có bếp ga thì mới nổi lửa nấu được cơm, các hộ dân đun bếp củi thì chưa biết ăn uống bằng cách nào.
Tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực huy động mọi lực lượng để cứu dân trong mưa lũ, không để người dân đói, rét.
Tại Nghệ An, mưa lũ cũng làm 5 người bị cuốn trôi. Thông tin ban đầu, hiện có 7 người thiệt mạng. Trong đó, có hai học sinh tiểu học của xã Nghi Xá trên đường đi học bị lũ cuốn trôi và một người già đi trên đường.
Do mưa lớn kéo dài nên phần đê sông Lam đi qua địa bàn xã Hưng Lam (Hưng Nguyên) bị sạt lở, sụt lún. Trước tình hình nói trên, tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức họp khẩn tìm biện pháp khắc phục.
Việt Hưng