Đây là một trong những mục tiêu giảm nghèo năm 2013 và định hướng đến năm 2015 được xác định tại Hội nghị trực tuyến về giảm nghèo bền vững diễn ra vào hiều qua (22/4) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.
Đồng bộ nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo
Trong 2 năm 2011-2012, ngân sách nhà nước đã bố trí trên 22,3 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên. Nhờ vậy, đã có 29 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Từ năm 2010 đến nay, đã có gần 1,1 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn. Thông qua các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có gần 40 nghìn người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề, sau đó có việc làm, thu nhập và đã thoát nghèo. Ngoài ra, đã có hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất với mức vay bình quân 12 triệu đồng/lượt. Tính đến ngày 31/12/2012, có 1,9 triệu hộ gia đình được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên cho 2,3 triệu con em đi học, với dư nợ khoảng 3 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đã bố trí từ ngân sách trên 52 tỷ đồng để các địa phương tư vấn pháp luật cho hơn 90.000 lượt người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; phổ biến pháp luật cho trên 150 nghìn lượt người. Bên cạnh đó, hàng loạt các chính sách đặc thù trong giao khoán, bảo vệ rừng; khai hoang mở rộng sản xuất; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xuất khẩu lao động; ưu đãi tín dụng; ưu tiên đào tạo, tuyển dụng và ưu đãi đối với cán bộ tại các huyện nghèo đã được triển khai…
Qua việc tổ chức thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách giảm nghèo trên đây, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 11,76% năm 2011 và 9,6% năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 58,33% năm 2010 xuống còn 50,97% năm 2011 và 43,89% năm 2012.
Phấn đấu giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo
Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đã nhận định thẳng thắn về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa cụ thể, sâu sát, chưa quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo. Việc bố trí vốn cho cơ sở hạ tầng thiếu tập trung, còn dàn trải, chưa đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vẫn còn một số người nghèo nhưng thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng, thậm chí có tình trạng không muốn vươn lên để được giữ trong danh sách hộ nghèo…
Bởi vậy, định hướng chính sách giảm nghèo trong năm 2013 và những năm tiếp theo được Ban Chỉ đạo giảm nghèo Trung ương xác định là tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; chuyển dần hình thức hỗ trợ từ gián tiếp sang trực tiếp, giảm dần hình thức hỗ trợ cho không sang hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp nhằm khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo.
Không những thế, sẽ mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; phân loại đối tượng để có các chính sách hỗ trợ phù hợp mang tính đặc thù, nhất là đối với nhóm dân tộc rất ít người, nhóm người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành; tỷ lệ nghèo các huyện nghèo còn dưới 30%.
Năm 2013, Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 5.031,207 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 4.442,4 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp là 588,870 tỷ đồng. |
Thục Quyên